Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian qua có diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cả nước có 5 ổ dịch cúm A/H5N6 (xảy ra tại 5 xã thuộc 4 huyện của 4 tỉnh, bao gồm: Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang, Lạng Sơn) và 26 ổ dịch Lở mồm long móng vẫn chưa qua 21 ngày.

Ảnh minh họa

Còn đối với dịch tai xanh ở lợn, mặc dù các ổ dịch đã được kiểm soát ngay từ đầu tháng 12/2015, nhưng nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh ổ dịch và dịch bệnh lây lan là do: Thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng; mầm bệnh lưu hành rộng rãi trong môi trường, trên đàn vật nuôi; hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại một số địa phương vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc vận chuyển bất hợp pháp động vật qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, gây nguy cơ mang theo mầm bệnh vào Việt Nam; việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ.

Để chủ động hơn nữa và nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trong dịp Tết Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo các nội dung trong Công điện số 10598/CĐ-BNN-TY ngày 28/12/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.

Bên cạnh đó chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc. Cụ thể, đối với các tỉnh, thành phố đang có ổ dịch LMLM, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc công bố dịch theo đúng quy định của pháp luật để huy động tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiêm phòng bao vây ổ dịch, có biện pháp cưỡng chế tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc trong vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp trong trường hợp cần thiết.

Tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc mẫn cảm với bệnh LMLM và sản phẩm của chúng trên địa bàn các xã có dịch và các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp theo quy định để hạn chế phát tán mầm bệnh; tổ chức ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật bất hợp pháp qua biên giới; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát giết mổ ở trong nước.

Đối với dịch bệnh Tai xanh ở lợn, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Tai xanh ở lợn theo quy định hiện hành; phân công trách nhiệm cụ thể cho chính quyền cơ sở và hệ thống thú y địa phương trong việc giám sát ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tuân thủ việc tiêm phòng bắt buộc các bệnh nguy hiểm ở lợn theo quy định.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành văn bản để chỉ đạo chính quyền cấp dưới, các Sở, ngành của địa phương phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân có liên quan; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về nguồn lực, dự phòng vắc xin, hóa chất khử trùng và các phương án xử lý nếu có ổ dịch bệnh động vật phát sinh; tổ chức trực phòng, chống dịch trong dịp Tết và thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh động vật về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để phối hợp xử lý.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thú y thành lập các Đoàn đi đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại một số địa bàn trọng điểm; thường xuyên báo cáo tình hình dịch bệnh động vật và công tác phòng chống dịch về Bộ để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Theo Chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN