(Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 19/9/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) Ngày 26/6/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) trong tình hình mới. Sau hơn 3 năm thực hiện, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu công tác DS-KHHGĐ gần đây có phần chững lại và khó khăn hơn so với thời gian trước; tỷ lệ sinh và mức sinh chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng hầu hết ở các huyện, thành, thị; nhất là tăng cao ở các huyện vùng biển, vùng giáo, các đối tượng giáo viên, cán bộ, đảng viên, thậm chí cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo.Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:1. Tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xác định rõ những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Nghị quyết 20 và Chỉ thị này; đưa nội dung kiểm điểm công tác DS-KHHGĐ vào báo cáo tổng kết, đánh giá định kỳ hằng năm của cơ quan, đơn vị.2. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức trong công tác DS-KHHGĐ. Tập trung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là những vấn đề thách thức, cấp bách hiện nay về công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, bằng những hình thức, nội dung phù hợp, kịp thời đến các nhóm đối tượng, nhất là vùng đông dân, mức sinh và tỷ số giới tính khi sinh cao. Làm cho người dân hiểu rõ các nguy cơ về việc tăng dân số quá nhanh, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số thấp... là những thách thức thật sự ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội.3. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về chính sách DS-KHHGĐ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc quản lý, theo dõi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Phát huy vai trò gương mẫu, tự giác chấp hành của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các chính sách DS-KHHGĐ theo bản cam kết với các hình thức sau:- Đối với tập thể: Tổ chức cơ sở đảng có cán bộ, đảng viên vi phạm thì không xếp loại trong sạch, vững mạnh.- Đối với đảng viên: Xử lý vi phạm theo các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ngoài ra đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo vi phạm phải kiểm điểm trước cấp ủy cấp trên trực tiếp và làm đơn đề nghị rút tên khỏi chức danh lãnh đạo hoặc xem xét thuyên chuyển vị trí công tác khác. Cấp ủy đảng không đưa vào xem xét quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm; nếu có trong quy hoạch thì xem xét đưa ra khỏi quy hoạch chức danh hiện tại.- Đối với cán bộ vi phạm: Xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và theo bản cam kết với cơ quan, đơn vị, thuyên chuyển vị trí công tác.4. Ban hành một số cơ chế chính sách và củng cố, kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở các cấp. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành một số chính sách về công tác DS-KHHGĐ, bố trí cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ tại các xã, phường, thị trấn theo Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 53/2012/NQ-HĐND-ngày 13/7/2012 của HĐND tỉnh (khóa XVI); ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng 4 trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện hiện nay chưa có trụ sở làm việc (hoàn thành trước năm 2015). Các địa phương cân đối ngân sách, bổ sung kinh phí hàng năm ngoài ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia, để thực hiện mục tiêu về DS-KHHGĐ.5. Các tổ chức đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ; gắn chương trình DS-KHHGĐ với các chương trình: xóa đói, giảm nghèo; xây dựng khối, xóm, làng, bản văn hóa; khu dân cư tiên tiến; chương trình nông thôn mới; đưa tiêu chí thực hiện chính sách dân số vào các quy ước, hương  ước, quy định của các cơ quan, đơn vị, địa phương.6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì chỉ đạo Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; trong đó chú trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những tập thể, cá nhân và các tập tục lạc hậu vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.7. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch kiểm tra các ngành, địa phương, cấp ủy cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 26/6/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị này về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới.8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy.Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ, đảng viên và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

T/M BAN THƯỜNG VỤPHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦYTrần Hồng Châu