Chiều 18/8, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Công chứng. Các đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì. Tham dự có đồng chí Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Thực hiện công chứng 398.826 vụ việc
Luật Công chứng năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, hoạt động công chứng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, kịp thời tạo điều kiện cho các VPCC thành lập và hoạt động, vừa đảm bảo sự tuân thủ pháp luật trong quản lý Nhà nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 34 tổ chức hành nghề công chứng (với 68 công chứng viên), trong đó, có 2 phòng công chứng và 32 văn phòng công chứng được phân bố tại 15 đơn vị cấp huyện. Có 24 văn phòng công chứng đang hoạt động được thành lập theo Luật Công chứng 2006 và 8 văn phòng công chứng được thành lập theo quy định Luật Công chứng 2014.
Trong 5 năm triển khai Luật Công chứng 2014 (2015 - 2019) các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện công chứng 398.826 vụ việc, chứng thực 677.773 hồ sơ, phí công chứng thu được 100.568.258.000 đồng, phí chứng thực thu được 2.586.922.000 đồng, thù lao công chứng thu được 4.643.959.000 đồng, nộp ngân sách Nhà nước 14.278.481.000 đồng.
Những kết quả đạt được đã khẳng định Luật đã thực sự đi vào cuộc sống, số lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đã tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ; hoạt động của các văn phòng công chứng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các tổ chức hành nghề công chứng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã nêu rõ những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng 2014 như: Sự phân bố các văn phòng công chứng không đồng đều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa; Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong hành nghề công chứng vẫn còn tồn tại, làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của các văn phòng công chứng, công chứng viên, ảnh hưởng đến tính an toàn pháp lý của các hợp đồng được công chứng...
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác triển khai Luật Công chứng trong thời gian qua. Đồng thời chỉ rõ qua hội nghị tổng kết này cần đánh giá một cách toàn diện, chính xác, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại nêu trên.
Cụ thể, cần tổng hợp những vướng mắc, bất cập về các quy định pháp luật để đề nghị sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn kịp thời; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Công chứng và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, chức năng của công chứng; Có giải pháp để phát triển đội ngũ CCV tại địa phương đáp ứng được yêu cầu xã hội hóa hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Cùng với các giải pháp nêu trên, cần tham mưu cho phép thành lập các VPCC đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định Luật Công chứng và Quy định về tiêu chí do UBND tỉnh ban hành; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở các địa bàn cấp huyện chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực công chứng.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thi hành Luật Công chứng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2020.