(Baonghean) - Kết quả thanh tra chuyên ngành mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tiến hành đối với một số trường cao đẳng nghề trên địa bàn đã cho thấy một sự thật đáng buồn: Hầu hết tại các cơ sở đào tạo này đều để xảy ra sai phạm khá nghiêm trọng trong liên kết đào tạo với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học khác.

Không chỉ ở Nghệ An, tại Đại học Quốc gia Hà Nội cũng từng xảy ra nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo với nước ngoài, hậu quả dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập của hàng ngàn người. Đầu năm 2013, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra công tác quản lý liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học, theo đó, trên 46% trong tổng số 419 chương trình liên kết đào tạo tại 18 trường chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Những năm gần đây, các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường ở trong và ngoài nước ngày càng nở rộ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các cá nhân đang ngày càng cao. Liên kết đào tạo là mô hình nhằm tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội, nhờ đó, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa; nhiều người bận làm việc, không có thời gian theo học các lớp chính quy... có cơ hội học tập. Liên kết đào tạo đã có đóng góp nhất định vào việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, việc tổ chức đào tạo liên kết ngoài cơ sở chính để cấp bằng cao đẳng, đại học đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí có nơi đã vi phạm các quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật trong quản lý tài chính, kinh tế.

Song điều đáng quan tâm hơn, thực tế trong các chương trình liên kết, nội dung, chương trình đào tạo thường bị cắt xén; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị liên kết còn thiếu thốn, lạc hậu, không phù hợp… dẫn tới chất lượng đào tạo liên kết không bảo đảm. Vì thế, người được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học từ những chương trình liên kết này có thực sự đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng hành nghề hay không, đang là một câu hỏi chưa được giải đáp.

Rõ ràng, chỉ có qua công tác thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở  những quy định, quy chế chặt chẽ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai phạm ở các cơ sở liên kết giáo dục, đào tạo, để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Việc làm đó trước hết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người học; siết chặt quản lý Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo dưới hình thức liên kết.

Thị trường lao động ở nước ta ngày càng được vận hành theo đúng quy luật cung – cầu, trong đó, chất lượng người lao động với các tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ, kỹ năng... đang ngày càng được đề cao và là yếu tố quyết định. Hiện tượng tiêu cực chỉ dựa vào hay coi trọng “bằng cấp” đang dần được loại bỏ trong tâm lý xã hội. Vậy thì, dù đào tạo với bất cứ hình thức nào, các cơ sở giáo dục, đào tạo và cả người học cần biết mình phải suy nghĩ và hành động như thế nào để không đi ngược với xu thế đó. Cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những nơi vi phạm; đồng thời có biện pháp yêu cầu các cơ sở liên kết đào tạo có trách nhiệm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người học.


Hoài Quân