(Baonghean.vn)- Cử tri huyện Diễn Châu phản ánh chính sách chuyển giáo viên dôi dư cấp TH, THCS xuống dạy mầm non rất bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ vấn đề này.

Vấn đề này, ngành chức năng trả lời như sau:

Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An rất quan tâm đến các điều kiện để phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với đội ngũ: 

- Năm 2011: Chuyển đổi 353 trường mầm non bán công sang công lập (100%); Tuyển dụng giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các trường mầm non và tuyển dụng mới vào biên chế gần 6.000 người; giáo viên, nhân viên hợp đồng sau khi tuyển dụng được xếp lương ngạch bậc theo quá trình công tác có tham gia BHXH.

- Biên chế hàng năm cho ngành học mầm non đều tăng: Từ 3.970 biên chế vào năm 2010, đến nay UBND tỉnh đã giao gần 11.000 biên chế và 2.508 giáo viên hợp đồng hưởng chế độ theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV.

images1756683_h_c_sinh_m_m_non_thi_v__tranh___nh_t__li_u.jpghọc sinh mầm non ở huyện Yên Thành thi vẽ tranh. Ảnh tư liệu.

Quy mô phát triển trường lớp ngành học mầm non ngày càng tăng, bên cạnh đó quy mô trường, lớp cấp THCS giảm mạnh nên hiện tại tỉnh Nghệ An dôi dư khoảng 1.200 giáo viên THCS (kể cả hợp đồng và biên chế).

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và các quy định quản lý biên chế, tránh lãng phí kinh phí chi trả cho giáo viên dôi dư trong khi ngân sách gặp khó khăn, UBND các huyện đã tổ chức rà soát lại đối tượng giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học; tổ chức gặp mặt, trao đổi chủ trương, cho giáo viên dôi dư cấp THCS và tiểu học tự nguyện viết đơn đến công tác ở các trường mầm non và cam kết hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị đã tổ chức kiểm tra, sát hạch năng lực và khả năng công tác ở ngành học mầm non của GV.

UBND các huyện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng giáo viên này nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non. Cụ thể đã cử số giáo viên này tham gia tập huấn ngắn hạn, học lớp trung cấp mầm non văn bằng 2. Trong thời gian học tập để đạt chuẩn đào tạo, các giáo viên này chỉ tham gia hỗ trợ, thực tập các nội dung hoạt động tại các trường mầm non chứ không trực tiếp phụ trách lớp.

Giờ ăn của các cháu trường mầm non Hồng Sơn (TP Vinh). Ảnh tư liệu.

Sau khi đạt chuẩn đào tạo, giao các giáo viên cốt cán chuyên môn của nhà trường tiếp tục kèm cặp, bồi dưỡng;  tùy theo năng lực cá nhân để bố trí đứng lớp phù hợp (thực tế hiện nay, UBND tỉnh giao tỷ lệ bình quân mỗi lớp 1,7 đến 2 GV nên có thể bố trí 01 GV đứng lớp chính, 01 GV hỗ trợ, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ).

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ sẽ tăng cường kiểm tra và đôn đốc nhằm bảo đảm tiêu chuẩn và chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN