(Baonghean) - Thời gian gần đây, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực trọng điểm, phát hiện nhiều vụ vận chuyển, mua bán, cất giấu lâm sản trái phép.  

Những vụ việc phức tạp

Trên Quốc lộ 48, việc kiểm soát vận chuyển lâm sản do Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 3 phụ trách với những giải pháp thực hiện khá quyết liệt. Từ đầu năm 2015 đến nay, đội đã phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện, chính quyền địa phương, lực lượng công an xử lý 48 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 110m3 gỗ các loại, thu nạp ngân sách trên 855 triệu đồng (số vụ vi phạm giảm 50% so cùng kỳ). Ông Phạm Đức Thành, Đội trưởng, cho biết: Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng trên tuyến còn khá phức tạp, “lâm tặc” dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Ví như ngụy trang các loại lâm sản trên các phương tiện vận tải hàng hóa, xe khách, như cất giấu gỗ phía dưới thùng xe chở keo, gỗ dăm... Ngoài ra, lậm tặc còn lập các hồ sơ giả với chữ ký, con dấu giả của các đơn vị chức năng. Hiện nay do kiểm soát quyết liệt, lâm tặc chuyển hướng hoạt động vận chuyển lâm sản theo cung đường ngắn, từ huyện này sang huyện khác rồi từng bước tẩu tán.

Gỗ lậu được thu giữ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng (Con Cuông).
Gỗ lậu được thu giữ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng (Con Cuông).

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích 40.127 ha, trải rộng trên địa bàn 5 huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông và Quỳ Hợp. Địa bàn rộng lớn, phức tạp, có 3 bản Na Ngân, Na Kho và Xốp Kho, xã Nga My (Tương Dương) ở trong vùng lõi (gần 400 hộ dân), chưa kể là xã Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong) nằm ở ngoài bìa rừng. Lợi dụng gần rừng, bà con bị các đầu nậu thuê chặt gỗ về để dựng nhà sàn, hoặc cất giấu gỗ, có cơ hội “chuyển nhượng”, tẩu tán...

Riêng tại địa bàn xã Nga My (Tương Dương), 8 tháng đầu năm đã xử lý gần 10 vụ vi phạm lâm luật, chủ yếu là vận chuyển lâm sản trái phép. Tính cả  Khu BTTN Pù Huống đã xử lý 40 vụ vi phạm lâm luật, thu trên 100m3 gỗ các loại. Điều đáng báo động là lâm tặc ở khu vực này ngày càng hung hãn, coi thường pháp luật, dùng vũ khí nóng tấn công cả kiểm lâm. Như trong tháng 5/2015, Kiểm lâm Pù Huống phát hiện gỗ vô chủ ở Châu Hoàn (Quỳ Châu) và tiến hành kéo đưa về thì bị một đối tượng người địa phương ngăn chặn, tấn công lấy lại gỗ, vụ án này cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố. 

Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ 390 vụ vi phạm lâm luật (giảm 141 vụ so với cùng kỳ năm 2014), tịch thu 756,23m3 gỗ tròn, xẻ các loại; thu nộp ngân sách Nhà nước 5.479.770.000 đồng (giảm 2.552.773.000 đồng so với cùng kỳ năm 2014). 

Mặc dù số vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển lâm sản giảm nhưng tính chất lại có chiều hướng phức tạp hơn. Xuất hiện một số vụ phá rừng với tính chất nghiêm trọng, chặt phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để lấy gỗ quý hiếm như: Vụ phá rừng phòng hộ, với tổng khối lượng 23,07m3, xảy ra vào ngày 7/7, tại Tiểu khu 102, thuộc địa bàn huyện Thanh Chương, nơi có đường vành đai tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy. Tiếp đến, vụ “lâm tặc” triệt hạ 3 cây sa mu dầu có đường kính từ 1 - 2,7m, thuộc loại quý hiếm, được xếp vào nhóm 2A, xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong vào ngày 8/7...

Tăng cường phối hợp bảo vệ rừng

Trên địa bàn tỉnh hiện nay tồn tại nhiều đối tượng lợi dụng gỗ nhập khẩu để khai thác, mua bán gỗ rừng tự nhiên trong nước ở một số huyện có cửa khẩu phụ; vẫn còn những vùng trọng điểm về khai thác rừng, chặt phá rừng, làm nương rẫy trái phép ở một số huyện vùng cao như: Thanh Chương, Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn… Những bất cập trong quản lý bảo vệ rừng nhiều năm qua chưa được giải quyết như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn bảo vệ trên 160.000 ha rừng, trong đó có trên 50.000 ha rừng nguyên sinh chủ yếu nằm sát khu vực biên giới Việt - Lào trải dài trên 192 km đi qua các xã Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn... Tuy nhiên, mới chỉ có 1 trạm quản lý bảo vệ rừng đóng giáp ranh giữa 2 xã Mường Típ và Mường Ải; Ban Quản lý rừng phòng hộ Tương Dương có 25 km giáp với biên giới Việt - Lào, khu vực biên giới này có 13.800 ha rừng, nay vẫn chưa được đầu tư trạm quản lý bảo vệ rừng. 

Gỗ trắc giấu dưới gầm xe khách mang BKS Lào do Đội Kiểm lâm cơ động số 1 bắt giữ tại Quỳnh Lưu.

Tại Khu BTTN Pù Huống, trải rộng trên địa bàn 5 huyện với dân số vùng đệm sống gần rừng rất lớn. Tại khu vực này có trên 50% hộ thuộc diện đói nghèo. Cuộc sống của bà con dân tộc chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, bởi vậy, công tác quản lý khu bảo tồn còn nhiều khó khăn. Ông Dương Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống chia sẻ: Ngoài việc tăng cường phối hợp với các địa phương, các ngành để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, khu đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho từng thành viên, đến tận từng tiểu khu, lô khoảnh. Thời gian qua khu BTTN còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương, vận động nhân dân thực hiện công tác định canh, định cư, hướng dẫn đồng bào canh tác nương rẫy đúng chủ trương của Nhà nước.

Khu bảo tồn đã triển khai nhiều dự án để người dân cùng tham gia phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ rừng, giao cho nhân dân sống ở bìa rừng bảo vệ được trên 15.000 ha rừng. Trong năm 2015 đã hỗ trợ cho người dân ngoài vùng đệm trồng rừng 600 ha (hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha/năm). Đặc biệt là khu bảo tồn đã rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng 3.000 ha rừng (từ rừng đặc dụng chuyển sang phòng hộ, rừng sản xuất) tạo điều kiện cho nhân dân xã Nga My (Tương Dương) có đất sản xuất, giảm thiểu phá rừng, đặc biệt là 3 bản vùng lõi Na Ngân, Na Kho và Xốp Kho. 

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập đoàn công tác, trực tiếp kiểm tra, giám sát các địa bàn rừng trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm lâm luật, chống tiêu cực nội ngành để hạn chế những vi phạm, tiêu cực trong lực lượng. Ông Nguyễn Phùng Thiều, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương cho biết: Chúng tôi đã phối hợp, xây dựng quy chế tuần tra chung bảo vệ rừng giữa ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm, bộ đội biên phòng. Vùng rừng biên giới là nơi bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm người vào nên chúng tôi đã có hợp đồng bảo vệ rừng với Đồn Biên phòng Thanh Thủy để bảo vệ khu vực này. Hiện tại ban đã xây dựng lán trại tạm ở khu vực biên giới để tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Văn Trường