Tham dự hội thảo có các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng đại diện các cấp, ngành liên quan ở tỉnh Nghệ An.
bna_image_7699663_2092018.jpgHội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trong và ngoài nước. Ảnh: Thành Chung

Vườn Quốc gia Pù Mát là 1 trong 3 khu rừng đặc dụng thuộc tỉnh Nghệ An. Vườn nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Đường ranh giới của Vườn dài 201 km, trong đó có 61 km giáp Lào. Diện tích Vườn Quốc gia Pù Mát đứng thứ 3, xếp hàng đầu về đa dạng sinh học trong số các vườn quốc gia, khu bảo tồn của Việt Nam.

Ước tính, Vườn Quốc gia Pù Mát hiện có 2.500 loại thực vật thuộc 160 họ; 132 loài thú, 361 loài chim, 63 loài bò sát, 33 loài lưỡng cư, 119 loài cá và 1.084 loài côn trùng. Có nhiều loài thú rất quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như voi, hổ, sao la, voọc chà vá chân xám, trĩ sao, niệng cổ hung... Hiện nay, Vườn Quốc gia Pù Mát đang đề xuất trở thành Vườn Di sản ASEAN.

Vườn Quốc gia Pù Mát có sự đa dạng sinh học bậc nhất ở Việt Nam. Ảnh: Thành Cường

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh Nghệ An, công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Pù Mát đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của các loại động vật hoang dã tại đây là rất lớn, đó là: Môi trường sống biến đổi; nạn mua bán động vật và tình trạng đặt bẫy, săn bắn vẫn diễn ra phức tạp khiến suy giảm số lượng cá thể một số loài. Trong 3 tháng vừa qua, Vườn đã phát hiện và phá hủy 108 chòi, lán săn trong khu vực vùng lõi.

Lãnh đạo UBND huyện Con Cuông khai mạc hội thảo. Ảnh: Thành Chung

Ở hội thảo tăng cường hợp tác liên ngành bảo vệ động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Pù Mát lần này, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những thông tin về thực trạng, mối đe dọa đến động vật hoang dã tại vườn; các thông tin về bảo tồn động vật hoang dã cũng như các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã; thảo luận thống nhất để xây dựng cơ chế hợp tác liên ngành thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã của vườn.

Các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát trong thời gian tới đã được đề ra tại hội thảo là: Tăng cường công tác tuần tra bảo vệ của lực lượng kiểm lâm và cán bộ bảo vệ rừng; nhân rộng mô hình nhân viên tuần tra bảo vệ rừng; tăng cường hợp tác tuần tra bắt giữ các hoạt động vi phạm trong phạm vi Vườn Quốc gia Pù Mát và vùng đệm; xây dựng các hội thảo, chuyên đề, chuyên án tuần tra bảo vệ và bắt giữ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã giữa các đơn vị chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các hoạt động săn bắn theo Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 và các nghị định liên quan; tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của động vật hoang dã và triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nhằm giảm áp lực cho rừng.