(Baonghean) - Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nhiều cấp ủy, chính quyền ở các cấp đã và đang coi trọng, phát huy hiệu quả hoạt động đối thoại với nhân dân để tìm sự đồng thuận trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành và địa phương.
Giảm bức xúc, gỡ điểm “nóng”
Dự án đường 72 m đi qua địa bàn huyện Hưng Nguyên có chiều dài 2,8 km, với hơn 400 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất ở, thuộc 6 xóm của xã Hưng Tây, đặc biệt có 132 hộ thu hồi đất ở và trong số này có 104 hộ thuộc 2 xóm Vạc, xóm Nam Phúc Long thực hiện di dời tái định cư.
Dù quá trình thực hiện các thủ tục đền bù GPMB và tái định cư, các cơ quan cấp huyện đã phối hợp thực hiện đúng, đủ các quy định của Nhà nước hiện hành, nhưng chưa tạo được tiếng nói chung và sự đồng thuận của người dân.
Tại xóm Vạc, ngoài yêu cầu nâng giá đền bù thì 50 hộ dân thuộc diện tái định cư trong xóm chưa đồng tình với địa điểm tái định cư do huyện chọn và một số nội dung khác.
Để giải quyết từng vấn đề, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện, các bên liên quan đã về tận xóm tổ chức nhiều cuộc đối thoại tập trung với nhân dân, đến từng nhà để tuyên truyền cho dân hiểu rõ chính sách đền bù được thực hiện trên cơ sở quy định của Nhà nước, không thể làm khác; đồng thời trả lời rõ địa điểm mà người dân yêu cầu được tái định cư nằm trong quy hoạch tổng thể dự án VSIP Nghệ An.
Bên cạnh làm “thông” về giá, về địa điểm tái định cư, thông qua đối thoại, huyện còn đáp ứng được một số nguyện vọng người dân, đó là tiếp tục để họ là công dân xã Hưng Tây và con em của họ vẫn được học tập ở các trường học của xã Hưng Tây, thay vì chuyển sang thị trấn khi về tái định cư mới tại khối 12, thị trấn Hưng Nguyên; kiến nghị chủ đầu tư xây dựng đường gom trước khi thực hiện dự án để đảm bảo đi lại cho người dân; bổ sung thêm khoản hỗ trợ cho người dân khi đến điểm tái định cư mới.
Thông qua đối thoại, đến tháng 1/2017 vừa qua, 100% hộ ở xóm Vạc đã bàn giao mặt bằng cho dự án. Tương tự, ở xóm Nam Phúc Long, hiện cũng đã có 36/54 hộ tháo gỡ, bàn giao mặt bằng.
Đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên chia sẻ, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở rất quan tâm đến việc đối thoại với nhân dân. Bởi thông qua đối thoại, hai bên sẽ nói với nhau đầy đủ hơn về vấn đề đang bức xúc, vướng mắc cần giải quyết.
Tại huyện Yên Thành, công tác quản lý, điều hành của chính quyền trên mọi mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Với xã Trung Thành, từ việc mở rộng đường từ 4 m lên 8 m được coi là “cuộc cách mạng” trong xây dựng nông thôn mới. Người dân cho rằng đường 4 m là đủ rộng để đi, những hộ bị thu hẹp diện tích đất cũng không muốn ủng hộ việc mở rộng đường.
Nhưng, qua các cuộc đối thoại với dân, các tổ công tác của xã đã thuyết phục người dân nhất trí ủng hộ chủ trương mở rộng. Tương tự, gần đây nhất, thực hiện kế hoạch của tỉnh và huyện về giải tỏa vi phạm hành lang ATGT Quốc lộ 7B, với 1,5 km đi qua địa bàn xã và 104 hộ vi phạm, địa phương cũng tổ chức đối thoại, làm rõ cho người hiểu nếu tự tháo dỡ thì được đánh giá tích cực, còn nếu không sẽ bị cưỡng chế. Nhờ đó, đến nay đã có 99/104 hộ tự giác tháo gỡ và trả lại diện tích vi phạm hành lang ATGT.
Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành khẳng định: Đối thoại là biện pháp rất quan trọng để người quản lý và đối tượng quản lý cùng hiểu và thực hiện một vấn đề chung. Nếu nơi nào không quan tâm hoặc tránh, hoặc coi thường việc đối thoại thì dễ “việc bé, xé ra to”, “cái sảy nảy cái ung”. Thông qua đối thoại, ở Yên Thành có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo được công dân tự rút đơn hoặc chấp nhận kết quả giải quyết các cơ quan chức năng; hay liên quan đến vấn đến việc triển khai thu phí tại chợ Hôm (xã Đồng Thành), triển khai CCN Tràng Kè..., cũng được đa số người dân đồng thuận.
Tạo tiếng nói chung
Việc đối thoại theo hình thức các “hội nghị” lớn giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ngành, cơ quan, đơn vị với nhân dân, với cán bộ cấp dưới trong thời gian gần đây cũng được tăng cường, đẩy mạnh. Điển hình là Công an tỉnh, trong thời gian chưa đầy 2 năm lại đây đã triển khai hàng loạt các cuộc đối thoại giữa Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh với lực lượng CSGT; với lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; với lực lượng Công an xã; với Đoàn Thanh niên; với Phụ nữ trong toàn ngành... Đó chưa kể đến diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân” cũng là hình thức đối thoại được Công an các huyện, thành, thị xã tiến hành thường xuyên.
Thượng tá Nguyễn Đức Hải – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, thành công nhất là Đảng ủy và Ban Giám đốc đã trực tiếp lắng nghe những chia sẻ chính từ các lực lượng, chứ không phải qua người trung gian hoặc qua báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của từng lực lượng.
Từ đó, Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã đưa ra được những chủ trương, chỉ đạo sát hợp, cụ thể, nhất là trong việc chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang đặt ra trong từng lực lượng.
Đơn cử, sau khi đối thoại với lực lượng CSGT, Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tăng cường chỉ đạo toàn diện, quyết liệt các mặt công tác của lực lượng CSGT; đồng thời triển khai nhiều biện pháp, giải pháp chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, thái độ làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn lực lượng CSGT toàn tỉnh.
Hay sau đối thoại với lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, Công an các đơn vị, địa phương tăng số ngày giải quyết thủ tục hành chính suốt từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần; tăng thời gian cấp nhanh CMND tại Bộ phận một cửa từ 1 ngày lên 3 ngày vào thứ 3, 5, 7 hàng tuần.
Đẩy mạnh hoạt động cấp CMND miễn phí tại nơi cư trú cho người cao tuổi, khuyết tật, thân nhân và người có công với cách mạng. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT: cấp CMND trong 3 ngày; trả kết quả đăng ký thường trú tại Công an cấp xã ngay trong ngày, tại Công an thành phố, thị xã trong 5 ngày; đăng ký tạm trú trong ngày...
Cùng với ngành Công an, năm 2017, các địa phương cũng tổ chức thí điểm hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân tại 63 xã. Theo đồng chí Nguyễn Đức Thành - Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, từ thành công bước đầu, MTTQ các cấp cũng tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai sâu rộng và thường xuyên trong thời gian tới.
Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Thanh Đoài cho rằng bên cạnh nhiều cơ quan, đơn vị và người đứng đầu quan tâm đến hoạt động đối thoại thì vẫn còn một số lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, đơn vị còn xem nhẹ việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, người lao động nên các vướng mắcc, tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc.
Mặt khác, công tác kiểm tra, nắm tình hình triển khai kết luận sau đối thoại còn hạn chế nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Vì vậy, cần tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2924/QĐ-TU, ngày 30/8/2012 của Tỉnh ủy Nghệ An về Quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân để tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới.
Mai Hoa