(Baonghean) - Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực so với trước đây, song công tác quản lý cũng như khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Một số công trình khai thác các nguồn nước không theo quy hoạch, chưa đăng ký, xin phép; nhiều cơ sở khoan thăm dò và khai thác nước dưới đất không có giấy phép và chưa được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề có nước thải chưa được xử lý theo quy định, việc khai thác quá mức nhưng không có biện pháp bảo vệ, tình trạng xả rác bừa bãi ra sông ngòi, ao hồ, kênh mương.... đang có nguy cơ làm cho các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe của người dân.



                Xếp hàng lấy nước khe ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn)

Bên cạnh đó tác động của biến đổi khí hậu cũng dẫn đến nguồn nước bị thiếu hụt, suy giảm cộng thêm vào đó là sức ép từ gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội. Khi dân số tăng, đời sống ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt càng lớn. Theo thống kê từ phòng Nước - Sở Tài Nguyên - Môi trường, chỉ tính riêng trong 2 năm 2009 - 2010, số hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh tăng từ 610.000 hộ lên 640.000 hộ. Đó là chưa kể nước sử dụng cho sản xuất công nghiệp cũng đang ngày càng gia tăng gây sức ép lớn cho vấn đề tài nguyên nước.

Trong khi nguồn tài chính đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương còn hạn hẹp.Vì vậy, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước còn phân tán, chồng chéo, chưa rõ ràng. Chẳng hạn, mặc dù đã chuyển chức năng quản lý nhà nước về ngành Tài nguyên - Môi trường nhưng trên thực tế ngành Nông nghiệp quản lý nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, ngành Xây dựng quản lý nguồn nước cấp sinh hoạt...


Trước những khó khăn đặt ra, để đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến các văn bản pháp luật về tài nguyên nước. Hướng dẫn các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoan thăm dò nước dưới đất, xả nước thải thực hiện việc đăng ký, lập hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động, hành nghề trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cần tăng cường thanh, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, áp dụng những quy định nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm, buộc tất cả mọi doanh nghiệp - từ quy mô nhỏ đến lớn - phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu.

Về lâu dài, cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý tài nguyên nước, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện và sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Khánh Ly