Khó khăn trong thu thuế thương mại điện tử
Dạo qua các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh hiện nay vào những ngày thường có thể thấy tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh” nhất là ở các quầy hàng quần áo, công nghệ.... Nguyên nhân ngoài dịch Covid-19, thì còn do thương mại phát triển mạnh mẽ. Hầu hết chị em công sở, hoặc tầng lớp có thu nhập khá, công việc bận rộn đều đã lựa chọn giao dịch trên mạng để mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng quần áo, đồ dùng sinh hoạt của các hãng, hàng công nghệ, chăm sóc sức khỏe…
Hiện nay, mặc dù đã có chế tài, tuy nhiên, cũng chỉ mới có các trang bán hàng lớn như Zalo, Facebook, một số chủ hàng lớn kê khai thuế, còn hàng ngàn trang mạng nhỏ hơn vẫn rất khó kiểm soát.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải là không quản lý được. Ví dụ, những trang, tài khoản bán hàng lớn thường có số lượng người theo dõi đông hoặc số bạn đông nên cũng dễ nắm bắt thông qua các bài đăng bán hàng của họ. Nhiều tài khoản Facebook ở Nghệ An và ở các tỉnh, thành hiện nay bán hàng nhiều năm rồi và công khai, nhiều người biết, mua hàng nhiều, lượt theo dõi lên đến hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nói chung, khách hàng nói riêng nhưng ngành Thuế vẫn chưa thu được thuế.
Kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, hiện Cục Thuế Hà Nội đến này đã có danh sách, tài khoản của 36.068 shop bán hàng online với số tiền giao dịch là 14.290 tỷ đồng; trong đó, tài khoản của cá nhân là 35.971 tài khoản với số lượng tiền giao dịch 4.851 tỷ đồng; tài khoản doanh nghiệp là 97 tài khoản với số tiền giao dịch 9.438 tỷ đồng và bước đầu đã động viên được nhiều chủ tài khoản kê khai nộp thuế.
Thương mại điện tử phát triển là xu thế mới của giao thương làm ăn trên thế giới. Hiện nay, doanh số các chợ kinh doanh truyền thống giảm sẽ đồng nghĩa với doanh số trong kinh doanh thương mại điện tử sẽ tăng lên. Thế nhưng, doanh thu thương mại điện tử thực sự còn đặt ra nhiều khó khăn trong quản lý.
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tửở các tỉnh đã khó nhưng ở Nghệ An lại càng khó hơn. Nhiều địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, loại hình này ở miền núi cũng đã kinh doanh loại hình này khá nhiều, chủ yếu kinh doanh tầm nhỏ lẻ.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại từ tháng 7/2020 và mặc dù các cơ quan chức năng đã có một số hoạt động phối hợp nhưng kết quả chưa khả quan.
Đến nay, ngành Thuế Nghệ An vẫn đang tiếp tục theo dõi và nắm bắt chưa có số liệu cụ thể.
Tăng cường quản lý thuế đối với chuyển nhượng bất động sản
Tăng cường cung cấp thông tin về nguồn gốc và quá trình chuyển nhượng đất đai để cơ quan thuế có các giải pháp quản lý, hạn chế thất thu thuế là một trong những nội dung tham luận và kiến nghị của Chi cục Thuế TP. Vinh tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Thuế Nghệ An năm 2021.
Theo đó, thời gian qua, giao dịch chuyển nhượng đất đai, bao gồm tách thửa và chuyển nhượng khá sôi động, Chi cục Thuế cũng nhận đầy đủ các hồ sơ do Bộ phận một cửa chuyển sang, tính bình quân mỗi ngày từ 45 đến 50 hồ sơ, giao dịch.
Tuy nhiên, đúng như ông Phan Văn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Vinh thừa nhận: Quản lý thuế liên quan đến đất đai khá phức tạp và ngành Thuế chủ yếu biết đến hồ sơ và xác định nghĩa vụ thuế trên cơ sở thông tin do các phòng, ban và bộ phận chuyển đến. Vì vậy, ngành Thuế gần như là cơ quan cuối cùng chốt kiểm tra để cho giao dịch hoàn thành.
Trên thực tế, không chỉ ở địa bàn TP. Vinh mà ở các huyện đồng bằng khác, các giao dịch sang nhượng đất đai 2 năm lại đây sôi động. Qua tìm hiểu tại bộ phận 1 cửa các huyện, các giao dịch liên quan đến đất đai mỗi ngày chiếm tới 2/3 các giao dịch tại trung tâm 1 cửa cấp huyện, xã.
Lâu nay, thông thường, 1 lô đất mỗi khi sang nhượng cho người khác thì phải làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, gần đây, do lợi nhuận trong vấn đề chuyển nhượng đất đai tăng lên và để trốn nghĩa vụ thuế, nhiều chủ mua đất “lách luật” bằng cách làm hồ sơ ký gửi đến văn phòng hoặc người môi giới, kèm theo đó là giấy ủy quyền bán đất.
Chính vì thế nên có lô đất phải qua tay đến 5-7 lần chuyển nhượng, mỗi lần chuyển nhượng, chủ mỗi giới lãi từ 20 triệu đến cả hàng trăm triệu đồng nhưng không làm thủ tục. Chỉ khi nào người mua cuối cùng mới đến bộ phận một cửa phường xã và UBND cấp huyện làm thủ tục.
Bên cạnh đó, hiện nay tại các phiên đấu giá đất, bên cạnh một số người mua đất thì có những chủ đầu tư mua hồ sơ, đấu giá từ 8-10 lô, chiếm 1/3 đến 2/3 số lô đất đưa ra bán. Sau khi đấu giá thành công, thay vì làm thủ tục, nghĩa vụ tài chính khi sang nhượng thì họ sẵn sàng “bán” đất ngay tại hiện trường và thu lời mà nhà nước không kiểm soát được.
Đại diện Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho hay: Có hôm đấu giá đất tại Quỳnh Hồng và mới đây là Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), 1 người đấu trúng 25 lô đất, chiếm ¼ tổng số lô cả xã đưa ra bán. Sau đó, buổi chiều người này bán được 24 lô, hưởng số tiền chênh lệch trên 1 tỷ đồng. Các phòng, ban biết khoản thu nhập lớn đó mà không thu được thuế.
Không chỉ các mảng kinh doanh nói trên, kinh doanh nhà hàng, xăng dầu… vẫn tồn tại những thất thu thuế mà chưa khắc phục triệt để được. Doanh nghiệp tự kê khai thuế dựa trên hóa đơn đầu ra, tuy nhiên người dân lại chưa có thói quen lấy hóa đơn sau khi sử dụng dịch vụ. Ngay cả khi vào mua hàng tại các cửa hàng siêu thị mini, dù thanh toán không dùng tiền mặt, quẹt thẻ hay chuyển khoản… cửa hàng có in hóa đơn cho khách tuy nhiên hầu hết khách đã để lại hóa đơn ngay tại cửa hàng không lấy về. Nên nhiều cửa hàng đã không in hóa đơn ra nữa.
Chính vì thế, vẫn cần sự nghiên cứu và các giải pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong hoạt động quản lý thuế đối với các lĩnh vực còn thất thu để có thêm nguồn thu cho ngân sách./.