(Baonghean.vn) -Sau 2 ngày giám sát tình hình thực hiện Luật đầu tư tại khu vực đặc biệt khó khăn của 2 huyện Quế Phong và Quỳ Hợp, sáng nay 13/3,  Đoàn Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh. Đồng chí Lê Xuân Đại - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở ngành liên quan làm việc với Đoàn.
 
Báo cáo kết quả thu hút đầu tư tại địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn sau khi có Luật đầu tư 2005 trên địa bàn tỉnh cho thấy: Luật Đầu tư ban hành đã tạo khung pháp lý cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp có dự án đầu tư thực hiện chức năng quản lý, triển khai dự án tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống kinh tế- xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được cải thiện. Ngoài những văn bản quy định của Chính phủ, các Bộ ngành thì Nghệ An cũng ban hành quyết định về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn.

791331_small_92464.jpg

Đồng chí Danh Út - Phó chủ tịch Hộng đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu

Từ khi có Luật đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vùng đặc biệt khó khăn đã có 55 dự án đăng ký và đầu tư với tổng số vốn hơn 12.935 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được mời gọi tài trợ ngoài đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh còn tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng như trường học, tramh y tế, đài phát thanh, nhà ở cho hộ nghèo…, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
 
Tuy nhiên, sau khi có Luật đầu tư thì tình hình thu hút đầu tư tại những vùng khó khăn còn bất cập: Hầu hết các dự án tiến độ chậm, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký còn thấp, cơ cấu về lĩnh vực đầu tư của các dự án còn bất hợp lý, sử dụng lao động chưa nhiều, hiệu quả đầu tư từ các dự án chưa cao…



Đồng chí Lê Xuân Đại phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn công tác, đồng chí Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao tinh thần tiếp thu, tuyên truyền, phổ biến Luật đầu tư của tỉnh; cấp uỷ chính quyền các cấp đã quan tâm, có các quyết định, văn bản chỉ đạo để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Luật đầu tư, quan tâm chỉ đạo thu hút đầu tư vùng đặc biệt khó khăn… Các huyện vùng khó khăn đã lồng ghép các chương trình có hiệu quả… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, số lượng dự án, cơ cấu trên các lĩnh vực đầu tư, quy mô dự án… còn bất cập. Tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư vào khu vực đặc biệt khó khăn, từ đó góp phần năng cao đời sống kinh tế- xã hội vùng này, góp phần đưa Luật Đầu tư vào cuộc sống có hiệu quả./.


Tin, ảnh: Hữu Nghĩa