(Công điện số 15/CĐ-UBND-NC ngày 2/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đã xảy ra một số vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xẩy ra 17 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản hơn 13,5 tỷ đồng, 2 vụ nổ làm chết 3 người, bị thương 17 người; cháy rừng xảy ra 22 vụ, thiệt hại hơn 145ha rừng, làm 1 người chết và 4 người bị thương. Trong đó, số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm 20% số vụ nhưng thiệt hại chiếm tới 94,5%. Điển hình như vụ cháy nhà kho bảo quản hải sản thuộc Công ty TNHH Hà Dung ở phường Nghi Hải, Thị xã Cửa Lò vào ngày 21/1/2014 gây thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng; vụ cháy tại khu lò gạch của HTX sản xuất ngói Cừa, ở xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, gây thiệt hại khoảng hơn 8 tỷ đồng; vụ cháy rừng tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương lan sang rừng xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, làm 1 người chết, 1 người bị thương và 8ha rừng thông keo bị cháy, vụ cháy rừng tại xã Nam Lộc và Nam Tân, huyện Nam Đàn, làm 2 người bị thương và 70ha rừng thông bị cháy.
Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn nhiều bất cập, sơ hở và thiếu sót. Tình trạng vi phạm quy định an toàn về PCCC còn xẩy ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC, khi tiến hành quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình chưa triển khai, thực hiện các giải pháp PCCC theo quy định, ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa nghiêm.
Để khắc phục những sơ hở, thiếu sót nêu trên, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 967/CĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1.Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người, biện pháp khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện; phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy và chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung.
2. Công an tỉnh chủ trì:
- Chỉ đạo Công an các cấp tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đối với các đơn vị, cơ sở; nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khách sạn, các khu nhà cao tầng, khu chung cư, nơi tập trung đông người, các kho tàng và các cơ sở trọng điểm khác có nguy cơ cháy, nổ cao; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định PCCC. Đối với các cơ sở có vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về PCCC phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động, những trường hợp để xẩy ra cháy nổ lớn gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm phải điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy có huy động nhiều lực lượng tham gia, tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cố ý gây cháy để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác PCCC&CNCH theo các chuyên đề như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chuyên ngành giao thông vận tải, các khu di tích... (Văn bản tham mưu trình UBND tỉnh trước ngày 15/7/2014).
3. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tổ chức phổ biến kiến thức PCCC cho các học viên tham gia học lái xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên; khi kiểm định cấp giấy phép lưu hành đối với các loại phương tiện này phải đảm bảo các yêu cầu an toàn về PCCC, phòng nổ, thoát nạn cho người và phương tiện. Công an tỉnh tổ chức đợt tổng kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với các phương tiện giao thông cơ giới, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC&CNCH.
4.Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị trực thuộc triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống cháy rừng và thực hiện tốt công tác thường trực chữa cháy rừng; đồng thời rà soát lại phương án phòng cháy chữa cháy rừng để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về PCCC rừng trên địa bàn các huyện, thành, thị có rừng (Văn bản tham mưu trình UBND tỉnh trước ngày 15/7/2014).
5.UBND các huyện, thành, thị:
- Chỉ đạo Đài PTTH huyện, hệ thống phát thanh ở xã, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về công tác PCCC. Trước mắt cần tổ chức đợt tuyên truyền rộng rãi về việc triển khai các biện pháp ngăn chặn cháy lớn để các cấp, các ngành, các cơ sở và quần chúng nhân dân biết và thực hiện đồng bộ, triệt để.
- Tự kiểm tra an toàn PCCC, chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót, khắc phục các nguyên nhân, điều kiện có thể gây cháy, nổ (nhất là trong việc sử dụng điện, nguồn nhiệt và sắp xếp hàng hóa, vật tư dễ cháy), xử lý nghiêm các vi phạm quy định về PCCC, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khách sạn, các khu nhà cao tầng, khu chung cư, nơi tập trung đông người, các điểm kinh doanh xăng dầu, khí hoá lỏng, các kho tàng và các cơ sở trọng điểm khác có nguy cơ cháy, nổ cao, các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy...
- Xây dựng phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn có nhiều lực lượng tham gia; phương án điều động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trong địa bàn quản lý tham gia công tác chữa cháy với phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
- Rà soát, củng cố đầu tư trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC, xây dựng phương án chữa cháy để chủ động xử lý khi có cháy nổ xẩy ra. Tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm tra tại các khu rừng trọng điểm về cháy, kịp thời ngăn chặn và phát hiện cháy để huy động lực lượng tại chỗ chữa cháy có hiệu quả.
6. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnhtheo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công điện này.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc và phải chịu trách nhiệm nếu để xẩy ra cháy, nổ gây thiệt hại lớn ở đơn vị, địa phương mình; báo cáo kết quả bước đầu thực hiện về UBND tỉnh (qua văn phòng UBND tỉnh và Công an tỉnh) trước ngày 5/9/2014. Quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để được hướng dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh
Nguyễn Xuân Đường