(Baonghean) - Hàng năm vào thời điểm giao mùa từ tháng 3 đến tháng 4, rừng thông trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện dịch sâu róm. Nguy cơ sâu róm sẽ gây thiệt hại rất nặng, dẫn đến cháy tán lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nhựa. Trước tình hình đó, các cấp ngành, địa phương đang tăng cường một số biện pháp để phòng trừ sâu róm hại thông.

Tại khu vực các xã Xuân Thành, Đồng Thành (Yên Thành) trước Tết Nguyên đán đã phát hiện dịch sâu róm với mật độ từ 8 - 20 con/cây, diện tích khoảng trên 100 ha bị nhiễm nhẹ. Đầu tháng 2/2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã tập trung triển khai kế hoạch chỉ đạo, bố trí lực lượng kỹ thuật, huy động tổ bảo vệ rừng điều tra nắm rõ tình hình, kịp thời khoanh vùng ổ dịch để phun phòng trừ. Ban đã chủ động trích kinh phí trên 50 triệu đồng mua thuốc Bôbêrin, chuẩn bị 4 máy phun động cơ, chế phẩm sinh học tập trung phun được trên 120 ha.

Ông Nguyễn Văn Thức, Đội trưởng Đội sản xuất số 3 quản lý trên 450 ha rừng thông cho biết: “Riêng diện tích của đội bị nhiễm nhẹ, khoảng 30 ha, chúng tôi bố trí 11 người chia làm 2 tổ, buổi sáng phun từ 4 giờ rưỡi đến 7 giờ và buổi chiều từ 4 giờ đến 7 giờ, nhờ dập dịch kịp thời nên tỷ lệ sâu chết trên 90%”.

Ông Phan Tiến Sỹ, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành cho biết thêm: Hiện nay Ban đang điều tra, theo dõi chu kỳ phát triển của sâu để đề ra biện pháp phun diệt hiệu quả. Tiếp tục trích kinh phí, chuẩn bị các loại thuốc để đặc trị, ngoài phương án phun phòng bằng thuốc bảo vệ thực vật chúng tôi triển khai bắt diệt sâu, bẫy bướm theo phương pháp thủ công, nhằm khống chế không để sâu róm thông phát sinh ra diện rộng. Khó khăn đặt ra hiện nay là kinh phí hỗ trợ phun thuốc sâu róm chưa có, phun thuốc ở địa hình dốc cao, tiết trời nóng bức rất vất vả. 

Phun thuốc phòng trừ sâu róm ở phường Quỳnh Xuân - TX. Hoàng Mai. Ảnh: Việt Hùng

Tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tháng 2 vừa qua, chính quyền địa phương và cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã tổ chức kiểm tra thực trạng rừng thông và phát hiện 206 ha bị sâu róm tàn phá, trong đó có 45 ha bị nhiễm với mật độ 55 - 70 con/cây, số còn lại bị nhiễm mật độ từ 10 - 20 con/cây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sâu đã hóa nhộng vào kén nên chưa gây ảnh hưởng lớn đến rừng thông.

Ông Trần Văn Tam, Trưởng ban Nông nghiệp xã Nam Anh cho biết: “Những con sâu róm này là tàn dư của lứa sâu thế hệ IV không được diệt trừ hết vào thời điểm năm ngoái. Chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi trong trường hợp dịch sâu róm hại thông phát triển mạnh, xã sẽ có phương án để tiến hành loại trừ”. Hiện nay, xã Nam Anh đã có 2,4 tạ thuốc Bitadin WP cùng chất phụ gia để sẵn sàng sử dụng phun trừ khi cần thiết.

Cũng theo ông Tam, thời điểm thích hợp nhất để phun thuốc là vào lúc thời tiết hơi ẩm, có sương mù, còn vào những ngày nắng nóng hoặc mưa lớn thì việc phun thuốc không hiệu quả. Đồng thời, xã cũng sẽ huy động bà con áp dụng các hình thức diệt trừ sâu khác nhau, bắt sâu hoặc bẫy bướm bằng đèn vào ban đêm để giảm thiểu lượng sâu gây hại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. 

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng chi cục BVTV, Phó Ban chỉ đạo phòng trừ sâu róm tỉnh cho biết thêm: Đến thời điểm này sâu róm thông thế hệ IV tiếp tục qua đông, sâu đang ở giai đoạn vào nhộng. Mật độ phổ biến từ 2 - 5 con/cây, phân bố rải rác trên các lâm phần thông của các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu...

Một số lô rừng mật độ từ 10 - 20 con/cây như rừng thông thuộc Công ty TNHH 1 TV lâm nghiệp Quỳnh Lưu, rừng thông xã Hưng Tây, Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên). Các khu rừng nhiễm từ 30 - 50 con/cây như rừng thông xã Nam Nghĩa, Nam Xuân, Nam Hưng, Nam Giang (Nam Đàn), rừng thông xã Diễn Lợi, Diễn Phú (Diễn Châu); Khu rừng thông có mức độ nhiễm trung bình từ 70 - 100 con/cây như các xã Nghi Quang, Nghi Xá, Nghi Tiến (Nghi Lộc), xã Diễn Phú (Diễn Châu), xã Nam Anh (Nam Đàn), cục bộ có những lô rừng thông trên địa bàn các xã Nghi Yên, Nghi Hưng, Nghi Đồng (Nghi Lộc) mật độ sâu còn cao từ 200 - 400 con/cây, sâu đang giai đoạn qua đông, khi thời tiết nắng ấm sâu tiếp tục gây hại từ nhẹ đến trung bình, có cây bị hại nặng.

Tại các vùng rừng nhiễm sâu các loài thiên địch ký sinh sâu róm thông như: nấm Beauveria... xuất hiện rải rác ở trong rừng. Trong thời gian qua, các chủ rừng tiếp tục phòng trừ sâu thế hệ IV được 1.245,9 ha. Mật độ sâu nhiều nơi đã giảm rõ rệt, không có khả năng lây lan và gây trụi tán trên diện rộng. 

Qua điều tra dự báo tình hình, khả năng cuối tháng 3 đầu tháng 4, giai đoạn sâu róm trưởng thành, mức độ hại rừng diễn biến phức tạp. Ban chỉ đạo phòng trừ sâu róm hại thông với các thành viên đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp phối hợp chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo để từ đó phòng trừ hiệu quả. Đối với giai đoạn sâu trưởng thành “vũ hóa” thành bướm có thể chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng huy động lực lượng bắt thủ công như dùng đèn, tia cực tím để bẫy bướm…

Đối với các vùng có mật độ sâu trên 75 con/cây dùng thuốc VTB, BitadinWP để phun. Hiện nay hầu hết các đơn vị chủ rừng đã xây dựng kế hoạch, được Sở NN & PTNT phê duyệt phương án cụ thể và chuẩn bị dự phòng đủ các loại thuốc để phòng trừ dập dịch sâu róm, phối kết hợp chỉ đạo phun phòng và dập dịch sâu róm. 

Không chỉ mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường, thông còn là loài cây mang lại giá trị kinh tế cao, giúp ổn định thu nhập của người dân. Trong tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, dịch sâu róm càng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Do đó, việc chủ động kiểm tra, khảo sát thực trạng sâu róm hại thông và sớm có những kế hoạch triển khai dập dịch là việc làm cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và trách nhiệm của mỗi hộ dân gắn bó với rừng thông. 

Văn Trường - Phương Thảo