Theo BS Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng, can thiệp để tăng trưởng chiều cao cần thời gian dài hơn so với can thiệp điều trị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Trong đó dinh dưỡng, tập luyện và giấc ngủ đóng vai trò quan trọng để tăng trưởng chiều cao cho trẻ em.
Giấc ngủ, tập luyện liên quan đến chiều cao
Theo con số công bố, chiều cao trung bình của thanh niên VN thời điểm năm 2016 là 164cm với nam, 153cm với nữ, cao hơn bạn cùng lứa cách đây 25 năm (năm 1993) khoảng 3cm. So với khu vực Đông Nam Á, thanh niên VN chỉ nhỉnh hơn các bạn cùng lứa Indonesia; nam giới thấp hơn bạn cùng lứa tuổi Campuchia 0,4cm, nữ giới thấp hơn 0,2cm. So với chuẩn chung của thế giới, thanh niên người VN thấp hơn khoảng 10cm.
Tuy nhiên theo BS Trương Hồng Sơn, các thông số chiều cao kể trên đã được đo đạc cách đây 7 năm, khi đó can thiệp cải thiện chiều cao cho trẻ em (bắt đầu thực hiện từ năm 1994 tại một số xã và triển khai toàn quốc từ năm 1998) chưa phát huy hiệu quả. "Lần đo đạc tới đây là 2019 sẽ cho thấy những kết quả của can thiệp từ 1998 khi triển khai toàn quốc cho đến nay"- ông Sơn cho hay.
BS Sơn cũng cho biết sau hơn 20 năm can thiệp, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về cân nặng hiện dưới 15%, giảm 2/3 so với thời điểm bắt đầu can thiệp, nhưng tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng về chiều cao chỉ giảm 1/3.
"Can thiệp về chiều cao đòi hỏi thời gian dài hơn và đòi hỏi phải kiên nhẫn, từ khi trẻ còn trong bào thai đến tuổi dậy thì. Trong đó yếu tố quan trọng với tăng trưởng chiều cao là chế độ ăn, giấc ngủ và tập luyện thể dục thể thao. Với trẻ em VN thì các khảo sát cho đến nay cho thấy trẻ ngủ không đủ và tập luyện cũng không đủ, chưa nói đến chế độ ăn"- theo BS Sơn.
Ngủ trước 22h đêm, tập luyện theo mô hình 5+2
Để trẻ phát huy được tối đa tiềm năng về chiều cao, ông Sơn khuyến cáo chế độ ăn của trẻ phải đảm bảo đủ năng lượng và vi chất dinh dưỡng, theo tháp dinh dưỡng từng lứa tuổi.
Ví dụ như lứa tuổi 2-5 tuổi, trẻ cần ăn 120-160 gam gạo hoặc thức ăn thay thế tương đương mỗi ngày, cùng 150-200 gam trái cây, rau củ, 120-150 gam thịt hoặc 140-160 gam cá, tôm hoặc cua. Mỗi tuần bé cần ăn 2-3 quả trứng, 30-40 gam dầu hoặc mỡ (mỗi muỗng cà phê tương đương 5 gam dầu/mỡ) và dưới 3 gam muối/ngày, bên cạnh đó bổ sung thêm sữa cho bữa ăn.
Với giấc ngủ, hormone tăng chiều cao sẽ phát huy tác dụng nhất khi trẻ ngủ sâu giấc ở 23h đêm đến 1h sáng (để ngủ đủ sâu lúc 23h thì các em phải ngủ từ 22h), nhưng trẻ em VN thì hay phải học bài rất khuya, đặc biệt là các cháu ở thành phố và giờ dậy buổi sáng lại theo giờ đi làm của bố mẹ, nên rất nhiều cháu không được ngủ đủ giấc.
Về chế độ tập luyện, ông Sơn cho rằng nên áp dụng chế độ 5+2, tức là 5 ngày thể dục và 2 ngày thể thao mỗi tuần, trong đó 5 ngày thể dục là dành 30 phút mỗi ngày để các cháu tập luyện các bài thể dục, kết hợp với việc làm việc nhà (trẻ 2 tuổi trở lên là bắt đầu có thể hướng dẫn trẻ làm việc vặt trong gia đình) như xếp bát, xếp đồ ăn, nhặt rau, giặt quần áo... Hai ngày cuối tuần nên dành 30 phút/ngày để rèn luyện thể thao, đặc biệt các môn có thể kéo giãn cơ thể như bơi lội, bóng rổ, xà...
Mục tiêu của VN là đến năm 2020 chiều cao trung bình của nhóm trẻ 5 tuổi sẽ tăng hơn 1,5-2cm, chiều cao người trưởng thành tăng 1-1,5cm so với 2010 và đến 2030, chiều cao người Việt sẽ tăng thêm 4cm so với 2010. Nếu không can thiệp từ bây giờ, những thông số kể trên chỉ... là mơ ước!
Ưu tiên chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời
Tại phiên họp vừa được tổ chức ở Hà Nội về những dự án cải thiện dinh dưỡng tới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết một khảo sát cách đây 8 năm cho thấy nam thanh niên người Việt đứng thứ 19 từ dưới lên (trong gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có thống kê) về chiều cao, còn nữ giới đứng thứ 13 từ dưới lên.
Theo bà Tiến, VN sẽ ưu tiên chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ, đây là giai đoạn khá quan trọng ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển chiều cao sau này, kết hợp với các can thiệp hiệu quả về cải thiện chiều cao mà cộng đồng quốc tế đã triển khai.