(Baonghean.vn) - Vô vọng, sụp đổ là những từ diễn tả chính xác cảm giác của nhiều người di cư đến từ Afghanistan trong cuộc khủng hoảng hiện nay, và anh Mohammed Asif là một trong số đó. Sau khi mạo hiểm mạng sống trên tuyến đường di cư và trải qua 2 tháng tại các trung tâm tị nạn “đầy ác mộng” ở Đức, nỗi tuyệt vọng đã đẩy anh đến chỗ phải mua tấm vé 1 chiều trở về Afghanistan, từ bỏ giấc mơ bấy lâu nay về khả năng tị nạn tại miền đất hứa châu Âu.

Người dân Afghanistan sống tạm bợ trong trại tị nạn ở cảng Piraeus, Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP.
Người dân Afghanistan sống tạm bợ trong trại tị nạn ở cảng Piraeus, Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP.

Thời gian qua, Afghanistan là đất nước có lượng người di cư tới châu Âu đứng thứ 2, chỉ sau Syria, đẩy giới chức các quốc gia châu Âu vào tình cảnh vật lộn xoay xở với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tuy chưa nhiều, nhưng số người “tuyệt vọng và từ bỏ” giấc mộng Âu châu như anh Asif đang ngày một tăng. Họ dù không muốn cũng chẳng có lựa chọn nào khá khẩm hơn là trở về đất mẹ, nơi đang chịu chiến tranh tàn phá, và những hệ lụy dai dẳng về kinh tế còn đeo đẳng lâu dài, bởi thực tế các trung tâm tị nạn rơi vào tình cảnh quá tải, thiếu việc làm và “cơn sốt” tẩy chay người tị nạn tại châu Âu đã đẩy họ tới bờ vực tan vỡ ảo tưởng.

Như trong trường hợp Asif, dù anh đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế, và tạm “bình an” trải qua nhiều sóng gió dưới tay những kẻ buôn người mới đến được Đức, nhưng những gì anh nhận được chỉ là “sự thù địch và nỗi đau”, trái với kỳ vọng trước đó của anh về “một cuộc đời thỏa mái ở châu Âu”. Đặt chân về Kabul, anh Asif mới mạnh dạn trải lòng về những ngày giông bão vừa qua: “Các trại tị nạn thật khủng khiếp và người dân bản xứ châu Âu luôn xem thường chúng tôi. Không ít người trong số họ khẳng định người tị nạn sẽ hủy hoại nền văn hóa của đất nước họ”.

Một chuyến bay hồi tháng trước đã đưa 135 người tị nạn Afghanistan trở về từ Đức, và đó là chuyến bay đầu tiên khởi nguồn cho nhiều chuyến khác có thể sắp sửa diễn ra dưới sự bắt tay hợp tác của Kabul, Berlin và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) để giúp hồi hương một bộ phận người tị nạn và di cư.

Afghanistan đang chứng kiến điều mà giới chức nước này vẫn gọi là đợt di cư “vô tiền khoáng hậu” tới các quốc gia châu Âu khi hàng chục nghìn dân thường phải chạy trốn khỏi nơi rối ren liên miên và chiến tranh tàn phá mảnh đất quê hương suốt nhiều thập niên qua.

Một phụ nữ Afghanistan trên chiếc xe lăn, ngồi tại Quảng trường Victoria ở trung tâm Athens, nơi người tị nạn và di cư bị mắc kẹt, đành phải nương náu ở những trại trú ẩn tạm thời. Ảnh: AFP.

Các mạng lưới buôn người cũng đang sinh sôi nảy nở, bằng mọi giá bòn rút tiền của của những người di cư tuyệt vọng chẳng biết bấu víu nơi đâu ngoài những chuyến đi đầy rủi ro trên các hành trình đầy sóng gió trên Địa Trung Hải, qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Nhưng mãi đến khi “tiền mất, tật mang”, họ mới nhận ra bộ mặt thật của những kẻ đầu sỏ trong đường dây buôn người, hầu hết chúng đã vẽ ra những viễn cảnh viển vông thông qua những lời dối trá trắng trợn về những ngôi nhà rộng rãi, công việc đem lại thu nhập cao và một cuộc sống dễ chịu tại miền đất hứa châu Âu - những điều mà nằm mơ họ cũng không dám nghĩ đến tại quê nhà.

Những cơn ác mộng của Asif, cũng là của không ít mảnh đời đang vất vưởng qua ngày, mắc kẹt tại những tuyến đường di cư dẫn tới số phận ngày một bế tắc cho họ, để rồi khi nhớ lại vẫn là một cảm giác rùng mình sợ hãi bủa vây: “Chặng hiểm nguy nhất trong hành trình dài dằng dặc tới châu Âu của tôi, cũng như nhiều người là từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ. Một cậu bé mập mạp trong nhóm chật vật mãi trong chuyến hành trình xuyên núi. Kẻ cầm đầu đường dây buôn người độc ác đã hất văng cậu bé rơi xuống triền núi, và chúng tôi có lẽ không bao giờ có thể tìm được thi thể của cậu bé bất hạnh ấy”.

Thu Giang

(Theo AFP)

TIN LIÊN QUAN