Libya trên bờ vực nội chiến với nguy cơ chia cắt đất nước vĩnh viễn

giao_tranh_libya_mmnv.jpgLibya đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến với các vụ đụng độ liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli. Ảnh: New York Times

Libya đang đứng trên bờ vực của một cuộc nội chiến với các vụ đụng độ liên tục nổ ra ở phía Nam thủ đô Tripoli, giữa lực lượng ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận tại thủ đô và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Các nhân chứng cho biết, từ trung tâm thành phố, họ có thể nghe thấy tiếng pháo hạng nặng ở vùng ngoại ô. Hàng loạt các vũ khí hiện đại đang được các bên sử dụng để tạo ra lợi thế trong cuộc chiến giành giật quyền kiểm soát tại Libi.

Hiện có nhiều cáo buộc về việc các thế lực bên ngoài đang tuồn vũ khí cho các bên tại Libya, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh ảnh hưởng tại quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này. Theo các quan chức Liên hợp quốc,  Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ai Cập  cung cấp cho Quân đội Quốc gia Libya các thiết bị quân sự, vì cho rằng đây là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến chống các nhóm cực đoan Hồi giáo tại Bắc Phi. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar cũng ủng hộ cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya. Với nguy cơ dòng chảy vũ khí tiếp tục được tuồn vào cho các bên tại Libya, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến ủy nhiệm kéo dài, đẩy Libya vào nguy cơ chia cắt vĩnh viễn.

Biểu tình bạo lực tại Jakarta khiến hơn 200 người thương vong

Cảnh sát bắt giữ người biểu tình quá khích. Nguồn: Kompas.com

Biểu tình tại Jakarta diễn ra sau khi Ủy ban bầu cử Indonesia công bố kết quả kiểm phiếu với chiến thắng thuộc về Đương kim Tổng thống Joko Widodo. Theo đó, ngày 22/5, hàng ngàn người từ các tỉnh đã đổ về thủ đô Jakarta tham gia hoạt động biểu tình phản đối kết quả kiểm phiếu cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Một số nhóm biểu tình đã có những hành động quá khích gây thiệt hại về người và của.

Thống đốc Jakarta, ông Anies Baswedan cho biết, tính đến 9 giờ sáng 22/5, có 200 nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu và 6 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại thủ đô Jakarta ngày hôm nay. Cảnh sát đã tổ chức điều tra và khám nghiệm tử thi về nguyên nhân cái chết của những người này. Các nạn nhân đang được cấp cứu tại bệnh viện sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ chính quyền thành phố.

Tân Tổng thống Ukraine kêu gọi Mỹ “mạnh tay” hơn với Nga

Tân Tổng thống Ukraine kêu gọi Mỹ "mạnh tay" hơn với Nga. Ảnh: president.gov.ua

Sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã yêu cầu các quan chức Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt với "người hàng xóm" Nga. "Tôi muốn Mỹ tiếp tục gia tăng trừng phạt với Nga", Tân Tổng thống Zelenskiy nhận định trong cuộc gặp với các nhà lập pháp Mỹ và các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump, trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng, Washington là "một đối tác mạnh mẽ và rất quan trọng trong việc đối phó với sự thô bạo của Nga".

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Zelenskiy cũng lên tiếng bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục các sức ép trừng phạt với Nga trong các cuộc thảo luận với Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Maros Sefcovic.

Trung Quốc nói Mỹ cấm cửa Huawei là "bắt nạt kinh tế"

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, những hành động Mỹ nhắm vào Huawei là hành vi "bắt nạt kinh tế", qua đó ngăn cản sự phát triển của nước này. "Việc Mỹ dùng sức mạnh để đàn áp các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, ví dụ như Huawei, là hành vi bắt nạt kinh tế điển hình", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 22/5 cho biết trong một thông báo đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nước này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông bị coi là rủi ro với an ninh quốc gia - động thái dường như nhắm vào Huawei. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc cũng bị cấm mua linh kiện Mỹ nếu không có sự chấp thuận từ Washington. Mỹ nghi ngờ thiết bị của Huawei có thể được sử dụng để do thám cho Chính phủ Trung Quốc và liên tục kêu gọi đồng minh không sử dụng sản phẩm của Huawei trong mạng 5G. 

Malaysia trả lại rác cho các nước phát triển

Rác thải nhựa chất đống bên ngoài một nhà máy tái chế trái phép tại Jenjarom, Kuala Langat, Malaysia hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Yeo Bee Yin - Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia thông báo sẽ trả lại phế liệu nhựa không thể tái chế cho các nước phát triển. "Các nước phát triển phải có trách nhiệm với những thứ họ đã chuyển đi", bà nói. Bộ trưởng Yeo cho biết, nhiều loại phế liệu nhựa chuyển tới Malaysia vi phạm Công ước Basel - hiệp ước Liên hợp quốc về buôn bán và xử lý chất thải nhựa.

Quốc gia Đông Nam Á này năm ngoái trở thành điểm đến thay thế hàng đầu cho rác thải nhựa, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu, làm gián đoạn dòng chảy hơn 7 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm. Hàng chục nhà máy tái chế mọc lên ở Malaysia, nhiều cơ sở không có giấy phép hoạt động, khiến môi trường bị ảnh hưởng. Đa số phế liệu nhựa chuyển tới Malaysia bị ô nhiễm và nhựa chất lượng thấp từ các nước phát triển chuyển tới không thể tái chế.