(Baonghean) - Đập Vình tại xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh có chủ trương nâng cấp một số hạng mục từ ngày 30/10/2010. Thế nhưng, cho đến nay đã 3 năm xây dựng, đập Vình mới thi công được khoảng 1/3 khối lượng công trình. Dự án nâng cấp đập Vình là công trình thủy lợi trọng điểm đối với huyện Tân Kỳ hiện nay, bởi thi công chậm tiến độ sẽ dẫn đến nhiều diện tích đất sản xuất thiếu nước tưới, cùng nỗi lo sợ khi mùa mưa lũ đến...

Về xã Giai Xuân lần này, chúng tôi đến xóm Đồi Chè, được bà con nông dân phản ánh về đập Vình, sao mà Nhà nước xây dựng quá chậm, làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân? Cùng đi với ông Chủ tịch UBND xã – Nguyễn Duy Kết, chúng tôi đến mục sở thị đập Vình. Lúc này đập đang nham nhở bởi đất, đá, nước trong lòng đập đang dưới mực nước chết. Ông Kết, cho biết: Đập Vình lớn nhất của địa phương, có trữ lượng nước 0,6 triệu m3, cung cấp nước tưới cho 60 ha đất sản xuất lúa nước và 30 ha đất màu của bà con các xóm: Xuân Tiến, Đồi Chè, Nước Xanh và Tân Mùng.

Mặc dù nguồn sinh thủy hàng năm khá lớn, do thân đập xuống cấp, rò rỉ nhiều chỗ nên diện tích đất sản xuất phụ thuộc nguồn nước của con đập này thường bị hạn. Khi Nhà nước có chủ trương nâng cấp con đập, địa phương rất phấn khởi. Dự án nâng cấp đập Vình đợt này có 4 hạng mục chính: nâng cấp thân đập chính, phụ; nạo vét lòng đập; xây tràn xả lũ, xây dựng 2 cống điều tiết nước và xây dựng 100m kênh mương chính.

Đập Vình thi công đã 3 năm nay, mới hoàn thành được khoảng 1/3 khối lượng công trình.

Theo quan sát của chúng tôi, đến ngày 3/5/2013, các đơn vị thi công mới có thể cơ bản làm xong phần thân đập chính. Các hạng mục còn lại vẫn đang tình trạng “án binh bất động”. Đặc biệt, phần giải phóng mặt bằng trong lòng hồ, gồm 1 căn nhà của gia đình ông Lương Văn Phòng và đất sản xuất của 32 hộ vẫn chưa thực hiện. Vì chưa giải phóng mặt bằng, nên công tác nạo vét lòng đập không thể thực hiện được.

Do đang trong thời gian thi công dở dang nên đập không trữ nước, nhiều diện tích đất sản xuất phải chuyển đổi cây trồng từ lúa nước sang trồng mía. Đứng trên thân đập nhìn về phía dưới, ông chủ tịch xã nói, đáng lẽ cánh đồng này hoàn toàn cấy lúa để đảm bảo lương thực cho bà con, do thiếu nước tưới nên bà con trồng mía bù vào. Cả xã Giai Xuân chỉ có 140 ha đất sản xuất lúa nước 2 vụ, trước đây đảm bảo đủ lúa gạo ăn cho bà con, nhưng từ ngày đập Vình thi công nâng cấp đến nay, nhiều gia đình thiếu gạo ăn, vì nhiều diện tích phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Nếu Nhà nước cứ chậm tiến độ, thì thêm một vụ mùa nữa, bà con nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn?

Được biết, dự án nâng cấp đập Vình có tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng (bao gồm giải phóng mặt bằng phần lòng đập), do UBND huyện làm chủ đầu tư, với 2 đơn vị thi công, là: Công ty TNHH Minh Lan và Công ty TNHH Hùng Tiến ở huyện Tân Kỳ. Thời gian thi công trong vòng 1 năm, kể từ ngày khởi công (khởi công đầu năm 2011). Theo ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Dự án nâng cấp đập Vình là công trình thủy lợi trọng điểm của Tân Kỳ hiện nay. Do Nhà nước giải ngân nguồn vốn chậm nên các nhà thầu gặp khó. Cho đến nay, mới giải ngân với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Do đó, đơn vị thi công phần nạo vét lòng đập mới thi công một thời gian rồi tạm ngừng. Riêng nguồn vốn để giải phóng mặt bằng gần 1 tỷ đồng mới giải ngân đầu năm 2013, nên đơn vị thi công chưa kịp thực hiện.

Việc chậm tiến độ nâng cấp đập Vình ảnh hưởng đến 2 vấn đề chính: thiếu nước sản xuất và nỗi lo mùa mưa lũ về. Không những lo thân đập này bị cuốn trôi, mà còn lo cho số phận của một số con đập phía dưới, là đập Mó Quyết Tâm (Giai Xuân), đập Mai Tân (Nghĩa Hoàn) và một số đập nhỏ khác. Các cấp, ngành cần quan tâm để các đơn vị thi công có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công đập Vình, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay!

Xuân Hoàng