(Baonghean) - Tôi có hai người bạn lớn. Những người hơn tôi vài chục tuổi và ở những khúc ngoặt cuộc sống tôi lại nghĩ tới cô, chú ấy như một nụ hoa tầm xuân tím biếc dịu dàng và đầy sức sống...

Chú Nguyễn Đăng Khoa được nhiều người gọi là nghệ sỹ tài hoa nhất khi là thương binh hạng nặng nhưng chơi được tới 4 nhạc cụ cùng một lúc. Trong những giải thưởng cao nhất của liên hoan ca múa nhạc dành cho thương binh toàn quốc, năm nào cũng có tên chú ấy.

Nhưng ít ai biết, năm hai mươi tuổi, là giai đoạn đẹp nhất cuộc đời, chú ấy từng sống trong những ngày chán nản cực độ khi chìm mải miết trong bóng đêm. Trước đó, học xong lớp 12, gác lại ước mơ làm anh kỹ sư điện tử, cậu học sinh giỏi Đăng Khoa đã tình nguyện tham gia đoàn 559 lên đường vào Nam. Cả tiểu đội chú hy sinh, chỉ còn lại chú với thân thể rách nát, hai mắt mù, xương gãy… phải cấp cứu.

Những ngày ấy thật đáng sợ, chú bị ám ảnh tới mức cứ trở mình dậy sau một đêm dài là chói tai bởi những tiếng la hét của đồng đội bị thương nặng. Những tiếng hét ấy khiến những cơn đau của chú quặn buốt. Những lúc không có tiếng la hét, chú nghĩ về quê, về người vợ vừa cưới chưa kịp sinh con sau một lần về phép. Càng nghĩ lại càng thêm đau khi mặc định mình là người vô dụng, thừa thãi trong xã hội.

Điều lạ kì chấm dứt những ngày tồi tệ ấy, không ai ngờ lại là những sẻ chia của một nhạc sỹ. Trong một buổi sáng trở dậy, tiếng la hét gần như không có, chỉ có tiếng kèn ăc mô ni ca du dương với lời ca: “Ôi ngày ấy sẽ đến, anh sẽ về, sẽ về, phải không anh…”. Khi những giai điệu dịu dàng ở câu ca cuối cùng: “Và anh nói tặng em mùa xuân”, thì chú nghĩ tới những nụ hoa tầm xuân dịu dàng vẫn mọc hoang bên dậu nhà. Chẳng ai tưới tắm, bón phân, chăm sóc nhưng những nụ hoa tưởng thừa thãi bên hàng rào ấy vẫn lặng lẽ toả hương, khoe chút sắc hồng làm mùa xuân thêm hương sắc, lòng người thêm rạo rực.

Chú Khoa đã quyết tâm học nhạc, nhiều thương binh cũng quyết tâm học nhạc sau buổi nói chuyện của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ngày ấy. Những sáng mai thức giấc của  họ không  còn nhiều tiếng la hét khi họ biết lắng nghe nhiều hơn tiếng nhạc, tiếng hát. Họ cũng thấy cuộc sống nhẹ nhõm hơn khi lắng nghe những tiếng chim câu gù trên mái, khi hít hà một nụ hoa thơm vừa bung nở ban mai. Cũng như chú Khoa, họ trở về với gia đình, bắt đầu những công việc mới trong tâm trạng yêu đời.

Người bạn  thứ hai mà tôi muốn kể bạn nghe, là cô Kiều Thu. Cô Kiều Thu vẫn được nhiều bạn trẻ Việt Nam coi là biểu tượng của ý chí vượt lên chính mình, dù cô đã về cõi vĩnh hằng gần hai năm trước.

Trong một trận đánh bom hẹn giờ ngay trước bưu Điện Sài Gòn, cô Thu là người giữ nhiệm vụ chính. Tuy nhiên, sát giờ bom nổ thì đối tượng cần đánh không thấy mà chỉ thấy một chị lao công vẫn tỉ mẩn với công việc của mình cạnh đó. Không thể để chết người dân mình, nữ chiến sỹ biệt động Kiều Thu báo cho chị ấy tránh. Không may, chị quét rác quá hoảng hốt, la to. Và cô Thu bị bắt, trải qua những cực hình, tra tấn ở Côn Đảo, Chí Hoà… hầu hết những nhà tù nổi tiếng miền Nam. Cô được trả trở về với nhiều chứng tích chiến tranh khắp thân thể. Những năm gần đây, căn bệnh ung thư của cô di căn tới 12 bộ phận. 

Tôi còn nhớ, khi bước chân vào nghề báo, khoảng năm 2003, trưởng ban của tôi gọi cô Kiều Thu là “ngọn lửa”. Anh ấy nói rằng, bác sỹ bảo: “Chắc cô sống không quá năm nay. Vậy rồi, năm này qua năm khác, “ngọn lửa” ấy vẫn sống, vượt qua cả những chẩn đoán của bác sỹ. “Ngọn lửa” ấy hằng năm vẫn mang theo 12 bộ phận ung thư trên mình, rong ruổi đạp xe từ miền Nam ra lăng Bác, truyền hơi ấm và sự nhiệt tình cho giới trẻ.

“Chỉ cần nhìn ánh mắt lũ trẻ chăm chú nghe cô kể chuyện chiến đấu, là cô vui”. Giản dị thế đấy. Biết rằng, người nữ chiến sĩ ấy đã đi xa. Không có ngọn lửa nào có thể cháy mãi. “Ngọn lửa” Kiều Thu đã thắp ở thế giới khác, nhưng hơi ấm ngọn lửa ngày nào cô thắp dọc hành trình đạp xe xuyên Việt thì vẫn còn, còn mãi. Và cô ạ, câu chuyện về cô vẫn ấm lòng những đứa trẻ, những người trẻ vẫn chăm chú lắng nghe mỗi khi ai đó kể lại.

Và những ngày tháng Tư này, tôi viết những dòng giản dị và chân thành về họ, những người đã cháy hết tuổi trẻ của mình cho một ngày tháng Tư chưa bao giờ xa… Và bạn, bạn trẻ ơi, bạn cũng vừa chăm chú lắng nghe phải không? 

Võ Thu Hương