Tay vợt sinh năm 1983 trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên tham dự ba kỳ Olympic liên tiếp.
“Theo cách tính điểm của Liên đoàn cầu lông thế giới trong việc chọn vận động viên dự Olympic 2016, tôi hiện đứng thứ 16 trong khi họ lấy hơn 30 người. Điều này đồng nghĩa với việc tôi chắc chắn đã có vé tới Brazil vào tháng 8 tới”, Tiến Minh chia sẻ với VnExpress.
Ngày mai 5/5, Liên đoàn cầu lông thế giới sẽ công bố danh sách các vận động viên đủ điều kiện dự Olympic 2016. Đây là lần thứ ba liên tiếp Tiến Minh được dự Thế vận hội, điều chưa vận động viên nào của Việt Nam làm được trước đó.
“Đây sẽ là kỳ Olympic cuối cùng trong sự nghiệp của tôi, vì vậy giành được vé có cảm xúc rất khác hai lần trước. Tôi hy vọng mình sẽ có được “quân xanh” chất lượng để luyện tập trước khi tới Brazil tranh tài”, Tiến Minh chia sẻ thêm.
Tiến Minh lúc nhỏ sức khoẻ không tốt, bố mẹ cho theo tập cầu lông để cải thiện. Năm 10 tuổi, trong một lần đi đánh giải, thua đối thủ một ván trắng 0-15 nên cay cú, quyết định tập luyện nghiêm túc. Đúng một năm sau, khi tái đấu, anh thắng đối thủ cũ cũng đúng 15-0 và dần bước chân vào sự nghiệp vận động viên chuyên nghiệp. Tiến Minh là tượng đài sống của cầu lông Việt Nam, từng lọt vào top 10 thế giới.
“Tôi phải tập thể lực, tập đánh cầu rất nhiều. Có hôm đêm đang ngủ giật mình tỉnh dậy vì phát hiện ra có điểm nào chưa ưng ý, lại tập luôn. Ngày Tết tôi 30 mới nghỉ, đến mùng hai đã trở lại tập. Chẳng ai ép tôi tập cả, tôi tự làm khổ mình như thế. Ai chơi cầu lông sẽ biết, nghỉ tập vài hôm sẽ mất cảm giác, rất khó lấy lại. Rồi tôi ăn uống rất cẩn thận, đi chơi gì đó cũng sợ chấn thương, mất nghiệp…Nhiều người nói tôi tự đày đọa mình, bị điên. Cũng có lúc tôi thấy mình điên thật”, Tiến Minh kể về hành trình đầy gian khó của mình để theo đuổi môn cầu lông.
Không giống như các đối thủ nổi tiếng khác như Lin Dan hay Lee Chong Wei... đi thi đấu thường có cả một ekip đi cùng lo từ chuyện ăn uống tới quay clip phân tích đối thủ, Tiến Minh thường dự giải một mình do hạn hẹp về kinh phí.
Anh buồn rầu bảo: “Tôi đi đánh quốc tế thì cứ một mình. Nhiều lúc thua trận lại lủi thủi xách vali ra sân bay, buồn muốn khóc. Nhiều người nói tôi sao không thuê HLV, thuê ekip? Tiền đâu ra, ai cũng biết ở Việt Nam ngoài cầu thủ bóng đá nam thì các vận động viên môn khác có thu nhập thấp. Bạn bè đùa bảo nếu tôi sinh ra ở nước ngoài, đạt tới tầm top 10 thế giới thì đã giàu to rồi".
Việt Nam đã có 17 vé dự Olympic 2016, đến từ cầu lông (Tiến Minh), thể dục dụng cụ (Phạm Phước Hưng và Phan Thị Hà Thanh), đấu kiếm (Vũ Thành An, Nguyễn Thị Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa), bơi (Nguyễn Thị Ánh Viên), vật (Vũ Thị Hằng, Nguyễn Thị Lụa), điền kinh (Nguyễn Thành Ngưng), bắn súng (Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh) , ba suất của cử tạ nam, một suất cử tạ nữ và một suất rowing nữ.
Theo VNE