(Baonghean.vn) - Từ nhiều miền quê, họ cùng hội về một điểm. Tất cả những người trẻ ấy đều gọi nhau bằng một danh từ thiêng liêng: Đồng đội. Rời xứ núi, xa miền quê lúa, quê sông khi tuổi đời vừa tròn mười tám đôi mươi, khoác lên mình màu xanh áo lính, khoác lên vai khẩu súng với trách nhiệm Tổ quốc giao phó đè trĩu trên vai. Nhưng nơi mỗi người lính trẻ ấy, lại đang còn khá nhiều tâm sự muốn sẻ chia.

Hôm xuôi về phía biển, gặp binh nhất Ngân Văn Hoàng (Đồn BP cửa khẩu cảng Cửa Lò- Bến Thủy). Hoàng kể, em ở đơn vị mới hơn 6 tháng, mà đã nhớ rồi. Nhớ gì vậy? Em nhớ đơn vị. Bởi rồi đây khi hết tuổi quân, rời xa đơn vị, đồng đội, làm sao em quên được những ngày đẹp đẽ trong quân ngũ. Hóa ra chàng binh nhất quê mãi tận xứ núi Con Cuông đã kịp “bén duyên” với màu áo lính biên phòng, kịp thấm vào mình cái vị mặn mòi của một vùng biển nơi đơn vị đóng quân. Ngân Văn Hoàng thổ lộ “Làm người lính BP, ở nơi đâu cũng là bảo vệ biên giới thiêng liêng. Em từ miền núi về với tuyến biển, lại cảm giác như mình đã thuộc về nơi đây. Em chỉ có mong muốn làm sao tiếp tục được phục vụ trong quân ngũ lâu dài”.
 
Đó không chỉ là tâm sự của Hoàng, mà còn là tâm sự của bạn đồng ngũ, binh nhì Nguyễn Công Việt. Tuy vậy, Việt tỏ vẻ “chín chắn” hơn khi nói rằng: “Những ngày đầu mới vào, bọn em luôn phải xác định là chiến sỹ mới nên thường xuyên nhờ các anh đi trước, các cấp chỉ huy chỉ bảo nhiều điều. Xác định là người lính BP nơi cửa khẩu biển, có nhiều vấn đề phức tạp nên phải nắm bắt rõ ràng nhiệm vụ, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chỉ huy”.

Binh nhất Ngân Văn Hoàng (bên trái) và Nguyên Công Việt (đồn BP cửa khẩu cảng Cửa Lò-Bến Thủy) trong giờ tăng gia.

Trung tá Nguyễn Thạc Châu - Chính trị viên phó đơn vị, cho biết thêm: Binh nhất Ngân Văn Hoàng và binh nhì Nguyễn Công Việt mặc dầu là chiến sỹ mới, nhưng đã chịu khó học hỏi để hòa nhập. Những phần việc được giao đều đã hoàn thành tốt. Chỉ huy đơn vị cũng hết sức tạo điều kiện để họ có thể vươn lên hơn nữa.
 
Còn nhớ, hôm ra Đoàn tăng thiết giáp H15 ở miền đất đỏ Quỳnh Lưu, Trong đêm sinh nhật đồng đội, chúng tôi nghe chiến sĩ Nguyễn Công Nhân, quê xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) ở đại đội 1, tiểu đoàn tăng 1 bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên em được hưởng cảm giác sinh nhật hạnh phúc như vậy. Ở nhà, mỗi lần sinh nhật, các bạn cùng lớp thường mua quà tặng và rủ nhau ra quán uống nước hoặc ăn kem. Còn ở đây thấy vui và ấm áp tình anh em đồng đội thật khó tả. Đây là lần sinh nhật khó có thể quên được trong đời".
 
Bởi vậy, tình cảm đồng đội ấm áp, sự quan tâm của chỉ huy, những kỷ luật của quân đội... là những gì họ mang theo trong đời quân ngũ. Như tâm sự của binh nhì Lữ Văn Quy (B12,7mm Đảo Mắt). Quy mới từ vùng quê Hòa Sơn (Anh Sơn) về đảo 3 tháng. Quy ít nhận được thư nhà mặc dầu rất nhớ, nhưng như Quy kể “Nhờ các anh chỉ huy trung đội nên bọn em cũng đỡ tủi thân. Các anh quan tâm, đối xử với bọn em như những người anh trong gia đình. Quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, bày vẽ cho bọn em từng kinh nghiệm trong cuộc sống”.

Đêm sinh nhật đồng đội cho chiến sỹ, sỹ quan trẻ tại đại đội 1, tiểu đoàn Tăng 1 (Đoàn Tăng thiết giáp H15)

Ở Đảo Mắt, chúng tôi đã có dịp gặp trung sỹ Moong Văn Bún (trung đội 12,7mm). Bún là người Khơ Mú từ mãi tận xã Mường Ải (Kỳ Sơn). Chàng trai xứ núi đã về cùng đảo 4 tháng. Bún kể: “Mặc dầu rất nhớ gia đình và người thân, nhưng em gặp anh em đồng đội ở đây nên cũng đỡ. Biển khác hẳn nơi em sinh ra. Dù khác nhau vậy nhưng ra đến đây em thấy yêu đồng đội, mến đảo, yêu biển vô cùng. Vì yêu đảo, yêu biển nên em luôn xác định hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao, gìn giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc bằng mọi giá”. Lính “cựu” hơn là binh nhất Lữ Văn Tuất, cùng trung đội với Bún thì đã ở đảo 10 tháng. Tuất đã được về phép ở quê Nậm Nhoóng (Quế Phong) 1 lần năm ngoái. Ngồi giữa đồng đội sau giờ huấn luyện, Tuất cười rất tươi: “Mình ở đảo thì nhớ nhà, về nhà lại nhớ đảo. Nhưng ra với đơn vị, thấy giống như một gia đình. Được gặp gỡ thêm nhiều bạn mặc dù quê rất xa nhau. Mình thấy rất vinh dự khi là chiến sỹ trong hàng ngũ của Đảo Mắt anh hùng. Mình rất muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội”.

Niềm vui của các tân binh ra với Đảo Mắt

Tâm sự của binh nhất Lữ Văn Tuất, tâm sự của Ngân Văn Hoàng (Đồn BP cửa khẩu cảng Cửa Lò-Bến Thủy) cũng là tâm sự chung của những người lính trẻ mà chúng tôi đã gặp. Tất thảy họ đều muốn ở lại lâu dài trong quân đội, cùng chung tay mà gìn giữ từng tấc đất cha ông để lại. Điều đó, phải chăng vì những tháng ngày quân ngũ dẫu cho đầy nhọc nhằn và mồ hôi thao trường nhưng hơn tất cả là tình cảm thiêng liêng của tình đồng đội đã truyền hơi ấm cho họ, khiến họ trở nên tự tin, dũng cảm mà đảm nhiệm vị trí của người lính nơi đầu sóng.

Trần Hải