Lãnh đạo trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng mắt đỏ hoe khi nói "với tâm tư của những người thầy không sống được bằng nghề" về những bất cập khi TP HCM cấm dạy thêm trong trường.
Làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM) chiều 23/8 về tình hình dạy thêm, học thêm ở quận 3, ông Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng - cho rằng, hiện việc dạy thêm trong trường tiểu học "thực chất là giữ trẻ". Bởi phần lớn phụ huynh vì công việc không thể đón con lúc tan trường, họ có nguyện vọng để giáo viên giữ trẻ sau giờ này. Các trường vì thế tổ chức hoạt động sinh hoạt, thể dục thể thao cho các em, em nào không thích tham gia thì giáo viên sẽ tổ chức ôn bài.
"Nếu phụ huynh không kịp đón con mà giáo viên cũng không được dạy trẻ thì các em sẽ ra sao? Sẽ rất thiếu an toàn cho các em. Chúng ta nên tính đến phương án quản lý cho tốt chứ đừng quản không được thì cấm", ông Lợi nói.
Theo ông, vì đời sống khó khăn nên nhiều thầy cô sẽ ra ngoài làm gia sư, dạy thêm ở các cơ sở. Nhưng những nơi đó không đảm bảo cở sở vật chất. Thành phố cần xem lại việc cấm dạy thêm trong nhà trường.
"Bản thân tôi không dạy thêm nhưng với tâm tư của những người thầy không sống được bằng nghề, có nhiều thứ đâu tiện nói ra. Tôi rất buồn", Hiệu trưởng Lợi nói bằng giọng nghèn nghẹn, mắt đỏ hoe.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng phòng Giáo dục quận 3 Phạm Hùng Dũng cho biết, phần lớn học sinh đều tan học lúc 16h hoặc 16h15, trong khi hầu hết phụ huynh đều không thể đón vì chưa xong việc cơ quan. Do đó, nhiều người có nguyện vọng nhờ giáo viên trông giữ và nhà trường có các hoạt động để học sinh ở lại qua 17h chờ họ đến đón con.
Trong khoảng thời gian này, giáo viên sẽ cho học sinh tham gia các môn năng khiếu hoặc ngồi tại lớp để ôn bài cho buổi học sau. Học phí sẽ do họ thỏa thuận với phụ huynh. Dạy thêm trong nhà trường thì đảm bảo được cơ sở vật chất, phòng học đồng thời phụ huynh tiện đón con, nhà trường dễ quản lý các em.
Ông Dũng cho rằng, vì Sở Giáo dục TP HCM triển khai ngưng dạy thêm trong trường nên phòng giáo dục quận cũng đề nghị các trường thực hiện nghiêm, song "đây là nhu cầu có thật, cần xem xét lại".
Về phía HĐND TP HCM, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM Thi Thị Tuyết Nhung đề nghị các trường và giáo viên chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, bà thừa nhận chương trình học hiện nay nặng nên nhu cầu học thêm là có thật. Trước hết là từ phía phụ huynh, sau mới là học sinh.
Theo VNE