(Baonghean) - Báo Nghệ An ngày càng hay hơn, đẹp hơn, được bạn đọc yêu mến và tin cậy hơn. Có đóng góp một phần không nhỏ của những cộng tác viên tận tụy. Điểm chung ở họ là sự nhiệt huyết, không quản khó khăn, bám sát cơ sở để kịp thời gửi về tòa soạn những bài báo hay, những thông tin quý, làm phong phú nội dung, nâng cao chất lượng tờ báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc… Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Nghệ An xin gửi đến bạn đọc những tâm tư, tình cảm của các cộng tác viên – những cánh tay nối dài của Báo.

Trăn trở cùng báo đảng

Là độc giả lâu năm của Báo Nghệ An, tôi có đôi điều tâm sự, gửi gắm với tờ báo đảng tỉnh nhà. Thứ nhất, có thể khẳng định Báo Nghệ An thuộc hàng “nhạc trưởng” trong định hướng dư luận. Thứ  hai, nhìn vào lượng bài của các phóng viên Báo Nghệ An được nhận giải báo chí cấp tỉnh và cấp toàn quốc có thể đánh giá đội ngũ phóng viên của Báo Nghệ An đã có bước trưởng thành đáng mừng. Thứ ba, ngoài đội ngũ chuyên nghiệp, Báo Nghệ An đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đặc biệt đã “hút” được một số cộng tác viên có uy tín ở các địa phương khác và báo Trung ương. Thứ tư, Báo đã thể hiện được tôn chỉ, mục đích của tờ báo đảng địa phương là “Tiếng nói của Đảng, chính quyền và nhân dân Nghệ An”. Trong cơ chế thị trường, giữ được như thế là rất đáng ghi nhận…

Tâm sự cộng tác viên ảnh 1
 

Tuy nhiên, để Báo Nghệ An mạnh hơn, vững vàng, hấp dẫn hơn và thực sự  bổ ích  cho các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền và đông đảo bạn đọc là quần chúng nhân dân, tôi xin được góp thêm mấy điểm như sau: Thứ nhất, nên chăng hàng năm Báo Nghệ An tổ chức điều tra xã hội học với những nội dung như: có bao nhiêu cán bộ từ cơ sở đến tỉnh thường xuyên đọc báo Nghệ An? Có bao nhiêu người dân đọc và đặt mua báo Nghệ An?... Qua đó biết được thực chất sức “hấp dẫn” của báo với cán bộ, với người dân; biết được người dân cần thông tin gì, thiếu thông tin gì và họ muốn qua báo Nghệ An để có thêm cái gì? Để từ đó cung cấp những thông tin, kiến thức mà người dân và cán bộ cần và làm tốt hơn vai trò “là tiếng nói của nhân dân Nghệ An”. Thứ hai, ngoài một số vấn đề mang tính xã hội Báo đã cử  phóng viên “vào cuộc” với nhiều loạt bài được ghi nhận trong thời gian qua, nên chăng báo có sự “nhập cuộc” một số vấn đề liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của chính quyền... nhằm góp phần “đánh thức” cho quá trình phát triển của quê hương.

Trương Công Anh

“Nhạy bén, sáng tạo và sắc sảo”

Trong những ngày tháng Năm nóng bỏng, trên báo Nghệ An xuất hiện loạt bài phóng sự “Ngư dân Nghệ An vươn khơi bám biển”. Nếu không để ý và cả không tinh ý thì sẽ nghĩ đây là loạt bài viết bình thường về một chủ đề bình thường như bao nhiêu bài viết khác. Và đây cũng chỉ là một nhiệm vụ bình thường của báo và của các phóng viên. Nếu thế thì không có gì đáng để nói cả. Nhưng ai đó sáng ý, biết đặt loạt bài viết đầy hơi thở của biển và đậm mùi mồ hôi của ngư dân trong hoàn cảnh Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, thì mới thấy hết cái tài tình, khéo léo của Tòa soạn báo khi cử phóng viên theo ngư dân Quỳnh Lưu vươn khơi.

Trước hết, có thể thấy, cách lựa chọn đề tài vào đúng thời điểm nhạy cảm đó đã thể hiện nhãn quan chính trị sắc bén cũng như ý chí, quyết tâm bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của tòa báo theo một cách khôn ngoan, sắc sảo. Loạt bài chỉ đề cập một cách sinh động, giàu hình ảnh, sắc thái của những người đánh cá. Tuyệt không hề có một chút gợi nhắc nào đến lệnh cấm đánh bắt cá ngang ngược và vô lý nói trên, nhưng đã toát lên ý chủ đạo rất thâm diệu là những ngư dân Việt Nam vẫn bình thản vươn khơi bám biển. Chẳng một ai mảy may để ý đến chuyện ai đó cấm hay không cấm. Vì đó là biển trời của ta. Ta tự do vùng vẫy, buông lưới, thả câu người ngoài sao cấm cản được. Những kẻ đó không có quyền can thiệp thô bạo vào chủ quyền biển đảo của nước nhà. Nếu có gióng giả loan báo thế này, thế nọ thì đó là việc của riêng họ. Chẳng liên quan gì đến công việc thường ngày của các ngư dân ta. Đó chính là câu trả lời, là cách trả lời rất rõ ràng, mạch lạc và cũng là lời khẳng định dứt khoát rằng, đó là phần biển thuộc chủ quyền của nước Việt, người Việt có quyền giong buồm thả lưới và thực tế là họ vẫn đang thả neo, kéo lưới.

Như người ta vẫn thường nói, “trông cây thấy rừng”, từ một giọt nước mà nhìn thấy được cả đại dương. Nếu cần nói một vài lời về chất lượng tuyên truyền trên báo Nghệ An thời gian qua, thì chỉ cần thông qua loạt bài viết nói trên cũng có thể đi đến một khẳng định rằng: Báo Nghệ An ngày càng nhạy bén, sáng tạo và sắc sảo.v

Duy Hương

Vui buồn nghề… cầm bút!

Mình bén duyên với Báo Nghệ An vào cuối năm 2013. Sau mấy vòng vừa viết vừa “thử việc”, cuối cùng mình giữ bút ở chuyên mục Sự kiện diễn đàn và Góc phiếm, thỉnh thoảng cao hứng cũng có “ghé” trang Kinh tế với bút danh An Khánh. Cái sự viết kể ra cũng lắm gian truân và lắm vui buồn. Gian truân nhất là “cháy” bài. Không dưới một lần mình bị “đứng hình” khi nhận được “a lô” từ phòng Miền núi. 

“Đau” nhất là lần đi công tác nước ngoài, bữa ấy cũng “bị” chị Thùy Vinh, Trưởng phòng Miền núi cuối tuần chiếu tướng. Đang ở đảo, hạn nộp bài còn 2 tiếng, máy tính không có, mạng lại càng không… Đành “soạn” sẵn bài trong đầu, rồi chạy ra bãi biển gọi điện cho một đồng nghiệp, phương án duy nhất lúc ấy là vừa “sáng tác” vừa đọc cho bạn chép lại. Hôm sau mở mạng, thấy báo lên “nguyên cả dấu phẩy” mà mừng. Hình như cú chữa cháy từ xa này ngốn mất 450 ngàn đồng cước điện thoại, ngang bằng tiền nhuận bút của bài diễn đàn ấy! Cười vì vui. Cười vì báo đã dạy cho mình cách vượt qua khó khăn nếu vẫn còn… nhiệt huyết.   

Gian truân thứ hai là chủ đề và nội dung. Nói không ngoa, với “tính cách” của chuyên mục Sự kiện diễn đàn thì ối chuyện để viết. Nhưng viết cái gì, viết như thế nào, thậm chí viết đến đâu là cả một seri câu hỏi cần phải đong đếm cẩn thận. “Hiền” quá thì độc giả chưa chắc đã ưa mà “dữ” quá thì cũng không nên… Nói tếu táo “sướng thì viết” nhưng “siết thì vướng” ấy mà! Lại còn chuyện “đụng hàng” nữa chứ, phàm thì cái mình quan tâm thì người khác cũng quan tâm, may mà mình thuộc dạng nhanh tay gửi sớm chứ không là “tháo” bài như chơi. Trong trường hợp này thì đúng là vừa mất công lại vừa tiếc “của”. 

Vui buồn với nghiệp báo thì nhiều, nhưng vui nhất là được viết, được trải nghiệm, được học hỏi và cả được đóng góp nữa. Còn buồn? Buồn nhất là đôi khi mình gặp một tờ báo cũ mà, giở ra thấy bài mình vẫn còn… mới tinh. Hình như có cơ quan, có người, có lúc báo về là xếp lại rất… ngay ngắn. Buồn ghê! Đã có lúc mình tính chuyện bỏ bút, nhưng rồi bao trăn trở trước cuộc sống cứ sôi lên, lại gõ, lại gửi,…v

Nguyễn Khắc An