Nhìn chung, với tình trạng của thể thao Việt Nam (TTVN) hiện tại, nhìn vào đâu cũng sẽ thấy khiếm khuyết, lạc hậu, kém phát triển khi so sánh với “môi trường Olympic”, tức là tầm mức thế giới, chưa kể tầm ASIAD (châu lục) và thậm chí ở SEA Games (khu vực) thì mọi chuyện cũng chưa thể nói là sáng sủa, dù lâu nay được tập trung cao độ và có kết quả vượt bậc.

17doanthethaovn4047920_182021.jpgĐoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo. Ảnh: hanoimoi

Theo chỗ chúng tôi hiểu, thì việc đầu tư lớn, tập trung nhiều nhân tài, vật lực phục vụ cho mục tiêu SEA Games là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, khi Việt Nam trở lại xu thế hội nhập toàn diện với khu vực và toàn thế giới. Thử hỏi, không có “nền” SEA Games, thì TTVN lấy đâu “nguồn” để tiến ra châu lục và thế giới?

Liệu một kỳ SEA Games được tổ chức ở Việt Nam chẳng hạn mà chủ nhà không chú ý nâng cao thành tích, để rồi thua kém các đội khách, liệu các lãnh đạo, nhà chuyên môn và vận động viên sẽ “ăn nói” ra sao trước mọi người và trước chính mình?

Vấn đề nằm ở chỗ, bên cạnh việc lo hết sức cho mỗi kỳ SEA Games (đành là ao làng, nhưng chuyện đó phải cả làng tính toán, cải tiến sao cho chất lượng hơn) phải đồng thời lo việc dài hơi cho các thế vận hội ASIAD và Olympic bằng một chiến lược cụ thể, có bước đi, cách làm khoa học, sáng tạo, có nguồn lực được đáp ứng và có mục tiêu khả thi…

Cũng lại là “vấn đề” khi những điều nói trên đều đã được nói đến không ít, từng được ban hành văn bản, có chế độ, chính sách chi tiết…vậy sao mọi việc vẫn lẹt đẹt, thậm chí thụt lùi? Vậy nên, thất bại trắng tay ở kỳ Olympic Tokyo 2020 sẽ là dịp thuận lợi nhất để những người có trách nhiệm, tấm lòng với TTVN cùng ngồi lại, bàn mọi việc cho ra nhẽ, nhằm tìm lại con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để có được thành tích xứng đáng tại đấu trường vinh quang và danh giá này.

Hoàng Thị Duyên hoàn thành phần thi cử giật với mức tạ 95kg tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Trong số những “tài liệu” cần được nghiên cứu kỹ trước khi bàn thảo, nên có  những câu hỏi và câu trả lời thỏa đáng như tại sao các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines…lại luôn duy trì được thành tích vốn có ở mỗi kỳ Olympic với một, hai môn thể thao thế mạnh của mình? Đó là quyền Anh, taekwondo (Thái Lan, Philippines), cầu lông, bóng bàn (Indonesia, Malaysia, Singapore)…Hay ở mức cao hơn, vì sao người Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ để sẵn sàng soán ngôi rất nhiều môn từng được coi là thế mạnh của các quốc gia khác? Và tại sao bắn súng Việt Nam từng giành HCV, HCB, taekwondo, cử tạ cũng từng giành HCB, HCĐ…giờ lại trở về “mo” mà không sao có thể khắc phục trong một sớm một chiều?.

Các nhà chuyên môn tất nhiên đã nói tới chuyện cần làm tốt công tác tuyển chọn vận động viên và huấn luyện viên nói chung, nhất là các mũi trọng điểm để có đầu tư chiều sâu, cần được tập huấn thường xuyên ở nước ngoài để vừa học tập nâng cao chuyên môn, cọ xát đối thủ trình độ cao, làm quen với môi trường khi thi đấu chính thức…Tất cả những điều đó đều cơ bản và đúng, nhưng vẫn chưa “cập nhật” được xu thế mới, yêu cầu mới. Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là tại sao không tính đến nguồn lực đầu tư, tổ chức thực hiện ngoài Nhà nước, như của tư nhân, của gia đình, phát huy ý chí của cá nhân  để “nâng tầm” vận động viên như với môn quần vợt, bóng rổ... chẳng hạn?

Bóng đá Việt nếu làm theo mô hình cũ thì chắc chắn không có kết quả rực sáng như hiện tại, trong khi đó, phần lớn các môn thể thao khác vẫn làm theo lối cũ, không có đột phá, vì thế kết quả không những không tăng thêm mà còn thua sút thấy rõ.

Nền tảng tốt mới hy vọng có đỉnh cao thực sự. Mỗi làng, xã, khối phố không có sân chơi thể thao thì đương nhiên không có phong trào thể thao. Nhiều sân golf mọc lên nhưng có lẽ người ta nhằm mục tiêu khác, chứ không phải để môn thể thao quý tộc này phát triển?

Quách Thị Lan (giữa) đang là đương kim vô địch châu Á và Asiad ở 400m rào. Ảnh: Reuters

Ở Châu Âu, có người phụ nữ Áo tên là Anna Kiesenhofer, 30 tuổi, tiến sĩ Toán, tham dự Oympic Tokyo 2020 với tư cách vận động viên nghiệp dư, không huấn luyện viên, chuyên gia dinh dưỡng… nhưng đã chiến thắng tất cả các vận động viên chuyên nghiệp để giành HCV môn đua xe đạp! Là để nói cá nhân có vai trò cực kỳ quan trọng và quyết định trong quá trình rèn luyện, thi đấu theo đúng thần của Olympic: “Nhanh hơn-Cao hơn-Mạnh hơn”! Nếu không có tinh thần, ý chí vươn lên, không bao giờ bằng lòng với thực tại có sẵn thì đừng nói tới tinh thần thể thao, trong khi thể thao đỉnh cao lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Thu Sâm

Cũng là để thấy rõ và cổ vũ cho tinh thần thi đấu ngoan cường của vận động viên cầu lông Thùy Linh, vận động viên bơi Huy Hoàng…tại kỳ Olympic này, để tin tưởng và kỳ vọng mọi điều vẫn đang ở phía trước. Nhiều khán giả hâm mộ hẳn còn nhớ một vận động viên điền kinh Việt Nam khi băng về đích đầu tiên đã thốt lên trong nước mắt “Mẹ ơi, con làm được rồi”! Ý chí như thế, nung nấu quyết tâm như thế của một người phụ nữ, quả đáng để nhiều người suy nghĩ và học hỏi, cho mỗi chặng đường gần cũng như nẻo đường xa gian khó.