“Tiếp sức” giúp học trò nghèo
Cơn gió heo may mang theo không khí lạnh đã tràn về các bản làng, những gia đình nghèo đang chắt chiu từng nghìn một để mua áo ấm cho con trẻ. Nhưng có những người bố, người mẹ vì hoàn cảnh riêng nên không thể lo được đầy đủ cho các con. Không đành lòng nhìn cảnh học trò thiếu thốn, đồng lương chỉ đủ chi tiêu, nhiều thầy, cô giáo đã trở thành những kẻ “hành khất” bất đắc dĩ.
Nghĩa là những giáo viên này tìm cách liên hệ với các nhà hảo tâm và đoàn thiện nguyện để “xin” quà về cho học trò nghèo. Trong đó, phải kể đến công việc thầm lặng nhưng chứa chan tình yêu thương của những người làm nghề “gieo chữ” ở khu tái định cư Ngọc Lâm (Thanh Chương).
Đến xã Ngọc Lâm sau những ngày mưa lũ, cuộc sống của bà con nơi đây đang dần trở lại bình thường. Trong gió lạnh đầu mùa, hầu hết những đứa trẻ con em đồng bào Thái, Khơ mú đã có áo ấm đến trường và chống đỡ một mùa Đông khắc nghiệt đã cận kề.
Ông Lương Văn Nhất – Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nhiều gia đình nghèo chưa đủ điều kiện mua áo ấm, sách vở và xe đạp cho con đã được các thầy, cô kết nối các đoàn thiện nguyện về trao tặng. Nhờ đó, các bậc phụ huynh bớt được một mối lo, các em học sinh cũng yên tâm đến trường”.
Nói rồi, ông Nhất kể về trường hợp của em Lo May Tùng ở bản Tân Lâm, là học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Hương Tiến. Mẹ bỏ đi biệt tích từ lúc May Tùng còn bé xíu, bố Tùng không được minh mẫn, gần như không biết làm việc gì để kiếm sống nên em phải nhờ sự cưu mang, chăm sóc của bà nội. Bà nội cũng đã già yếu, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp không có tiền sửa sang chứ chưa nói đến việc lo cho cháu học hành.
Cuộc sống thiếu thốn nên những năm học trước May Tùng đến lớp không đều, có khi tuần nghỉ mất 2 - 3 buổi. Giáo viên chủ nhiệm và các thầy, cô trong trường đã đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, góp tiền giúp đỡ bà cháu May Tùng mua gạo, thức ăn, chăn, nệm và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. Được sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô, năm học này May Tùng đã đến lớp đều đặn, ánh mắt luôn biểu lộ niềm vui tươi, phấn khởi.
Cùng với em Lo May Tùng, hoàn cảnh của chị em Vi Sáo Anh (học sinh THCS) và Vi Thị Ngọc Nhi (học sinh tiểu học) cũng không kém phần bi đát. Bố của Sáo Anh và Ngọc Nhi mất cách đây 2 năm, ít lâu sau ông nội cũng qua đời. Quê ngoại ở tận xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), gần như không còn người thân để chị Lương Thị May, mẹ của hai em nương tựa, chưa kể chị còn phải nuôi một cháu họ không còn bố mẹ.
Có một thời gian chị May đi sang Lào làm ăn, mấy đứa trẻ phải chuyển đến nhà bác họ ở tạm. Hoàn cảnh ấy đã khiến các em không có điều kiện để chuyên tâm học hành, rất may đã được thầy, cô giáo giúp đỡ, mua tặng xe đạp và quần áo, sách vở và được các nhà hảo tâm đến tận nhà trao quà ủng hộ.
“Toàn xã có hơn 1.000 học sinh bậc mầm non, tiểu học và THCS, trong đó khoảng 70% là con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã và đang được cấp ủy, chính quyền và giáo viên các trường quan tâm giúp đỡ bằng cách kêu gọi, kết nối với các đoàn thiện nguyện ủng hộ về vật chất, tinh thần”.
Những “Đại sứ” thiện nguyện
Theo thầy Đậu Đình Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến, cuộc sống của bà con khu tái định cư xã Ngọc Lâm hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nguyên nhân cơ bản là do đất sản xuất ít, không có nghề phụ nên nguồn thu nhập vừa thấp, vừa bấp bênh.
Một số người rời bỏ gia đình, bản làng, đi đến nơi xa tìm kế sinh nhai nhưng chủ yếu làm lao động chân tay nên thu nhập cũng không cao. Chưa kể những gia đình gặp ốm đau, hoạn nạn hay có người dính vào tệ nạn buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy, tất cả đều ảnh hưởng đến việc học hành và tương lai con trẻ.
Với những học sinh có gia cảnh quá éo le và khó khăn, con cháu có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng, lãnh đạo và giáo viên các trường luôn có sự phối hợp giúp đỡ. Ban Giám hiệu trường mầm non, tiểu học và THCS phân công giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên cắm bản tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh và nhu cầu giúp đỡ của học sinh. Khi có thông tin đầy đủ và chính xác, các thầy, cô trong Ban Giám hiệu tìm cách kết nối với các nhà hảo tâm và đoàn thiện nguyện hỗ trợ.
Thường là thông qua mối quan hệ bạn bè và các nhóm, hội thiện nguyện trên mạng xã hội, các thầy cô cung cấp thông tin, hình ảnh về hoàn cảnh học sinh, tạo sự tin tưởng. Sau đó, các nhà hảo tâm hoặc sẽ trực tiếp về tận nhà trao tiền, quà hỗ trợ hoặc gửi về địa phương nhờ các thầy, cô trao giúp. Từ đầu năm học đến nay, đã có hàng chục nhóm thiện nguyện giúp đỡ học sinh nghèo ở xã Ngọc Lâm. Nhờ đó, nhiều em mới có đủ sách vở, giấy, bút và áo quần, nhất là áo ấm để đến trường.
Cùng với thầy Đức, ở Ngọc Lâm, thầy Hoàng Kim Cương - Hiệu trưởng Trường THCS, cô Dương Thúy Song - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non và nhiều thầy, cô giáo khác được xem là những “đại sứ” thiện nguyện. Bởi, nhờ sự kết nối của các thầy, cô, không ít học trò nghèođã được tiếp thêm động lực để vượt lên hoàn cảnh khó khăn, vững bước trên con đường học tập.
“Là những người công tác lâu năm ở vùng khó khăn, hơn ai hết chúng tôi hiểu những vất vả, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây. Chúng tôi thường động viên nhau thực hiện tốt việc giảng dạy và quan tâm giúp đỡ, chia sẻ với các em học sinh nghèo, trở thành những người “hành khất” cho học trò của mình”.
Không chỉ ở xã Ngọc Lâm, nhiều thầy, cô giáo đang công tác khắp các huyện vùng cao, biên giới như thầy Nguyễn Hồ Quang (Tây Sơn - Kỳ Sơn), cô Vi Thị Hiền (Nhôn Mai - Tương Dương), và cô Đinh Thị Hà (Châu Khê - Con Cuông)… đã thực hiện tốt vai trò kết nối các nhóm thiện nguyện với học trò nghèo. Việc làm này xuất phát từ cái tâm của những người “gieo chữ” trên vùng đất khó, là tấm lòng bao dung và thương yêu con trẻ, là niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp trồng người.
Ông Vi Văn Tuyến – Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm cho biết: “Nhờ sự nhiệt tình trong việc kết nối của các thầy, cô giáo, nhiều tổ chức, cá nhân và các nhóm thiện nguyện đã tìm đến chia sẻ khó khăn với bà con và học sinh nghèo trên địa bàn. Cán bộ và nhân dân xã Ngọc Lâm ghi nhận và biết ơn tấm lòng của các thầy, cô giáo đối với vùng đất còn nhiều khó khăn này”.