(Baonghean) … Ngày cuối tháng 9, chúng tôi về làng Trung Minh (xã Minh Sơn, Đô Lương) sau khi nhận được thông tin: lương y Nguyễn Trọng Phùng - người có tài chữa bệnh gan vừa hiến 1 tỷ đồng cho xóm làm đường giao thông nông thôn. Con đường liên thôn dài hơn 500m nối thôn Trung Minh và Thái Minh vừa được thi công hôm 16/9, khiến người dân ở vùng quê nghèo náo nức, phấn khởi, thầm cảm phục tấm lòng thơm thảo của vị lương y...

Chữ “Tâm” của người thầy thuốc

Con đường ngoằn ngoèo sau luỹ tre làng men theo chân đồi dẫn tới một xóm nhỏ với những ngôi nhà ngói cũ. Không cần hỏi, tôi cũng biết mình đã tìm đến đúng địa chỉ nhà của Lương y Nguyễn Trọng Phùng. Khách đông, chúng tôi phải chờ từ quá trưa sang chiều mới gặp được ông.

                              Lương y Nguyễn Trọng Phùng bắt mạch cho bệnh nhân.

Sinh năm 1934 trong một gia đình có nghề bốc thuốc gia truyền chuyên trị các loại bệnh về gan, lên 20 tuổi, Nguyễn Trọng Phùng được thân phụ truyền lại nghề bắt mạch cắt thuốc cứu người. “Nhà đông anh em, nhưng ông cụ chỉ truyền lại cho mình tôi. Làm nghề thầy thuốc ngoài khả năng trời phú, ngoài kinh nghiệm gia truyền thì cái chính là phải có đạo đức, lương tâm” – Ông Phùng cho biết thế. Trong phòng khám nhỏ khoảng chừng 10m2 không có một dụng cụ y tế nào, việc trị bệnh cứu người dường như chỉ có 5 ngón tay và cái Tâm của một lương y. Nghề chữa bệnh gan gia truyền đến ông Phùng là đời thứ tư, 60 năm làm nghề bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc cứu người, ông luôn tâm niệm một chữ “Đức”, lấy lời răn “lương y như từ mẫu” làm đầu. Với bất kỳ người bệnh nào ông cũng thăm khám rất tận tình, dặn dò chu đáo, động viên chân thành. Riêng đối với bệnh nhân nghèo, không chỉ khám bệnh và cắt thuốc miễn phí, ông còn ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc để hỏi thăm, thúc giục họ đến tái khám định kỳ. Nhiều bệnh nhân nghèo, già cả, không nơi nương tựa từ các tỉnh xa đến khám bệnh, ông cho tá túc ngay trong nhà, phục vụ cơm nước.

Trong phòng khám của Lương y Nguyễn Trọng Phùng có một tủ sách nhỏ đựng những cuốn sổ ghi chép đã úa màu, ghi tên những người bệnh đã đến khám và cắt thuốc. Những cuốn sổ bệnh án từ cách đây mấy chục năm ông vẫn giữ. Trong hàng ngàn bệnh nhân đã được ông cứu chữa, có nhiều vị quan chức cao cấp. Đặc biệt, có cả một vị Trung tướng, Ủy viên T.Ư Đảng NDCM Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào,…

Lương y Nguyễn Trọng Phùng chia sẻ: “Làm thầy thuốc phải giữ chữ tín, và phải sống nhân đức còn để phúc cho con cháu. Tôi có 12 đứa con, 9 trai, 3 gái, tôi vẫn quan niệm của cải của tôi là đó. Tiền bạc rồi cũng đến thế mà thôi. Tôi vẫn dạy các con tôi rằng làm thuốc chỉ để làm giàu là bất lương! Nghề bốc thuốc thì điều quan trọng nhất là bằng mọi giá cứu người trước đã”, ông tâm niệm.

Trong số 12 người con của Lương y Nguyễn Trọng Phùng chỉ có 2 người theo nghề bắt mạch kê đơn gia truyền này. Đó là con trai thứ Nguyễn Trọng Tạo, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y, và con trai út Nguyễn Trọng Chung, tốt nghiệp khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Hà Nội. “Là nghề gia truyền nhưng đòi hỏi phải có tri thức, phải am hiểu, nghề bắt mạch phải chính xác. Muốn vậy phải học, học một cách kiên trì. Thứ nữa, phải có lòng nhân ái, phải có cái “tâm” luôn sáng. Vậy nên, 12 người con, tôi chỉ có thể truyền nghề cho 2 đứa có đủ các yếu tố để trở thành một lương y”.

Nay đã cận kề tuổi 80 nhưng Lương y Nguyễn Trọng Phùng rất minh mẫn, hoạt bát, giờ thỉnh thoảng ông mới tham gia thăm khám bệnh cùng hai con.

Tấm lòng thơm thảo

Xã Minh Sơn (Đô Lương) nơi Lương y Nguyễn Trọng Phùng gắn bó là xã thuần nông, cuộc sống của người dân còn lắm khó khăn. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người dân chắt chiu lắm mới chỉ đủ ăn, nói chi đến chuyện đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở. Cố gắng lắm, những con đường liên thôn, liên xã chỉ đổ cấp phối một cách chắp vá. Con đường liên thôn nối xóm Thái Minh và xóm Trung Minh xưa nay lầy lội ngập úng khi mưa xuống, bụi bặm mùa Nam nóng gió Lào. Nhân dân trong vùng rất muốn được tu sửa con đường độc đạo giữa 2 xóm để đi lại cho đỡ vất vả, mùa về lại có chỗ mà phơi phong hạt lúa, củ khoai. Thế nhưng, nếu huy động sức dân thì “Ít nhất cũng phải mất 5 năm đóng góp. Xóm Thái Minh chúng tôi có 120 hộ thì có đến 21 hộ nghèo, các khoản phí khác đã oằn vai người dân rồi. Mùa mưa năm ngoái, đường sụt lún không đi lại được, các hộ dân chở đất, đá kè tạm, may có ông Phùng thuê xe chở mấy khối đá hộc về gia công, nếu không cũng đành chấp nhận...”, ông Nguyễn Trọng Tế - Bí thư kiêm xóm trưởng Thái Minh cho biết.

    Con đường liên thôn do ông Nguyễn Trọng Phùng đầu tư đang được thi công.

Thấu được tâm tư của hàng trăm người dân trên địa bàn, cũng là con đường hàng ngày con cháu ông đi qua về lại, ông muốn đầu tư một lần này cho kiên cố để hằng năm bà con không phải đóng góp sửa sang. Sau khi đã bàn bạc và lên kế hoạch làm việc với nhà thầu, ngày 16/9 ông Phùng đã cùng với cán bộ xóm tổ chức khởi công xây dựng mới con đường. Theo thiết kế, con đường liên thôn dài 500m, rộng 6m, đổ bê tông dày 20cm, hai bên có mương thoát nước có dự toán lên đến trên 1 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên đều do ông Phùng tài trợ. Số tiền đó là tích góp cả đời của ông. “Tôi làm nghề bốc thuốc đã gần 60 năm nay, cũng tích trữ được chút vốn liếng, nay con cái đã học hành đỗ đạt, tôi muốn được giúp bà con việc gì đó thật hữu ích! Khi đưa việc này ra bàn bạc, con cái đứa mô cũng đồng tình hưởng ứng nên cũng mát lòng, mát dạ.” Anh Nguyễn Trọng Chung, con trai út chia sẻ: “Nếu nói giàu thì gia đình tôi cũng chưa gọi là giàu, chỉ dư dả chút ít, số tiền đó là cả đời tích góp của cha. Con cái được ông nuôi khôn lớn, truyền lại nghề. Còn tiền của, ông làm việc thiện, việc có ích, có đức thì chúng tôi ủng hộ.” Đáng quy là, không chỉ bỏ của ra cho dân làm đường, ông và các con còn tìm nhà thầu và thường xuyên có mặt để tham gia giám sát thi công, vợ ông thì phục vụ nước nôi cho thợ.

 “Thương bệnh nhân nghèo, ông bốc thuốc chữa bệnh miễn phí. Thương người nghèo, ông hỗ trợ khi khó khăn.  Nay thương dân nghèo vất vả cơ cực vì đường lầy lội, bụi bặm, ông lại tự nguyện hiến cả tỷ đồng làm đường. Số tiền đó là mồ hôi, công sức của ông, là cả đời tích góp. Thật đáng trân trọng và cảm phục! Hành động đó của ông Phùng không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Người dân thấy ông bỏ ra cả tỷ đồng làm đường nên cũng sẵn sàng hiến đất, sẵn sàng bỏ công sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đó mới là điều đáng quý”, ông Nguyễn Đình Võ - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết.

Theo dự kiến, 2 tháng nữa con đường sẽ hoàn thành, thay cho đường đất lầy thụt, bụi bặm mấp mô sỏi đá trước kia. Người dân hai xóm Thái Minh và Trung Minh sẽ được đi trên con đường bê tông sạch sẽ, thoáng mát. Giao thông thuận lợi, rồi đây cuộc sống của người dân sẽ khá hơn, bộ mặt nông thôn của Minh Thành, ngày càng khởi sắc.

Thanh Phúc - Thanh Nga