(Baonghean) - Phóng viên trò chuyện với nhà báo Ngô Đức Chuyên - Trưởng phòng báo Điện tử, Báo Nghệ An, đồng tác giả đạt giải Nhất Giải Báo chí tỉnh Nghệ An năm 2014 với tác phẩm “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A”

- Xin chào nhà báo Ngô Đức Chuyên, trong không khí kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, lễ trao Giải Báo chí năm 2014 của tỉnh Nghệ An lại càng khích lệ, cổ vũ tinh thần của những người làm báo. Anh có thể chia sẻ một vài tâm sự từ quan điểm, góc nhìn của người trong nghề?

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất Giải Báo chí Nghệ An 2014

- Nhắc đến người làm báo, người ta thường nghĩ ngay đến một người có khả năng ngôn ngữ, viết lách nổi trội. Tất nhiên, đó là những đặc trưng nổi bật nhất, dễ “nhận diện” nhất của người làm báo. Nhưng thật ra, nghề báo đòi hỏi nhiều hơn là một cây viết đơn thuần. Cùng với sự phát triển liên tục của xã hội, những yêu cầu đặt ra cho nhà báo - những người mang nhiệm vụ là tiếng nói của thời đại - cũng có sự biển đổi, chuyển động không ngừng. Đó có thể là sự xông pha, dấn thân, liều lĩnh đối với phóng viên chiến trường; sự am hiểu, tinh thông về giới tài chính đối với phóng viên kinh tế; sự thông thạo trong sử dụng các thiết bị phần cứng và phần mềm chuyên dụng đối với phóng viên báo hình, báo điện tử;…

Nhưng có một điều tôi cho là “bất di bất dịch”, đó chính là sự cẩn trọng, chỉn chu, tỉ mỉ mà phóng viên trong bất cứ thời đại nào, không gian hay lĩnh vực nào cũng cần phải có. Yêu cầu ấy xuyên suốt toàn bộ quá trình tác nghiệp của phóng viên: từ tìm hiểu chủ đề, khai thác thông tin cho đến thực hiện và hoàn thiện tác phẩm. Để có được những tác phẩm “dày dặn” chất liệu và có chiều sâu, người phóng viên phải có ý thức trang bị, chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức về chủ đề, đề tài mà mình được giao trước khi tìm hiểu, khai thác thông tin ở cơ sở. Có những lần tôi không những phải viện đến sách vở, tài liệu, mạng internet, mà còn phải tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành, mới có thể hiểu đúng, đủ và sâu về bản chất của vấn đề. Khi nói chúng ta là người viết báo để định hướng dư luận, nếu bản thân chúng ta chưa hiểu đúng vấn đề, làm sao có thể hướng dư luận theo cái nhìn đúng đắn? Ngoài ra, chuẩn bị tốt và kiểm tra kỹ các trang thiết bị phục vụ cho tác nghiệp như máy ảnh, máy tính, máy ghi âm, thẻ nhớ,…cũng là tác phong mà người phóng viên phải có. 

- Một tác phẩm báo chí thành công là một tác phẩm tạo được hiệu ứng tốt đối với dư luận. Theo anh, người phóng viên cần phải làm gì để thiết lập được mối quan hệ tương tác với độc giả?

- Mối quan hệ giữa nhà báo - bạn đọc có đôi nét tương đồng với mối quan hệ cung - cầu. Bởi thông tin cũng là một loại nhu cầu quan trọng của xã hội. Trên quan điểm đó, người làm báo cần phải tự đặt ra và trả lời những câu hỏi sau: Độc giả muốn biết điều gì? Họ đang biết, đang nhìn thấy những gì? Họ cần phải biết và hiểu được điều gì? Muốn làm được như vậy, không có cách nào khác là phải đặt mình vào vị trí của người đọc, “hoá thân” vào vị trí, góc nhìn của họ để hiểu họ, trước khi muốn làm cho họ hiểu quan điểm, lập luận của mình. Việc “biến hoá” đa dạng về “vai diễn” của nhà báo đi lấy thông tin có thể được xem như một dạng kỹ năng tác nghiệp, bởi nó quyết định lượng thông tin mà chúng ta thu thập được làm chất liệu cho bài viết. Càng nhiều hướng tiếp cận, thông tin càng “đầy đặn” và sát sao với thực tế. Hoặc cũng có lúc đó là những thông tin đa chiều, đòi hỏi chúng ta phải có sự phân tích, đánh giá, sàng lọc, tổng hợp. Nhiều lúc tôi nghĩ người làm báo giống như đang chơi trò chơi ghép hình với vô số mảnh ghép ngổn ngang, tưởng chừng không liên quan đến nhau. Sắp xếp, kết nối những mảnh thông tin riêng rẽ đó thành một bài báo, một bức tranh đồng nhất mà ai nhìn vào cũng thấy quen thuộc, thấy đúng đắn. Đó chính là lúc người làm báo hoàn thành nhiệm vụ phản ánh xã hội, đồng nhất được cách nhìn nhận của người đọc vốn dĩ có sự phân hoá trong quan điểm. 

- Như vậy có thể nói, thành công của tác phẩm “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A” chính là sự kết hợp giữa những kỹ năng chuyên môn của phóng viên và sự hưởng ứng, tương tác của người đọc?

- Đúng nhưng chưa đủ. Bài báo là một bức tranh phối cảnh xã hội với nhiều chi tiết, và chính bản thân quá trình thực hiện nên bài báo cũng là một quy trình với nhiều công đoạn, nhiều người tham gia. Phóng viên chỉ là một mắt xích trong chuỗi “sản xuất” đó. Khởi nguồn từ ý tưởng, nhãn quan và định hướng của ban biên tập, phóng viên là người trực tiếp phụ trách phần nội dung rồi còn phải trải qua công đoạn “bếp núc” của thư ký toà soạn, qua bàn tay “tô điểm” của bộ phận kỹ thuật vi tính. Phải “mi” bài báo ra sao, chọn bức ảnh như thế nào để thu hút được sự quan tâm của người đọc…Tất cả đều là những công đoạn hết sức tỉ mẩn, làm nên thành công của một bài báo. Người ta vẫn thường gắn phóng viên với hình ảnh một người lữ hành đơn độc, nhưng thật ra đây lại là một công việc đòi hỏi tính tập thể cao. Cũng như trong bóng đá, người ta nhắc nhiều đến cầu thủ ghi bàn, nhưng chiến thắng là của chung, do công sức của tất cả mà ra. Thành công của tác phẩm “Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A” cũng vậy. Đó là một sản phẩm trí tuệ tập thể, mang dấu ấn chung của Báo Nghệ An và điều quan trọng nhất, chúng ta trân trọng không chỉ bởi đây là một tác phẩm đạt giải, mà bởi đây là “đứa con” tinh thần chung sinh ra từ tâm huyết của những người làm báo đảng!

- Xin cảm ơn nhà báo Ngô Đức Chuyên về cuộc trò chuyện này!

Thục Anh 

(Thực hiện)