(Baonghean) -Từ cương vị người đứng đầu chính quyền cấp xã, trong một lần vi phạm kỷ luật, đồng chí Ngô Xuân Nghĩa bị tổ chức phân công phụ trách công tác khuyến nông. Nhưng đồng chí vẫn vui vẻ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Sau hơn một năm theo dõi, nhận thấy ý chí vươn lên của đồng chí, tập thể Ban chấp hành đảng bộ, toàn thể đảng viên và nhân dân tiếp tục bầu đồng chí trở về vị trí cũ. Và đồng chí đã không phụ niềm tin ấy, cống hiến bằng cả tâm, sức cho quê hương. 
 
 
Đó là nhận xét trong báo cáo công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy xã Nghĩa Đồng - Tân Kỳ trình bày với Trung ương nhân khảo sát 30 năm xây dựng đảng cầm quyền mới đây. Điều gì đã khiến một cá nhân đã nỗ lực tỏa sáng sau khi bị án kỷ luật đã thôi thúc chúng tôi tìm về gặp ông...
 
images956512_1a.jpgÔng Ngô Xuân Nghĩa (giữa) tham quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở xóm 3, xã Nghĩa Đồng.
 
Một lần mất chức
 
Khi chúng tôi đến Nghĩa Đồng, cũng là lúc Chủ tịch xã Ngô Xuân Nghĩa đang tiếp một người dân lên “bắt đền” thú y xã tiêm phòng con nghé của ông và khiến nó bị liệt hai chân. Anh nông dân nói: “Con nghé của tôi 22 triệu đồng, giờ mổ thịt chỉ bán được giỏi nhất 14 triệu đồng”. Chủ tịch Nghĩa điện ngay cho cán bộ thú y, ông phê bình cán bộ thú y đã không kịp thời báo cáo cho xã, đồng thời yêu cầu cán bộ kiểm tra lại tình hình và có đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm quản lý lâu năm, nếu bắt cán bộ thú y xã bồi thường thì họ không có tiền mà sau này họ sẽ không dám tiêm nữa, nên ông đã quyết định nhanh là nhà nông bán thịt con nghé, đồng thời xã sẽ hỗ trợ một nửa, gia đình chịu một nửa để con nghé vẫn đạt giá trị 22 triệu đồng. Hướng giải quyết của chủ tịch xã nhanh, hợp tình hợp lý và người nông dân yên tâm ra về. Câu chuyện nhỏ đó cũng cho thấy ở vị trí chủ tịch xã - cấp sát dân, gần dân nhất thì chuyện gì người dân cũng tìm đến, đòi hỏi người cán bộ trước hết cũng phải hiểu biết nhiều lĩnh vực để giải quyết công việc thì mới có thời gian làm những việc lớn hơn.
 
Nghĩa Đồng là một xã đồng bằng của huyện Tân Kỳ nhưng không gần thị trấn, trước đây được gọi là “Nghĩa đong” bởi luôn luôn đói kém, đường sá đi lại khó khăn, lầy lội, phải “cưỡi trâu đi xin lửa”. Xã lớn nhưng nội bộ có lúc mất đoàn kết, huyện đánh giá là “Nghĩa Đồng như con voi quỳ”, tức là xã lớn nhưng không thể vực lên được, đưa cán bộ nào về mất cán bộ đó. Đồng ruộng khô hạn, diện tích lúa nước rất ít, giống cây, con nghèo nàn, đời sống người dân rất khó khăn. Trở về từ chiến trường, Ngô Xuân Nghĩa sau một thời gian tham gia hoạt động tại địa phương được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Ông đã cùng với người dân giải quyết nhanh nạn đói của Nghĩa Đồng bằng cách loại bỏ sản xuất lúa khô (lúa vãi trên đất khô) đồng thời cải tạo lại đồng ruộng, đón nước về để sản xuất lúa 2 vụ. Từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên, dần dần ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Hỏi ông về cái lần bị mất chức, phải xuống làm khuyến nông xã, ông cười: “Nếu như tôi không bị cái dớp đó, có lẽ không có duyên ở lại lâu với Nghĩa Đồng đến được ngày hôm nay”.
 
Trước đó, ông đã có kế hoạch điều chuyển về huyện làm việc nhưng bị phát hiện tham gia đánh bài. Nhưng nhiều người dân Nghĩa Đồng đã làm đơn xin cho ông. “Chủ tịch huyện Tân Kỳ lúc đó là ông Võ Viết Thanh đã đến hỏi thăm, đề xuất giữ nguyên Đảng cho tôi, nói tôi phải tiếp tục cố gắng còn kỷ luật thì vẫn phải kỷ luật” - ông Nghĩa chia sẻ. Lần đó, từ Chủ tịch UBND xã, ông bị kỷ luật, chuyển xuống làm khuyến nông xã. Ông vẫn say mê, lăn lộn với dân, đưa về cho bà con nhiều mô hình như nuôi lợn công nghiệp, trồng khoai tây, nuôi cá ruộng... Giá trị nông nghiệp 1 ha ở Nghĩa Đồng từ 43 triệu đồng đã nâng lên được 120 triệu đồng rồi 200 triệu đồng/ha. Cánh đồng nào ông Nghĩa cũng lội xuống cùng dân xây dựng mô hình, tháo gỡ khó khăn.  
 
Phong trào nông nghiệp ở Nghĩa Đồng khởi sắc. Một thời gian sau, đảng bộ và người dân tín nhiệm bầu ông trở lại làm Chủ tịch xã. “Nói thật là tôi rất cảm động trước tấm lòng của người dân Nghĩa Đồng và lãnh đạo cấp trên đã tin tưởng. Sau khi trở lại làm Chủ tịch xã, tôi càng cố gắng làm sao để đem lại được ấm no hạnh phúc cho nhân dân xã nhà. Trong công tác cán bộ, tôi cũng dày công bồi dưỡng thế hệ trẻ, hết sức nghiêm khắc và làm gương cho họ để họ kế thừa được truyền thống của xã”. - ông Nghĩa trải lòng.
 
Chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững
 
“Ở Nghĩa Đồng chỉ có thể làm nông nghiệp, nhưng tôi thấy không thể nào phát triển được nếu không kết hợp với chăn nuôi và đầu tư khoa học kỹ thuật. Nghĩa Đồng không có nhà máy, cơ sở công nghiệp. Chỉ có đất đai, vì vậy phải tổ chức đưa trang trại ra đồng, nuôi lợn, nuôi bò, trồng cỏ để đầu tư bài bản, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích; đồng thời bảo vệ môi trường. Nhưng nói thì dễ làm mới khó, phải động viên khuyến khích người dân bởi chăn nuôi không đơn giản khi phải chống chọi với dịch bệnh, đầu ra. Người dân còn phải ngủ tại trang trại để bảo vệ đàn gia súc của mình nên không chịu khó thì không thể làm được”, ông Nghĩa chia sẻ. Sau khi thống nhất trong Đảng ủy, xã dành quỹ đất 5% của xã và những diện tích đất hoang, chưa sản xuất khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư trang trại. Yêu cầu những hộ chăn nuôi phải nuôi ít nhất là một hộ 8 con bò, lợn thì vài chục con trở lên.
 
Xã quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đảm bảo điện, nước cho trang trại, đảm bảo cho trang trại ổn định. Xã cũng tạo điều kiện để các trang trại được vay vốn phát triển. Từng bước từng bước một, đến nay Nghĩa Đồng đã có nhiều cụm trang trại, mỗi trang trại có quy mô diện tích từ 05 đến 1 ha, chủ yếu nuôi bò hàng hóa, kết hợp với gia cầm. Xã đã bố trí chăn nuôi ngoài đồng ở các khu vực: bàu Lùng, cánh Ràn, cồn Động Am, kho Cuốn (hiện đã có 10 trang trại), xóm 9, khu vực Đông Đại Giang, khu vực Cồn Chùa... Xã cùng hỗ trợ cho các hộ về kinh phí học tập, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ theo nguồn kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ cho các hộ kinh phí xây dựng mô hình phát triển, ưu tiên cho các hộ khai thác đất 5% của xã. Đến nay Nghĩa Đồng đã đưa 25 trang trại ra đồng cho hiệu quả cao. Từ những cánh đồng trang trại, thu nhập đã đạt 200 triệu đồng/ha.
 
Nghĩa Đồng cũng tham gia trồng mía như các địa phương khác nhưng mía ở Nghĩa Đồng là mía ruộng. Có nghĩa là mía được ưu tiên trồng ở ruộng tốt và đầu tư thâm canh để có năng suất cao. Ông Nghĩa cho biết: Mấy năm trước mía là cây cho hiệu quả nhất bởi giá cao, năng suất mía đạt cao, người dân phấn khởi yên tâm với cây mía. Có thời điểm diện tích đạt 350 ha. 
 
Nghĩa Đồng còn nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Dâu tằm hiện nay là cây cho thu nhập bền vững nhất ở Nghĩa Đồng. Chị Phan Thị Phương ở xóm 6 cho biết: “Trồng dâu nuôi tằm vất vả nhưng không có cây gì hơn dâu tằm. Nhà tôi có 3 sào dâu, 12 nong tằm, một tháng thu hoạch được 48 kg kén, giá một kg kén hiện nay là 130.000 đồng, một tháng cho tôi thu nhập từ 4,8 đến 5 triệu đồng”. Còn gia đình anh Nguyễn Xuân Giáo ở xóm 3 Nghĩa Đồng, có 4 sào đất trồng dâu, anh chị nuôi 23 nong tằm, bình quân một tháng cho thu nhập 6 triệu đồng, đủ tiêu hàng ngày và nuôi con học đại học. Ông Nguyễn Xuân Giáo khẳng định: Người dân xóm 3 có thể làm được nhà đẹp từ trồng dâu nuôi tằm. Mỗi nhà bình quân có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, rồi còn trồng mía, chăn nuôi.
 
Chỉ cần tiết kiệm trong vài năm, các hộ đều làm được nhà cửa khang trang. Xóm 3 hiện có 60 hộ trồng dâu nuôi tằm, là xóm có kinh tế khá nhất xã. Cái hay là cả 60 hộ đó đều được xã dành cho diện tích đất 5% của xã để trồng dâu, còn đất được chia của các gia đình theo khẩu họ để trồng mía, trồng màu. Như vậy, đất đai được khai thác hiệu quả, không có đất hoang. Chị Đoàn Thị Toàn ở xóm 3, nhận xét: “Xã rất quan tâm đến bà con, từ đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, đường sá đi lại thuận lợi đến tạo điều kiện về đất sản xuất cho những hộ có điều kiện để họ phát triển. Nhà tôi cũng trồng dâu tằm trên đất 5% của xã, từ đó có thêm thu nhập, nuôi con ăn học và tiết kiệm là được nhà cửa đàng hoàng”. 
 
Mỗi xóm một đồng, mỗi nhà một thửa
 
Cánh đồng Dền thẳng cánh cò bay, con đường to rộng 8 m mới được đắp chạy thẳng xuyên giữa cánh đồng. Con đường hoàn toàn từ sức dân Nghĩa Đồng trong 3 ngày công với 3.600 mét khối đào đắp. Chủ tịch Ngô Xuân Nghĩa tâm đắc: “Sau này tôi xin nhân dân cho đặt tên con đường này là đường ông Nghĩa”. Như để giải thích, ông Nghĩa chỉ xuống mép bờ cũ còn lại chạy ngoằn nghèo bên dưới, ông nói: “Trước đây đường nhỏ, chạy cong queo. Để đưa được máy móc cơ giới hóa vào cánh đồng phục vụ cho tích tụ ruộng đất sau này, tôi đã đề xuất chủ trương mở đường to giữa đồng. Chủ trương được Đảng ủy nhất trí, Mặt trận vào cuộc huy động sức dân ra đào đắp trong nhiều ngày liền”. 
 
Ông Nghĩa khảo sát cánh đồng “mỗi nhà mỗi thửa” ở Nghĩa Đồng.
 
Xóm trưởng xóm 5a, 5b Hoàng Văn Lợi phấn khởi dẫn chúng tôi ra cánh đồng “Mỗi nhà một thửa” của Tân Kỳ. Mỗi thửa ở Tân Kỳ ít nhất là 1.200m2, rộng nhất là 1 mẫu, và mỗi nhà một thửa. Tôi ngạc nhiên là làm sao bà con lại có thể chấp nhận được một thửa trong khi nơi thì cao, nơi thì thấp? Xóm trưởng Hoàng Văn Lợi cho biết: Chủ trương chuyển đổi ruộng đất xã và xóm cũng đã quán triệt nhiều lần rồi, bà con đều đã biết nhưng chỉ lo lắng làm đường to giữa đồng thì diện tích sẽ thu hẹp lại thì sao, và làm sao để không còn ruộng cao, ruộng thấp, công bằng giữa ruộng tốt, ruộng xấu. Xóm cam kết sẽ đảm bảo diện tích cho họ bởi không còn bờ nhỏ, tiết kiệm thêm được ruộng. Đồng thời Mặt trận Tổ quốc xã huy động 8 tổ chức đoàn thể như Mặt trận, Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên... toàn bộ tập trung về đào đắp 3 ngày liên tục với 3.600 m3 và số nhân lực lên đến 1.700 người. Ai cũng náo nức ra đồng làm đường và cải tạo lại đồng ruộng đông như một ngày hội.
 
Mặc dù chỉ làm cho xóm 5a, 5b nhưng các hội viên ở nhiều xóm khác cũng đến tham gia theo chủ trương của xã. Xã còn đưa máy móc về san ủi mặt bằng. Giờ thì đường lớn đã mở thành công, mặt bằng cao múc xuống thành thấp, đồng ruộng cơ bản bằng phẳng, mỗi nhà chỉ một thửa. Để đảm bảo công bằng, xã chia ruộng tốt hơn thì diện tích nhỏ hơn, ruộng xấu hơn thì to hơn, vì vậy không ai tỵ nạnh. Ruộng nhà chị Cao Thị Liên xóm 5a bắt thăm được rộng 2.000m2 và không được tốt lắm, chị nói nhà chị phải đổ thêm mấy xe đất thịt nữa nhưng giờ lúa đã xanh lên, theo chị vụ sau đất nhuyễn hơn lúa sẽ rất tốt. Ruộng nhà anh Lợi xóm 5a được 1 mẫu do góp của mấy anh em lại để cùng nhau sản xuất bằng máy cho thuận lợi.
 
Thành công từ chuyển đổi ruộng đất có lẽ là “có một không hai” của Nghĩa Đồng đang được xã đúc rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Chủ tịch Ngô Xuân Nghĩa cho biết: “Tôi nghĩ chỉ mấy năm nữa nông dân Tân Kỳ sẽ sản xuất lúa theo phương thức tích tụ ruộng đất, nhiều nhà không có lao động sẽ nhường đất cho những gia đình có lao động, vì vậy tôi chủ trương “một nhà một thửa” để họ thỏa sức đầu tư máy móc, phân bón và thu hoạch, thuận tiện cho họ”. Anh Lợi cho biết, để chuyển đổi ruộng đất thành công ở xóm 5a, 5b thì không thể không nói đến vai trò của xã đã huy động người dân của cả xã đến làm liên tục trong 3 ngày. 
 
Bây giờ đây, Nghĩa Đồng đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu 2015 sẽ về đích nông thôn mới. Nghĩa Đồng không còn nhà tranh tre, thu nhập bình quân một hộ đã đạt trên 18 triệu đồng/người/năm. Xã đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung như: vùng trang trại ngoài đồng 100 ha, vùng mía 350 ha, vùng dâu tằm 80 ha, vùng đồng cỏ 100 ha, vùng lúa 350 ha. Công tác phát huy nội lực được làm rất tốt để đầu tư hạ tầng, đường và nhà văn hóa khang trang mà không hề có đơn thư. Năm 2012 và 2013 được tỉnh và huyện đầu tư 2.046 tấn xi măng, Nghĩa Đồng đã tận dụng hết và ra quân làm được trên 10 km đường bê tông và trên 100 cầu cống các loại giá trị trên 7 tỷ đồng chỉ trong gần 2 tháng. Năm 2014, xã cũng đã làm hết số xi măng tỉnh hỗ trợ trên 300 tấn. Nghĩa Đồng hiện đã có 35 km đường bê tông /tổng số 56 km đường của xã, 100% số xóm đạt làng văn hóa. Các nhà văn hóa xóm được đầu tư cũng một khuôn mẫu kích cỡ khang trang. Xã có 4 trường học đạt chuẩn quốc gia, một trường trung học cơ sở đang xây dựng thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Hằng năm số con em Nghĩa Đồng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng trên 100 em. 
 
Nói về Chủ tịch xã Ngô Xuân Nghĩa, ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phấn khởi: “Đồng chí Nghĩa là một lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng. Đồng chí đã cùng với Đảng ủy, các ban, ngành, đoàn thể đưa Nghĩa Đồng từ một xã bình thường của huyện trở thành một xã phát triển nhất của huyện Tân Kỳ, chuẩn bị về đích nông thôn mới. Trong những thành công hôm nay của Nghĩa Đồng đều có dấu ấn của đồng chí Nghĩa. Đồng chí được UBND tỉnh tặng Bằng khen Chủ tịch xã xuất sắc của tỉnh”. 
 
Hai mươi năm làm Chủ tịch xã, Ngô Xuân Nghĩa đã vực dậy Nghĩa Đồng, tạo được khí thế thi đua sôi nổi, lòng dân phấn khởi trong một cuộc sống mới với đời sống được nâng lên bằng những chính sách của Đảng, Nhà nước và sự sáng tạo ở cơ sở. 
 
Châu Lan