Với chiều dài 67,8 m, rộng 7,9m, tàu tuần tra Nhật cấp cho Cảnh sát biển Việt Nam có tầm hoạt động lên tới 3.200 hải lý.
Cấp thêm
Theo hãng tin Kyodo, trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội vào chiều 16/1, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã khẳng định sẽ hỗ trợ mạnh mẽ giúp nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam thông qua việc cấp thêm 6 tàu tuần tra cho Việt Nam.
Trong buổi gặp mặt báo chí tối cùng ngày, ông Kawamura Yasuhisa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết tổng trị giá 6 tàu tiếp theo Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam vào khoảng 38,5 tỉ yen Nhật, bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật dành cho Việt Nam.
Trước ông Abe đưa ra cam kết này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada cũng đã thông báo rằng, Nhật đã cung cấp 6 tàu đã qua sử dụng cho Việt Nam và trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo truyền thông Nhật Bản, những tàu nước này viện trợ cho Việt Nam thuộc lớp Teshio/Natsui đã qua sử dụng. Đối với các nước Malaysia, Indonesia, Philippines, từ lâu Nhật cũng đã cung cấp các trang, thiết bị và giúp đào tạo, huấn luyện nhân viên trên các lĩnh vực giao thông và cứu hộ trên biển. Năm 2007 Tokyo cũng đã viện trợ cho Jakarta 3 tàu tuần tiễu loại 27m.
Loại tàu mà chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Philippines có chiều dài khoảng 40m, lượng chiếm nước 180 tấn. Căn cứ vào các loại tàu tuần tiễu hiện có của Nhật, loại được chọn có thể là tàu tuần tiễu cỡ nhỏ PS thuộc lớp Mihashi/Raizan.
Còn Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam lớp tàu tuần tra cỡ trung bình PM lớp Teshio, được xây dựng vào những năm 80 và mang tên Teshio. Là một lớp tàu tuần tra cỡ trung bình 500 tấn dựa trên việc cải tiến thiết kế tàu Bihoro - là một lớp tàu tuần tra đã đóng một loạt 20 chiếc trong các năm 1974-1978.
Trong chiến lược phát triển, người Nhật hết sức tiết kiệm, thiết kế bên ngoài của lớp tàu này rất giống với các tàu quét mìn của bên Hải quân (tức là Lực lượng Phòng vệ Hàng hải JMSF - Japanese Maritime Self -Defense Force).
Kích thước chủ yếu của tàu PM lớp Teshio: Chiều dài 67,8 m, rộng 7,9m, mớn nước 4,4 m, lượng chiếm nước 630 tấn, trọng tải 526 tấn, động lực 2 động cơ diesel 3.000 CV, hai trục chân vịt, tốc độ 18 hải lý/h.
Tàu có tầm hoạt động 3.200 hải lý. Vũ khí chính là khẩu pháo 20mm loại JM61A1 (kiểu M61 Vulcan dùng chung cho Mỹ và NATO, 6 nòng, bắn tốc độ cao). Tàu có thể hoạt động với trang bị gồm 33 người.
Lực lượng hiện đại
Theo Nghị quyết 72/2014/QH13, Quốc hội dành riêng 4.500 tỷ đồng để đóng mới 7 tàu và mua sắm trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển.
Trong số đó, có 2 tàu tuần tra cỡ lớn 2.400 tấn (tàu DN-2000 số hiệu 8004 và 8005), 4 tàu tuần tra TT-400, 1 tàu vận tải đa năng tiếp dầu trên biển.
Điểm đáng chú ý trong quá trình đóng tàu tuần tra TT-400 là hiện nay Việt Nam (cụ thể ở đây là Nhà máy Z173) đã rút ngắn được thời gian thi công từ lúc đặt ky đến khi thử nghiệm xuống còn 6 tháng (thay vì 8 tháng đến 1 năm như trước kia).
Có được điều này là nhờ sự cải tiến các khâu bố trí sắp xếp sản xuất, cải tiến về công nghệ trong các chu trình đóng tàu và hoàn thiện tàu. Kết quả là hiện nay cả 4 tàu TT-400 đóng mới (mang số hiệu từ 4036 - 4039) đều đã được Nhà máy Z173 hạ thủy, thử nghiệm thành công và đưa vào biên chế chính thức cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Khác với 4 tàu TT-400 đầu tiên (số hiệu từ 4031 - 4034), các tàu số 6, 7, 8, 9 được đóng trên cơ sở thiết kế kỹ thuật của tàu TT-400 chiếc số 5 (4035 hiện thuộc biên chế Vùng 4 Cảnh sát biển) với một vài tính năng kỹ chiến thuật được thay đổi cho phù hợp đặc thù hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển.
Với việc hạ thủy thêm 4 tàu tuần tra TT-400, trong tương lai gần Cảnh sát biển Việt Nam sẽ sở hữu đến 9 tàu tuần tra hiện đại này, giúp tăng cường đáng kể năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Theo Baodatviet