(Baonghean) - Chuyện xảy ra cách đây vài tháng, nhưng mỗi khi nhắc lại, ông Vi Văn Minh, Chi hội trưởng Chi hội nông dân bản Mồng xã Cắm Muộn (Quế Phong) vẫn còn bức xúc. Ông bảo dân bản vốn thật thà, dễ tin nhưng cái chính cũng tại xã, tại huyện; Vì "cấp trên" mà ông cứ "thẹn" với bà con mãi.
...Sáng hôm đó, một cán bộ của Hội nông dân xã dẫn theo một tốp thanh niên đi xe máy đến gặp ban cán sự bản để "làm việc" với bà con. Một "cán bộ" nói giọng Bắc cho biết họ được cử về bản để hướng dẫn làm ảnh hội viên hội nông dân; đồng thời vận động bà con nhận giấy "Chứng nhận sản xuất - kinh doanh giỏi" của Hội Nông dân tỉnh. Vừa nói anh này vừa trưng mẫu giấy "chứng nhận" được lồng trong khung nhựa kích thước 30 x 45 cm, từa tựa như tấm bằng khen với đầy đủ tên cơ quan cấp, tên, nơi thường trú của người được cấp. Nhìn qua thấy trình bày, màu mè đẹp nên ít ai chú ý giấy chứng nhận nhưng không có con dấu và chữ ký của người có thẩm quyền. Thấy ông trưởng bản băn khoăn "Ở đây có đến gần 80% hộ nghèo nên hiếm hộ sản xuất - kinh doanh giỏi lắm" thì anh này mau miệng giải thích "cũng là động viên bà con thôi mà!". Nghe xuôi xuôi, lại có mặt ông cán bộ hội nông dân xã nên trưởng bản giao cho ông Minh tập hợp đông đủ bà con nghe "đoàn công tác" phổ biến.
Cũng theo lời anh trưởng đoàn thì bà con làm thẻ được miễn phí còn nhà nào cần "Giấy chứng nhận" đẹp như thế này thì lệ phí là 250 nghìn đồng. Nếu ai nộp nhiều hơn thì tất nhiên khung sẽ "hoành tráng" hơn. Bà con chuyền tay nhau khung kính có lồng "giấy chứng nhận" mẫu mà trầm trồ. Cái này mà treo trong nhà thì "oách" phải biết nhưng mất đến ngần ấy lệ phí thì...
Lúc đó, ông chi hội trưởng Hội Nông dân bản Mồng lại nghĩ: Mình nên vận động bà con nhận. Biết đâu lại tạo cú "hích" cho "phong trào" của hội. Vả lại, chẳng gì cũng có ông cán bộ xã bỏ công đem người ta về đây. Mà ông ấy bảo rồi, xã có công văn của huyện hẳn hoi chứ không phải chuyện thường. Nghĩ thế, ông nhằm vào những gia đình thuộc diện "kha khá" trong bản bảo họ làm. Thôi thì có tốn kém chút ít nhưng lại được cái danh. Đó là chưa nói đến chuyện "đoàn công tác" còn bỏ công ghi chép các "sự kiện lịch sử" của chi hội để làm "sổ vàng truyền thống" nữa. Phải nể chứ! Nghe lời chi hội trưởng, có tới một nửa số hộ ở bản Mồng đăng ký làm "Giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh giỏi". Tất nhiên trong số đó có không ít hộ thuộc diện nghèo và cũng tất nhiên, họ đâu phải là những người làm ăn giỏi của bản. Gần 1 tuần sau, ông chi hội trưởng được mời lên trụ sở xã nhận hộ bà con "giấy chứng nhận" đã đăng ký. Nhìn đống khung ảnh đến ngốt mắt, ông phải gọi mấy thanh niên đem xe máy mới chở về hết để phát cho bà con.
Không chỉ có xã Cắm Muộn ở Quế Phong, thời gian qua, một số xã khác cũng gặp cảnh tương tự. Sự việc được báo lên cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan. Khi kiểm tra lại người ta mới phát hiện ra rằng, không chỉ Hội Nông dân Quế Phong bị "hố" mà ngay cả một vài cá nhân của lãnh đạo hội cấp trên cũng mất cảnh giác. Theo một vị cán bộ huyện, Công ty TNHH Hoàng Anh có trụ sở ở tận ngoài Hà Nội chuyên sản xuất và kinh doanh thiết bị trường học nhưng lại “chăm lo” đến các phong trào sản xuất của hội nông dân.
Thực ra cách "làm tiền" kiểu trên không phải là mới. Cách đây vài ba năm ở nhiều xã của một tỉnh phía Bắc nhiều cựu chiến binh hồ hởi tập trung đến trụ sở xã để được làm "Giấy chứng nhận cựu chiến binh xuất sắc" . Nghe đến là hấp dẫn. Nhưng hấp dẫn hơn là dòng chữ hai bên trông như câu đối được in rất nổi bật "Sắt son với Tổ quốc - Nghĩa tình với đồng đội" do "Trung ương Hội Cựu chiến binh" cấp với dấu son cùng chữ ký của chủ tịch rành rành. Để nhận được tờ giấy chứng nhận đó mỗi CCB phải nộp 80 nghìn đồng. Nhưng hỡi ôi khi nhiều người chưa kịp treo lên vị trí trang trọng của nhà mình thì cơ quan chức năng phát hiện ra đây là trò làm giả của bọn lừa đảo. Giả từ con dấu cho đến chữ ký. Có điều khi phát hiện ra thì hàng nghìn CCB đã mất tiền oan, còn bọn lừa đảo đã cao chạy xa bay rồi.
Có một thực tế trong thời gian gần đây một số tổ chức (không hợp pháp hoặc hợp pháp) đang “nhắm” đến nông thôn nhất là vùng miền núi, rẻo cao để kinh doanh, tiếp thị thiếu đàng hoàng. Mới đây Báo Nghệ An phản ánh chuyện bán hàng đa cấp của hàng Amway ở xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) đang gây bức xúc trên địa bàn. Cũng cách đây chưa lâu, nhiều thầy cô giáo ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn phàn nàn về chuyện một trung tâm dạy trẻ em khuyết tật ở tận ngoài Hà Nội kéo nhau về các trường học thuộc huyện này để phục vụ ca hát và... quyên tiền từ thiện. Còn bà con nhiều thôn xóm ở các huyện như Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương... thì "đắng lòng" vì mua phải thuốc giá đắt gấp 2, gấp 3 khi được các đoàn về khám bệnh, bán thuốc.
Để làm ăn trót lọt, số đối tượng này có rất nhiều "chiêu" khác nhau. Tuy nhiên đều có điểm chung là họ đều tìm cách "thông qua" đoàn thể hoặc chính quyền địa phương để "dụ" bà con. Còn ý đồ của họ có thực hiện được hay không thì chắc chắn phụ thuộc vào ý thức cảnh giác cũng như bản lĩnh của những cán bộ có trách nhiệm ở địa phương.
Lê Thạch Vĩnh