Điều đó không có nghĩa rằng đội tuyển Anh chơi không xuất sắc ở giải đấu khó khăn và hấp dẫn bậc nhất thế giới này.

Không xuất sắc làm sao có thể đi một mạch từ vòng bảng tới trận chung kết mà chỉ để thủng lưới 2 bàn trong 2 trận cuối và ghi tới 11 bàn thắng, trong đó có trận thắng vang dội với tỷ số 2-0 trước đội tuyển Đức ở vòng 1/8 và 4-0 trước đội tuyển Ucraine ở vòng tứ kết. Chắc chắn Anh là đội bóng có hàng phòng ngự chắc chắn số 1 Euro 2020, là nơi trình diễn sáng chói của những cây làm bàn hàng đầu như Sterling (4 bàn), Kean (4 bàn), cùng với sự đột biến của những tài năng Shaw, Saka...

anh_12725093_1272021.jpgĐội tuyển Anh không thể mang Cúp vô địch về nhà như khát khao của cổ động viên Anh. Ảnh: vietnamnet

Nhưng để đi tới chiến thắng cuối cùng, chừng đó thành tích là chưa đủ khi trên băng ghế huấn luyện, các chiến lược gia chưa có bản lĩnh thực sự và dàn cầu thủ trẻ cũng còn quá non trước các đối thủ lão luyện. HLV Southgate tỏ ra bối rối trong việc lựa chọn nhân sự và thay người ở các thời điểm then chốt, nhất là trong 2 trận bán kết và chung kết. Việc liên tiếp trong 2 trận, ông cho Grealish vào sân cuối trận rồi lại thay ra, tương tự là Henderson trong trận chung kết đã chứng minh điều đó.

Chưa kể rất nhiều người ngạc nhiên khi các cầu thủ được giao sút phạt luân lưu cân não lại là các cầu thủ trẻ, nghĩa là phần thua đã được biết trước từ tính toán sai lầm của ban huấn luyện đội tuyển Anh.

Chúc mừng Italia với chiến thắng của tinh thần bản lĩnh và chiến thuật hợp lý. Ảnh: vietnamnet

Nhìn lại các kỳ Euro vừa qua, người hâm mộ cũng không khó để ngẫm ra rằng, người Anh từ lâu nay vốn “trẻ người, non dạ” trước các thời khắc quyết định. Khi còn là cầu thủ, chính Southgate là người mắc lỗi tai hại ở tình huống đá quả penalty cuối cùng ở Euro 1996 khiến đội Anh thất bại. Cách đây 9 năm là màn đá luân lưu tệ hại của Young và Cole trên đất Ucraine trước người Italia và lần này vẫn “chứng nào tật nấy” từ đôi chân của Sancho và Saka, khiến mọi việc cuối cùng lại đổ sông, đổ bể vô cùng đáng tiếc.

Trong bóng đá đỉnh cao có những điều kỳ lạ, bất thành văn, lâu nay vẫn diễn ra để rồi ai ai cũng thường xem đó như một quy luật, phải chấp nhận. Đó là việc rất, rất ít đội bóng có thể thắng 2 trận liên tiếp từ đá luân lưu 11m. Ở Euro 2020 này, điều đó được trả lời bằng việc Thụy Sỹ xuất sắc thắng Pháp từ chấm luân lưu ở vòng 1/8 nhưng lại vô cùng tệ khi đứng trước khung thành Tây Ban Nha ở vòng tứ kết. Đến lượt chính Tây Ban Nha trận tứ kết tự tin trước chấm 11m trận gặp Thụy Sỹ nhưng rồi thất bại thảm hại trước Italia ở trận bán kết. Ở Copa America 2021, Colombia thắng Preu trong loạt luân lưu cân não ở tứ kết, nhưng đến bán kết lại dở tệ trước khung thành Argentina và ngậm ngùi chấp nhận phải đá trận tranh hạng Ba sau đó.

Đan Mạch, đội bóng chơi ấn tượng nhất giải. Ảnh: Vietnamnet

Nhưng kỳ lạ là điều đó không dành cho đội bóng áo Thiên Thanh, khi họ thắng Tây Ban Nha và Anh đều trên chấm luân lưu định mệnh trong 2 trận liên tiếp để lên ngôi vua một cách không thể ngọt ngào hơn! Để rồi, người hâm mộ và báo chí lại được dịp chơi chữ để chuyển từ “Bóng đá đang trở về nhà” (It’s coming home) trở thành “Bóng đá đang trở về thành Rome” (It’s coming Rome).

Tất nhiên, để cuối cùng được tự tin đứng trước chấm đá phạt 11m, người Italia đã có một mạch hơn 30 trận thắng liên tiếp trước mọi đối thủ với niềm tin được “quy hoạch” và âm thầm thực hiện từ cách đây 3 năm trước, trong bối cảnh rất ít người nghĩ có thể làm được. Đã có một đội tuyển Italia tụt xuống đáy của sự thất vọng khi không lọt vào vòng chung kết World Cup 2018 ở Nga và ngay sau đó từ bàn tay của R. Mancini từng bước nhào nặn nên một hình ảnh khác cho đội tuyển.

Vẫn còn đó các cựu binh trong dàn hậu vệ lừng danh thế giới Chiellini, Bonucci… nhưng đội tuyển sẽ chơi với tinh thần tiến công rực lửa, áp đặt lối chơi với sự gắn kết của bộ 3 tiền vệ sáng giá bậc nhất thế giới hiện nay gồm Jorginho, Verratti và Barella. Yên tâm với hàng thủ, yên tâm với thủ môn Donnarumma và hàng tiền vệ cơ động, những chân sút như Chiesa, Insigne… thỏa sức tung hoành trước khung thành đối phương. Họ áp đặt thế trận nhưng không bao giờ vội vàng và luôn đủ nhân lực cho các tình huống chống phản công. Họ biến hóa, linh hoạt khi vây ráp đối thủ nhưng lại cũng vô cùng tinh nhạy khi bị ép ngược rồi chuyển trạng thái, sẵn sàng trừng phạt đối thủ mỗi khi có cơ hội.

Italia đã mang Cúp về nhà. Ảnh: Vietnamnet

Hơn ai hết, đội tuyển Italia sinh ra như là để vượt qua áp lực, từ tinh thần đoàn kết, từ ý chí vươn lên không ngừng. Hãy nhìn lại cách chơi của tiền vệ quan trọng bậc nhất Jorginho ở Chelsea và đội tuyển Italia (và cả hậu vệ biên Emerson) để thấy họ giống và khác nhau đến mức nào, nhất là khi họ chơi trong đội hình áo Thiên Thanh với tính chiến đấu và sự cống hiến vượt bậc.

Tất nhiên, không có đội bóng nào thực sự hoàn hảo, kể cả Italia vừa đoạt Cúp vàng ngay trên đất nhà của người Anh. Trường hợp Jorginho là ví dụ sinh động khi cầu thủ này bình tĩnh đến kỳ lạ trong lượt sút cuối cùng nhẹ nhõm như không để đóng dấu chấm hết cho đội chơi trên cơ Tây Ban Nha ở trận bán kết. Cũng cầu thủ này nhảy chân sáo như thường lệ trước khi đặt bóng nhẹ nhàng vào đúng góc phán đoán của thủ môn Pickford đội tuyển Anh, tưởng như đóng dấu chấm hết cơ hội vô địch của đội nhà khi đá loạt thứ 5 cuối cùng.

Lễ bế mạc đã diễn ra gọn nhẹ với thông điệp một châu Âu không biên giới. Ảnh: Vietnamnet

Nhưng khi người Italia gặp một tình huống sai sót và thiếu bản lĩnh thì người Anh lại còn tệ hơn khi tiếp tục sút hỏng ở loạt sút cuối cùng. Cú sút quá hiền của Saka càng tôn thêm tài năng của thủ môn Italia trước chấm phạt đền và giúp thiên hạ lại được dịp nói rằng, Dino Zoff và Buffon lại có thêm người kế nghiệp vĩ đại Donnarumma trong khung thành…

Đến thế thì không còn cách gì khác ngoài công nhận tâm phục, khẩu phục rằng, người Italia quả là hay mọi nhẽ, vừa hát hay, chơi chữ đáng nể và chơi bóng thì trên cả tuyệt vời, nhất là sau sự kiện mang Cúp vàng bóng đá châu lục từ sân nhà người Anh về trưng bày ở thành Rome cổ kính và quyến rũ...