Trong bàn nhậu, người ta vẫn thường nghe những câu nói quen thuộc như “uống vài chén say sao được”, “Yên tâm đi, tôi uống ít, còn lái tốt”. Trên thực tế dù chỉ có nồng độ cồn nhất định cũng đủ để “rượu lái người” chứ không còn là “người lái xe” nữa. Vậy đồ uống có cồn gây hại thế nào đối với tài xế?
Tăng hưng phấn, đi nhanh hơn
Sau khi uống rượu bia lái xe, tâm trạng con người có xu hướng chung là phấn khích, thăng hoa trong cảm xúc đi kèm sự dũng cảm tùy vào lượng cồn có trong cơ thể. Lúc này tài xế thường có xu hướng đi nhanh hơn, tự tin hơn, thậm chí có cả ảo giác mình như một tay đua thực thụ hay quái xế trên những bộ phim bom tấn. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn thảm khốc đằng sau những bữa tiệc vui vẻ.
Mất tập trung
Mặc dù kích thích sự hưng phấn của lái xe nhưng rượu bia cũng đồng thời làm giảm khả năng tập trung của họ. Lúc này tâm trí thường hoạt động không đúng cách mà chạy theo cảm xúc, lái xe khó kiểm soát tốc độ hay đi đúng làn được, tuân thủ luật lệ giao thông. Tùy mức độ “say” khả năng tập trung của tài xế bị ảnh hưởng nhất định, họ khó có thể tập trung vào nhiều chi tiết, tình huống trên đường khiến khả năng xử lý tình huống bị hạn chế, mất đi khả năng phán đoán tình huống vốn rất quan trọng mỗi khi lái xe.
Giảm tầm nhìn
Việc mất tập trung đến từ tâm trí nhưng cũng một phần ảnh hưởng bởi khả năng quan sát giảm sau khi uống rượu bia. Lúc này tài xế thường có cảm giác mọi thứ đều mờ ảo thậm chí không thể điều khiển mắt tập trung vào một điểm dẫn tới ảo giác, đưa tín hiệu sai lệch về bộ não. Biểu hiện rõ nhất là bạn không thể đi thẳng, duy trì đúng làn đường dẫn đến thường xuyên phải lấy lại lái hay phanh gấp.
Giảm phản xạ
Bên cạnh tâm trí, tầm nhìn ảnh hưởng, khả năng phản xạ của tài xế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nó không chỉ làm chậm thời gian phản xạ của tay, chân tác động đến việc điều khiển hướng lái và tốc độ của xe mà còn khiến nó hoạt động không đúng cánh. Những dấu hiệu rõ ràng nhất là khó đứng, đi thẳng thậm chí tra thìa vào ổ khóa. Trong khi lái xe việc tay chân hoạt động không đúng như “sai bảo” của bộ não dẫn đến nhiều hành động thừa thãi và nguy hiểm nhất là nhầm lẫn chân phanh với chân ga.