Khi mua Osmar, BHL SLNA hy vọng ngoại binh Brazil này cùng Olaha trở thành khẩu thần công 2 nòng kiểu Fagan và Stevens của Hải Phòng. Các ngoại binh sẽ vừa đá càn lướt, vừa có kỹ thuật cá nhân để tự tạo cơ hội, không chiến và sút xa tốt. Đây là lối đá mà các hậu vệ V-League rất ngại, nhất là những phút cuối của trận đấu, thể lực giảm sút.
Phương án “không Osmar”
Thực tình thì Osmar không phải là mẫu tiền đạo “chân gỗ” nhưng thuộc dạng kén bóng. Điểm mạnh của cầu thủ này là dốc bóng có tốc độ để vượt qua hậu vệ đối phương. Hàng tiền vệ SLNA phải kiến tạo các đường bóng vào các khoảng trống để ngoại binh này bứt tốc, tì đè đối thủ nhờ ưu thế thể hình, thể lực vượt trội.
Nhưng với việc tranh chấp khá quyết liệt ở khu vực giữa sân, Khắc Ngọc và các tiền vệ ít cho không gian, thời gian để có các đường chuyền dọn cỗ kiểu này. Khác Olaha, trung phong Osmar đá cắm, ít tham gia phòng ngự và lại không giỏi kiến tạo tình huống.
Ngoại binh Brazil này cũng không có kỹ thuật lôi kéo đội hình, tạo khoảng trống cho tuyến 2 băng lên bởi anh ta không khéo léo trong việc che chắn trong khu vực 16,5m. Khi SLNA đá đội hình 4-5-1, Olaha lùi sâu thì trung phong Osmar trở nên đơn độc và thường bị đối phương cướp bóng.
Với Tuấn Tài, SLNA chủ trương đá không có tiền đạo. Cả Tuấn Tài và Olaha đều lùi tham gia nhiệm vụ phòng ngự, chờ các đường chuyền của các tiền vệ vào khoảng trống sau lưng trung vệ đối phương.
Các trận đấu với SHB.Đà Nẵng tại Cúp quốc gia và V-League mới đây là những minh họa rõ nhất. Lượt đi, Khắc Ngọc từ sân nhà cũng đã có cú chuyền dài kiến tạo có điểm rơi cho Tuấn Tài ghi bàn. Sau đó từ cánh phải Xuân Thắng và Olaha cũng có đường căng ngang dọn cỗ cho đồng đội.
Tại vòng 11 V-League 2018, lần nữa Xuân Thắng có đường chuyền kiến tạo tương tự cho Văn Đức ghi bàn. Tiếp theo Tuấn Tài lại mớm bóng đúng đà di chuyển của Khắc Ngọc ghi bàn thắng tiếp theo cho SLNA.
Với lối đá “không Osmar” có vẻ như khu vực giữa sân đội bóng xứ Nghệ có thêm lớp phòng ngự. Hậu vệ đối phương không có mục tiêu kèm người cụ thể bởi Văn Đức, Tuấn Tài đều đá thấp. Miếng đánh này đã được tập luyện kỹ nên độ chính xác của các đường chuyền từ hàng tiền vệ ngày càng tăng, đúng với đà băng xuống của các đồng đội.
Không chiến
Với chiều cao trên 1,80m thì Osmar vẫn có tác dụng khi SLNA cần bàn thắng, thời gian thi đấu không còn nhiều. Khi đó bóng sẽ được nhồi vào vị trí 2 ngoại binh Osmar và Olaha. Hoặc khi cần phá lối chơi của đối phương, ngoại binh này sẽ được vào sân thi đấu theo kiểu “tấn công, không ghi bàn”.
Với thể hình, thể lực vượt trội thì ngoại binh này sẽ gây khó khăn cho đối thủ bằng những pha tăng tốc phá sức đối phương.
Bất luận trường hợp nào cũng phải dành lời khen ngợi cho Tuấn Tài, đã biết tận dụng khoảng thời gian Osmar dưỡng thương để khẳng định mình. Đây là điều mà nhiều năm nay rất ít tiền đạo nội của SLNA làm được. Còn câu hỏi vị trí của Osmar ở đâu, khi lượt về diễn ra, sẽ dành cho HLV Đức Thắng.