(Baonghean) - Thực trạng các cửa hàng băng đĩa vắng khách hoặc bỗng đóng cửa được lý giải do các đĩa gốc có giá đắt mà cả đĩa sao chép, in sang lậu đang bị "đè bẹp" bởi "đối thủ" mới là mạng internet - nơi có thể tải về miễn phí các thể loại nhạc, phim ảnh.
Ngày càng có nhiều trang web mới xuất hiện để phục vụ nhu cầu “nghệ thuật miễn phí” cho công chúng. Không ít trang web cá nhân cũng thường nhanh tay đưa lên mạng xã hội các thông tin cập nhật mới nhất về sản phẩm nghệ thuật. Đó là lý do chính khiến thị trường băng đĩa sao chép lậu và cả thị trường băng đĩa gốc có dán tem nhãn kiểm soát bị thu hẹp, thậm chí teo tóp.
Có mặt tại một sạp hàng băng, đĩa số 67, đường Hồ Tùng Mậu (TP.Vinh) - nơi cách đây chừng 5 - 6 năm, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, người người chen chân mua đĩa nhạc, có ngày chủ quán thu hàng chục triệu đồng từ nguồn băng đĩa, lãi gần một nửa trong số đó. Ấy là thời kỳ hoàng kim của hàng băng đĩa, trên thành phố Vinh có tới hàng trăm quầy hàng in sao.
Nay đã gần đến Tết Nguyên đán 2017, hàng băng đĩa vẫn đìu hiu vắng vẻ, thi thoảng mới có vài bác tài xế vào hỏi mua vài cái đĩa lậu. Chủ quầy cho biết: “Năm nay chúng tôi không nhập đĩa gốc mới, chỉ bày bán những đĩa tồn, có khi cả tuần chả bán được cái đĩa gốc nào... Đang tính sang năm mới chuyển đổi kinh doanh. Chứ bán đĩa nhạc ế ẩm thế này thì không đủ trả tiền thuê ốt”.
Thành phố Vinh trước đây được xem là “kinh đô” của mặt hàng băng đĩa, ngay dọc đường Ngư Hải đã có hàng chục quầy băng đĩa lớn nhỏ. Dạo đó, ngay cả những sạp hàng nhỏ nhất với các dịch vụ thu, sao đĩa đã có thể nuôi sống cả gia đình. Nhưng bây giờ những quán hàng đó đã nhường chỗ cho những ốt cầm đồ, sơn sửa xe.
Anh Nguyễn Xuân Thắng - một chủ hiệu băng đĩa trước đây cho biết: “Trước đây cửa hàng tôi có tới hơn chục ngàn đĩa nhạc, chủ yếu là những dòng đĩa xịn, và dân chơi nhạc thường đến tìm tôi mỗi khi có đĩa mới trên thị trường, vậy mà giờ phải dẹp hết. Lúc tôi nhượng quán cũng chỉ bán tống, bán tháo. Thế cũng còn may, có người khi giải thể quán chỉ biết đem về nghe hoặc cho anh em họ hàng...”.
Ở các huyện như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc trước đây các quầy hàng băng đĩa nhạc “nở rộ”, nhưng nay tuyệt nhiên không thấy bày bán. Anh Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Nguyên cho biết: “Ngày đó mặt hàng băng đĩa đang thịnh nên người dân kinh doanh băng đĩa thu lãi khủng.
Thế nhưng mấy năm nay trên địa bàn còn rất ít người kinh doanh mặt hàng này, đặc biệt đĩa gốc hầu như không có. Nhiều khi chính chúng tôi muốn mua để về nghe cũng phải xuống Vinh, mà cũng hiếm lắm mới có nơi bán”.
Anh Nguyễn Trung Thành ở phường Hưng Bình (TP. Vinh) cho biết: “Tôi rất nghiền các đĩa nhạc trữ tình và rất muốn mua đĩa gốc, thứ nhất là chất lượng âm thanh, thứ nữa là đĩa gốc mình lưu trữ được lâu hơn, nhưng hiện nay việc tìm đĩa gốc rất khó khi càng ngày càng có ít người tham gia kinh doanh mặt hàng này. Và việc mua đĩa nhạc trước đây chỉ cần ra ngõ thì nay tôi phải lặn lội ra tận Hà Nội”.
Mặt khác, tại các chợ đầu mối người ta vẫn thấy có những sạp hàng kinh doanh đĩa lậu, băng đĩa có nội dung thiếu lành mạnh. Giá mỗi chiếc đĩa DVD, VCD bản quyền 40.000 - 120.000 đồng; song trong các cửa hàng hầu hết bán đĩa lậu, chỉ có giá trung bình 20.000 đồng, đĩa rẻ 5.000-10.000 đồng. Băng, đĩa lậu, khách mua về chỉ xem được vài ba lần hoặc không xem được.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Trước đây mỗi năm 2 lần, vào đợt hè và giáp Tết Nguyên đán, thanh tra ngành Văn hóa kiểm tra hoạt động của các cửa hàng băng, đĩa. Sau mỗi lần kiểm tra như thế, có tới 90% số lượng đĩa của bị phát hiện in sao lậu.
Hiện nay, cơ chế mới cho phép các cơ sở được phép khai thác phim ảnh, âm nhạc, tự phát hành nhưng phải theo quy định pháp luật. Công nghệ sao chép, nguồn cung vô cùng phong phú, nên các chủ đại lý tự khai thác mà không phải chịu chi phí bản quyền. Bởi vậy, cùng với việc kinh doanh đĩa lậu, các cửa hàng đang tự đánh mất khách".
Thanh Nga