(Baonghean)- Hôm rồi về quê, gặp chú em tốt nghiệp đại học đã 2 năm nhưng chưa có việc làm, ở nhà ngồi không, gặp nhau chỉ thấy than thở, chuyện trò một lúc thì thấy chú em trách đời, trách xã hội, trách người thân, kiểu như không ai trọng người tài, dụng người tài. Tự nhiên thấy buồn vô hạn. Nói thật, buồn cho xã hội thì ít, mà buồn cho chú em thì nhiều.

Ảnh Internet.
Từ học đến hành. Ảnh Internet.

Ở ta, lâu nay quả vẫn có không ít người có tư tưởng tưởng học xong đại học thì coi như mình đã nghiễm nhiên đứng vào hàng ngũ… người tài, nhân tài. Mà nếu cầm được bằng giỏi thì có khi còn nghĩ đến chuyện không ai bằng mình. Còn nếu là thạc sĩ, tiến sĩ thì… khỏi phải nói về cái độ tự phụ. Thế nên, không ít người hễ gặp khó trong công việc sau khi ra trường là sẵn ngay câu cửa miệng: xã hội không trọng người tài, quê hương không biết dùng người tài. Có khi còn nống lên rằng thời nay người tài không có chỗ.

Trong khuôn khổ bài viết này, khó mà nói hết nhẽ thế nào là người tài. Nhưng trộm nghĩ, chỉ là học xong tấm bằng, đơn thuần về mặt có bằng cấp, mà nghĩ rằng mình là người tài thì chắc hẳn khó mà thuyết phục. Bởi dù sao, đó mới thuần túy là những chương trình được học và học được. Tức là cái phần cá nhân anh được thâu nạp kiến thức. Hiểu nôm na tức là đang thâu nhận kiến thức của người khác, từ thầy cô, trường lớp, từ hoạt động nghiên cứu theo nhiều tính chất, môi trường, mức độ. Có thể có những thử nghiệm, thí nghiệm… và có những kết quả ban đầu nhất định.

Dù sao, đó vẫn là phần tiếp nhận và tiếp thu cơ bản về lý thuyết, mô phỏng về thực hành hoặc bước đầu tiếp cận và làm quen với các phương pháp thực hành, thực nghiệm. Còn, mới chỉ cầm tấm bằng mà nhận rằng mình là người tài, nhân tài, e rằng quan niệm này có phần cũ kỹ, lỗi thời, nhầm lẫn với quan niệm nhân tài, người tài ở thời nảo thời nào, chứ không hẳn của thời nay.

Chính vì ngộ nhận có bằng cấp là thuộc về lớp người tài, nhân tài, nên có không ít người chỉ chăm chắm nhìn vào các chương trình thu hút, cầm tấm bằng là ngồi chờ đợi. Có không ít người ảo tưởng đến mức không chịu tham gia bất cứ cơ hội thử thách việc làm nào, mà cứ  bó mình về ăn bám gia đình, quanh quẩn một số công việc lao động phổ thông qua ngày đoạn tháng với ý nghĩ hết sức “lạc quan tếu”: náu mình chờ thời.

Kỳ thực, từ Đông sang Tây, thời nào mà chả vậy, bằng cấp chỉ là chứng nhận pháp quy về một chương trình đào tạo cho cá nhân nào đó đã tham gia, trải qua và đã hội đủ điều kiện được công nhận hoàn thành chương trình và vượt qua các phần thi cử đề ra theo quy định. Còn nhân tài, người tài phải là người mang sở trường, sở học của mình thi triển trong lý luận hoặc thực tiễn và đem lại hiệu quả tốt đẹp, có ảnh hưởng, được thừa nhận trong phạm vi không gian và thời gian nhất định.

Hiểu một cách đơn giản thì người tài là người có công trình, có sản phẩm nghiên cứu hoặc thực hành có giá trị, có sức lan tỏa, được thừa nhận, ghi nhận. Còn khi một cá nhân nào đó mới chỉ hoàn thành một bậc học, cho dù đó là đại học hoặc cao hơn, mà chưa để lại dấu ấn giá trị đáng kể về trí tuệ, về sức lao động, về lý luận hoặc thực tiễn, mà tự nhận mình là người tài, thì đó đích thực là một sự ngộ nhận.

Từ người tham gia quản lý xã hội, quản lý cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động, cho đến người lao động, cần nhận biết đâu là người tài, và đâu là ngộ nhận người tài, để từ đó có cách sử dụng hợp lý. Đặc biệt, các cá nhân cần tránh ngộ nhận nhân tài để rồi có tâm lý trông chờ, ỷ lại, vừa làm lãng phí nguồn lực lao động cho xã hội, vừa trở thành gành nặng cho xã hội, cho gia đình và chính bản thân mình.

Tôi cho rằng trường hợp chú em cùng quê mới chỉ tốt nghiệp đại học mà tự nhận mình là người tài, thì đó rõ ràng là ngộ nhận. Điều tai hại là vì ngộ nhận người tài nên không chịu khó tìm kiếm cơ hội, không chấp nhận mạo hiểm để tham gia các thử thách về công việc, mà cứ “há miệng chờ sung”.

Đây thực sự là một trong những quan niệm lệch lạc cần xóa bỏ để những người sau khi học xong các bậc học có ý thức đúng về cơ hội lao động việc làm, không trở thành người thừa trong gia đình, trong xã hội.

Đức Dương

TIN LIÊN QUAN