(Baonghean) - Tiện đường đi công tác, mình ghé vào Thanh Hoa, xã Thanh Sơn (Thanh Chương) thăm ông già người Khơ mú có lần mời mình đến nhà ăn cơm. Ông cụ thoáng buồn khi biết mình vừa đi vào lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ: “Bản ta có mấy người bán nhà bỏ về trên nớ rồi đó. Nhiều nhà hắn khoá cửa để đó, về quê làm ăn. Ở đây đất không có mấy, trồng sắn 2 năm thì hết ra củ, trồng keo thì phải 5, 6 năm mới có ăn. Hắn trồng đó rồi đi làm công, làm ăn, lâu lâu hắn về chăm. Con nít theo bố mẹ, lên đó không được đi học. Ngày xưa bản Kim Đa nhà sàn thành tầng, thành lớp như ruộng bậc thang. Trồng cây không cần chăm cũng ra quả, ra suối bắt con cá không lo đói. Về đây cái đất hắn xấu, trồng dừa hắn cũng không mọc...”.
Bà vợ ngồi trên ghế con bỏm bẻm nhai trầu, nghe chồng nói chuyện. Hai vợ chồng già trong căn nhà nửa sàn nửa bê-tông trông buồn thiu như đôi chim rừng bị nhốt trong lồng.
Vẩn vơ nghĩ về những người trở về Tương Dương sau mấy năm trời được vận động đi tái định cư, không biết họ có cảm tưởng gì khi về lại mảnh đất bao đời gắn bó? Ngọn núi, con khe và những làng bản với những nếp nhà sàn xinh giờ đã trầm mình dưới lòng hồ mênh mang phẳng lặng. Có khi nào họ áp tai bên mạn thuyền để nghe tiếng sóng nước vọng về từ tầng kí ức đã hoá cổ xưa? Chắc là mình cả nghĩ đấy thôi! Ông cụ chẳng đã nói người bản về lại Tương Dương để làm ăn đó sao? Cái đói, nghèo đã dẫn họ về lại nơi chốn cũ hơn là nỗi nhớ nhung, lưu luyến. Họ tìm về đó theo một thói quen, một bản năng hình thành nên sau bao đời như những con chim đến mùa tự tìm đường bay về phương Nam tránh rét.
Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: Tại sao người ta lại đưa những người dân tộc Thái, Khơ mú ấy đi tái định cư ở một nơi mà cả thổ nhưỡng, khí hậu, tập tục canh tác sản xuất đều xa lạ với họ? Tại sao qua ngần ấy năm trời mà vấn đề cấp đất canh tác vẫn chưa ổn thoả, người đến trước được nhiều, người đến sau được ít? Kết lại, tại sao những người tái định cư chưa ổn định được cuộc sống mà phải lang thang vạ vật trên chính mảnh đất cố hương của mình?
Kết quả, tình trạng di cư tự do khiến chính quyền gặp khó khăn trong việc kiểm soát, thống kê. Điều này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chính sách, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho tệ nạn xã hội phát triển. Một hệ quả khác là sự mai một của những phong tục, tập quán riêng của người Thái và người Khơ mú do 2 lý do. Thứ 1, do bị ảnh hưởng bởi văn hoá của người Kinh khi tiếp xúc và sinh sống cùng người Kinh. Thứ 2, do kinh tế khó khăn nên người dân xao nhãng việc sinh hoạt văn hoá truyền thống. “Có thực mới vực được đạo”, không có gạo ăn, tiền tiêu nên phải lo làm lụng, thời giờ đâu mà duy trì những nét văn hoá cồng chiêng, rượu cần?
Tất nhiên dưới cái nhìn của một bộ phận bà con thì việc “Kinh hoá” như một sự tiến bộ tất yếu đáng hoan nghênh. Đàn bà con gái không còn miệt mài dệt áo, dệt váy hàng tháng trời mà mua quần áo người Kinh may sẵn, tiện lợi mà “hợp thời”?! Nhưng vẫn có những người Thái nhớ tiếc nếp nhà sàn gỗ nơi bản cũ làng xưa, những người Khơ mú buồn vì cặp chiêng trống - mái nay lẻ bạn. Bao trùm lên nỗi nhớ, niềm thương đó là những băn khoăn về cái đói, cái nghèo trên vùng đất mới. Tái định cư, có nghĩa là một lần nữa ổn định cuộc sống, nhưng xem chừng “nhúng” mãi mà vẫn “sống” chứ chưa thấy “tái”?
Tái định cư: Đã “tái” hay chưa?
Hải Triều