(Baonghean) - Cuối năm 2013, Báo Nghệ An đã có loạt bài “Cuộc vận động hay kinh doanh trá hình”, phản ánh về việc Công ty Rồng Vàng thông qua Hội phụ nữ các cấp, dưới danh nghĩa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để bán sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân. Loạt bài đã vạch rõ những mập mờ về chất lượng cũng như cách thức sản xuất, kinh doanh của Công ty Rồng Vàng. Sau bài viết đó, các cấp hội phụ nữ đã dừng việc triển khai bán sữa đậu nành cho hội viên. Sự việc những tưởng sẽ dừng lại ở đó, nhưng sau gần 2 năm, sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân lại “tái xuất” tại Nghệ An và lần này là thông qua “kênh phân phối” Hội Cựu chiến binh.
Đăng ký mua vì phong trào!
Cựu chiến binh H ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) là người đầu tiên phản ánh cho chúng tôi về thông tin này. Tìm đến nhà ông, ông đưa cho chúng tôi xem hộp sữa đậu nành được đóng trong hộp nhựa, có ghi là sữa đậu nành Vạn Xuân. Mẫu hộp khác với sản phẩm của 2 năm trước, mỗi hộp chứa 800 gam và được bán với giá 150.000 đồng. Cựu chiến binh H cho rằng: “Chúng tôi không quá quan trọng giá cả, chỉ cần chất lượng sản phẩm. Tôi cũng chưa sử dụng nên chẳng biết có ngon hay không, nhưng tối qua con gái đi làm về thấy hộp sữa trong nhà liền bảo: Bố phải cảnh giác. Sữa này báo chí viết nhiều rồi, con thấy không yên tâm lắm!…”. Vợ của ông cũng đưa cho chúng tôi xem một hộp sữa cùng nhãn hiệu nhưng lại có mẫu mã khác, rồi bảo: Hộp sữa này có trong nhà tôi 7, 8 năm rồi, ngày ấy chị gái làm ở bên phụ nữ mua cho. Tôi cũng thắc mắc tại sao sữa này đã có từ lâu nhưng chẳng thấy chợ hoặc siêu thị nào bán.
Cùng với cựu chiến binh H tìm đến nhà Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khối, chúng tôi được ông Chi hội trưởng cho biết: Ngày 4/7 vừa qua, ông và hơn 300 chi hội trưởng hội cựu chiến binh của các khối, xóm trong toàn thành phố được mời dự hội nghị hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm Sữa thực vật đậu nành Vạn Xuân của Công ty Rồng Vàng tại khách sạn Mường Thanh.
Trước đó, ông cũng đã nhận được Công văn số 68/CV - CCB của Hội Cựu chiến binh Thành phố Vinh gửi cựu chiến binh cơ sở phường, xã để phối hợp thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công văn có nội dung “tổ chức đăng ký mua sản phẩm theo hợp đồng của công ty”. Ông Chi hội trưởng nói: Chúng tôi thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, do Bộ Chính trị phát động, sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân lại được giới thiệu là do một cựu chiến binh, hiện đang là Chủ tịch Hội Doanh nhân, Hội Cựu chiến binh Hà Nội làm giám đốc nên rất tin tưởng. Chi hội chúng tôi đã lấy 1 thùng (15 hộp) về động viên các anh em trong chi hội mua.
Làm việc với ông Nhữ Sỹ Khang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Vinh, ông cho biết: Đơn vị đã phát hành văn bản trên. Tuy nhiên, là để thực hiện theo Công văn số 62/CV – CCB ngày 11/6/2015 của BCH Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Trong Công văn này có đoạn viết: “Thực hiện Công văn số 479/CV-CCB của Trung ương Hội CCB Việt Nam, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong toàn Tỉnh hội, Hội CCB tỉnh và Công ty Rồng Vàng Việt Nam do CCB Đoàn Quốc Thái làm Tổng giám đốc, thuộc Hội Doanh nhân CCB Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức chương trình tuyên truyền, vận động CCB trong tỉnh thực hiện cuộc vận động…”.
Tìm hiểu cũng được biết ngày 27/5/2015, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh, Công ty Rồng Vàng đã đề nghị và được Hội CCB tỉnh Nghệ An nhất trí phối hợp thực hiện kế hoạch, chương trình tuyên truyền, vận động CCB tham gia thực hiện cuộc vận động” và đã được thông qua. Hiện đã gần 1 tuần triển khai thực hiện công văn, và theo ông Nhữ Sỹ Khang thì 21/23 hội cựu chiến binh các phường, xã với gần 400 chi hội cơ sở đã nhận sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân về để tiêu thụ. Với trung bình 1 chi hội 1 thùng (15 hộp) thì tổng số hộp sữa phát ra là gần 6.000 hộp.
Thành phố Vinh không phải là đơn vị đầu tiên triển khai chương trình này. Trước đó, Công ty Rồng Vàng cũng đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên… tổ chức hội nghị và đem sản phẩm về cơ sở.
Là đơn vị thực hiện đầu tiên từ giữa tháng 5, sau hơn 1 tháng triển khai ông Nguyễn Huy Hướng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn chia sẻ rằng: Trên toàn huyện, ngoài 3 xã Nam Thanh, Nam Anh, Nam Kim tiêu thụ chậm thì các xã khác bán khá ổn. Cũng theo ông Hạnh, một trong những nguyên nhân khiến các hội viên e ngại với sản phẩm này bởi: Giá hơi đắt so với thu nhập chung; một số hội viên lo ngại vì trước đây chất lượng sản phẩm không tốt… Còn tại huyện Hưng Nguyên, dù công ty đã chở 3 xe sữa Vạn Xuân xuống cho hơn 300 chi hội nhưng ông Nguyễn Đình Hương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện cho rằng, một số hội viên nghi ngại chất lượng sản phẩm và giá cả...
Có vi phạm luật?
Thực ra, không phải đợi đến sau năm 2009, thời điểm Ủy ban MTTQ Việt Nam ban hành Kế hoạch số 18 về việc tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân mới xuất hiện ở Nghệ An. Trước đó, năm 2006, sản phẩm này đã xuất hiện thông qua Hội Phụ nữ các cấp và từng được quảng cáo rất “kêu”: “Trẻ mãi không già - Nhất đẳng sơn hà” và “Sản phẩm từng được “đón nhận nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu và Huy chương Vàng, Cúp Vàng, Siêu Cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững…”.
Sau gần 10 năm, sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân đã có một số thay đổi về mẫu mã sản phẩm, như từ hộp nhựa cao, đường kính nhỏ chuyển sang hộp nhựa thấp, đường kính lớn hơn, màu sắc của hộp từ đỏ chuyển sang trắng... các dòng quảng cáo cũng “khiêm tốn” đi nhiều. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi là: sản phẩm này không tồn tại trên thị trường bán lẻ và phải tiếp cận với người tiêu dùng khắp cả nước thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, thậm chí là qua các trường học (như ở tỉnh Bắc Giang). Từ năm 2010, sau khi có Kế hoạch số 18 của Ủy ban MTTQ Việt Nam, hình thức kinh doanh này còn được “khoác” thêm cái mác là hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ đó đến nay, sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân đã 3 lần xuất hiện ở Nghệ An dưới danh nghĩa này. Lần đầu tiên là vào năm 2012, thông qua MTTQ các cấp, lần thứ hai là vào năm 2013, thông qua các cấp hội phụ nữ và lần thứ 3, tháng 7/2015, thông qua các cấp hội cựu chiến binh. Như vậy, tính cả những năm 2006 thì sản phẩm này đã 4 lần xuất hiện ở Nghệ An.
Trong cả 4 lần đó, sản phẩm này đến tay người tiêu dùng là hội viên các tổ chức đoàn thể theo một quy trình: tổ chức hội nghị, hội thảo quảng cáo ở các huyện, thành, thị, đưa hàng xuống các hội cơ sở để các hội cơ sở đưa về các chi hội. Điều đáng nói là, sau vài tháng thực hiện quy trình này ở các huyện, thành, thị, công ty rút đi và “mất tích” luôn. Nếu người tiêu dùng có nhu cầu mua thêm sản phẩm cũng không biết mua ở đâu, vì sản phẩm không có ở thị trường bán lẻ, không có đại lý phân phối. Thế nên, dù núp dưới danh nghĩa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng cách thức kinh doanh sản phẩm không khác gì cách thức kinh doanh một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe như thực phẩm chức năng, máy lọc nước, khử độc… mang tính “chụp giật” đã nhiều lần bị báo chí vạch trần trong thời gian qua.
Mặt khác, nếu xem xét các văn bản như Thông báo số 264 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 18 của Ủy ban MTTQ Việt Nam về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hay Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì nhiệm vụ chính của cuộc vận động là tuyên truyền cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp hướng tới thói quen sử dụng và sản xuất những sản phẩm trong nước có chất lượng. Hầu hết các sản phẩm sữa đậu nành trên thị trường hiện nay là các sản phẩm trong nước, của các doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín như Vinamilk, Vinasoy, Tribeco, Tân Hiệp Pháp…
Mặt khác, với cách thức kinh doanh như thế này, Công ty Rồng Vàng đã bỏ qua rất nhiều quy định pháp luật về kinh doanh, đặc biệt là quy định về quảng cáo sản phẩm. Theo Thông tư số 08/2013/TT-BYT ngày 13/3/2013 của Bộ Y tế thì sản phẩm sữa đậu nành thuộc loại thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phải đăng ký nội dung khi quảng cáo (Điều 2, Chương I) và phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cấp (Điều 5, Chương II). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân trước khi tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm phải gửi hồ sơ đăng ký đến Chi cục ATVSTP trên địa bàn nơi dự kiến tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm (Điều 9, Chương II). Tuy nhiên, liên hệ với ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi được biết Công ty Rồng Vàng đã không thông qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An trước khi phối hợp với UBND tổ chức Hội nghị giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 40 về “Quy định cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương”, thì sản phẩm sữa đậu nành thuộc nhóm sữa chế biến - 1 trong 9 nhóm sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư (Khoản 1, Điều 2), và theo Khoản 2, Điều 13: “Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định hồ sơ, thông báo kết quả thẩm định và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với các loại thực phẩm tiêu thụ tại Việt Nam của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn tỉnh, thành phố có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Công Thương cấp”. Tuy vậy, theo xác nhận của bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), Công ty Rồng Vàng đã không thông qua sở để được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.
Ngoài ra, với cách thức kinh doanh thông qua các tổ chức đoàn thể như vậy, Công ty Rồng Vàng còn né được việc đóng thuế theo nghĩa vụ. Tại Thông tư số 28/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, Điểm e, Khoản 1, Điều 10 về “Khai thuế giá trị gia tăng” quy định: “Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho Chi cục Thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai đó.
Như Công ty Rồng Vàng, có trụ sở chính ở Hà Nội và không có đại lý phân phối tại Nghệ An mà về thẳng các huyện để bán sản phẩm thì công ty phải đăng ký thuế và nộp thuế tại Chi cục Thuế các huyện. Tuy nhiên, năm 2013, một số chi cục thuế các huyện như Diễn Châu, Đô Lương… đã khẳng định công ty này không đăng ký và nộp thuế ở địa phương. Và lần này, khả năng rất cao là công ty này cũng không đóng một đồng thuế nào cho Chi cục Thuế TP. Vinh và các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tân Kỳ - những địa phương mà công ty đã tổ chức quảng cáo sản phẩm, bán hàng.
Do vậy, với việc MTTQ, hội phụ nữ các cấp và lần này là hội CCB tạo điều kiện để Công ty Rồng Vàng tổ chức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân, các tổ chức chính trị, xã hội này có thể đã vô hình trung tiếp tay cho công ty này phạm luật trong kinh doanh...
Nhóm PV