Đến hẹn, trong hai ngày 13 và 14 tháng giêng năm Đinh Hợi, nhân dân Nam Đàn lại tưng bừng mở hội Vua Mai - một lễ hội được rất nhiều người dân quê Bác và các vùng phụ cận mong chờ. Trên những chuyến xe buýt Nam Đàn xuôi về Vinh thực sự vắng khách. Chợ Sa Nam cũng được họp sớm hơn thường ngày. Mọi người đều muốn gác tất cả mọi lo toan của cuộc sống, tất bật của ruộng đồng để hoà vào trong lễ hội.
|
Dàn trống rộn ràng khai mạc lễ hội |
Trước ngày chính lễ (tức 13 tháng giêng), nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm tình đoàn kết, thể hiện lòng yêu quê hương, tinh thần thượng võ của phần hội như: đua thuyền, võ vật, chọi gà, chơi đu, cắm trại, leo núi... được tổ chức tại các điểm: bến thuyền khu mộ Vua Mai; bến Lam Sơn; sân Đền thờ Vua Mai, thu hút hàng nghìn người tham gia. Đêm xuống, cuộc so tài thi hát dân ca Xứ Nghệ và thi người đẹp Sa Nam đã níu chân bao người yêu thíchnhững làn điệu dân ca mượt mà và đằm thắm như lời ru của mẹ; những lời ca giao duyên trữ tình mộc mạc; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cô thôn nữ đến từ Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Cửa Lò.
Lễ hội chính thức được khai mạc trang nghiêm vào sáng ngày 14 tháng giêng âm lịch tại sân khu mộ Vua Mai, nơi hội tụ của khí thiêng sông Lam và núi Hùng Sơn kỳ vĩ. Diễn văn tại lễ khai mạc của ông Trần Đình Hường - Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư Huyện uỷ, Trưởng ban tổ chức lễ hội Vua Mai đã giúp những người tham gia lễ hội hiểu được phần nào về lịch sử đấu tranh và cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ở thế kỷ VIII đã đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giành độc lập cho đất nước, lập nên nước Vạn An tự chủ trong hơn 10 năm liền; đồng thời hiểu về con người thông minh tài trí, yêu nước, thương dân của Vua Mai. Việc tổ chức lễ hội là để tưởng nhớ công đức vua Mai cùng các thân tướng, nghĩa quân của ông, đồng thời khẳng định rõ bản lĩnh kiên cường, ý thức và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy truyền thống trọng đạo nghĩa, tình yêu quê hương, ý thức bảo vệ các di sản văn hoá, đồng thời góp phần bảo lưu, giữ gìn những giá trị văn hoá của dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá của vùng đất Nam Đàn nói riêng.
Tại đền thờ Vua Mai, lễ đại tế được tiến hành nghiêm trang, thành kính, thu hút nhiều người xem và cổ vũ nhất là phần thi đấu vật của những trai làng từ các làng quê góp mặt thử tài. Anh Trần Văn Đại (35 tuổi), xóm 1A, xã Nam Thanh phấn chấn: "Là con cháu Vua Mai thì phải biết đấu vật. Năm nào tôi cũng có mặt tại lễ hội Vua Mai, tôi tham gia đấu vật từ tuổi 15 cũng là để góp vui vào lễ hội, góp phần thể hiện và khẳng định tinh thần thượng võ nơi mảnh đất này". Các hoạt động thi chế biến các món ăn đặc sản đậm đà nét đặc trưng của vùng đất Nam Đàn như bánh đúc, hến xào, kẹo cu đơ... của các chị; thi kéo co của các đoàn viên thanh niên 24 xã, thị trấn; thi bơi thuyền; thi leo núi; thi đấu bóng chuyền giữa các đội đến từ các huyện, thành, thị phụ cận cũng không kém hào hứng, sôi nổi, thu hút khá nhiều người xem, cổ vũ. Gian trưng bày và giới thiệu những sản vật "cây nhà lá vườn" quê hương Nam Đàn, từ những quả cam, quả quýt, quả bưởi, khoai lang, rau đậu, lạc, ớt đến gà, vịt, cá, thịt me Nam Nghĩa và rồi cả các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu; sản phẩm tranh thêu ren v.v... cho người xem phần nào nhận diện được sự phát triển kinh tế đa dạng của địa phương.
Chia tay lễ hội Vua Mai 2007, chúng tôi mang gửi gắm từ kỳ lễ hội năm trước (2006) của một người con Nam Đàn đang sinh sống tại Hà Nội và là người nghiên cứu về Vua Mai, ông Đinh Văn Hiến: "Sự đóng góp của Vua Mai, có thể nói là do lịch sử nên hiện nay sự nhìn nhận về ông vẫn chưa thật sự xứng tầm với công trạng của ông đã lập nên một đất nước tự chủ trong vòng hơn 10 năm - Quốc đô Vạn An. Thiết nghĩ tỉnh cần sớm tổ chức một cuộc hội thảo về Mai Hắc Đế nhằm khẳng định những giá trị đích thực của ông".
Mai Hoa