|
Giờ học của các em học sinh dân tộc Thái xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) |
Cuối năm 2007, chữ Thái Việt Nam đã được công nhận chính thức là có đến 8 hệ chữ khác nhau. Mới đây trên báo "Văn hoá" có đưa tin về việc chữ Thái Việt Nam đã được đưa vào bộ mã Unicode, tức là bộ font chữ Thái Việt Nam đã được hình thành và có thể cài vào máy vi tính để sử dụng cho các công việc soạn thảo cụ thể. Như vậy là, cũng như chữ viết của dân tộc Khơ me... chữ Thái Việt Nam cũng đã được thiết kế cho một font chữ riêng. Đây là một tin vui cho cả dân tộc Thái và tất cả những người quan tâm đến chữ Thái. Hệ chữ Thái được lựa chọn để tạo font được gọi là "chữ Thái thóng nhất", viết theo hàng ngang, trong đó hầu hết các phụ âm vẫn được sử dụng theo cặp đôi làm chức năng phân định thanh điệu. Các nguyên âm và các vần cũngkhông có sự thay đổi hoặc đảo lộn gì lớn. Các ký hiệu và các chữ viết theo lối quy ước đã được lược bỏ. Trong bảng chữ cái cũng có đưa thêm vài phụ âm mới như g, tr - tuy ngữ âm Thái hầu như không sử dụng đến, nhưng tới đây các phụ âm này không thể thiếu trong bước phát triển tiếp theo. Trong bảng "Chữ Thái thống nhất" cũng không phân biệt các chữ hoa, chữ thường, chữ in, chữ viết tay... và tất nhiên là không sử dụng các dấu hiệu thể hiện thanh điệu.
Việc bắt buộc phải đưa ra một hệ "chữ Thái thống nhất" làm "hệ chữ trung gian" cho các hệ chữ Thái khác là hợp lý, bởi khi có hệ chữ trung gian, việc soạn thảo các bộ sách dạy và học chữ Thái cho nhiều địa phương khác nhau, cho vùng dân cư Thái khác nhau sẽ tạo được sự thống nhất ở một mức độ cần thiết, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí so với việc mỗi địa phương, mỗi vùng dân cư người Thái đều cho xuất bản riêng một tài liệu chữ Thái theo hệ chữ truyền thống của địa phương mình.
Trong số 8 hệ chữ Thái Việt Nam, đồng bào Thái ở Nghệ An đã "góp mặt" 3 hệ chữ Thái. Đó là các hệ chữ: lai-tay, lai-pao, lai -xứ Thái Thanh. Đây có thể được coi là một tỷ lệ đáng kể, nhất là khi để ý tới quy mô và tầm vóc của các mường Thái vốn khá là nhỏ hẹp và biệt lập của tỉnh ta.
Được biết, trong cuộc "Hội thảo về văn hoá chữ Thái" diễn ra trong 2 ngày 14, 15 tháng 7 năm 2007, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, có sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có đông người Thái cư trú (Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An và Thanh Hoá) do Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi phối hợp với Chương trình Thái học, Viện Việt Nam và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đã có sự đồng thuận quan điểm về một "Hệ chữ Thái thống nhất". Theo đó, mỗi địa phương trong quá trình truyền dạy chữ Thái đều phải quan tâm đồng thời đến cả hai hệ chữ: hệ chữ thống nhất và hệ chữ địa phương. Việc truyền dạy song song cả hai hệ chữ lai-xứ và lai -tay tại câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường (Quỳ Hợp) trong thời gian vừa qua, tuy chưa thể cho kết quả mỹ mãn như mong đợi, nhưng cũng đủ để khẳng định rằng trong việc bảo tồn và phát triển chữ Thái, xã Châu Cường đã sớm xác định được một hướng đi đúng theo con đường song hành và thống nhất mà đội ngũ các nhà khoa học vừa mới vạch ra trong cuộc Hội thảo quan trọng về tương lai của việc phát triển chữ Thái. Thiết nghĩ, với sự kiện này, Câu lạc bộ chữ Thái Châu Cường hoàn toàn có quyền tự hào khi đưa được vị trí của chữ Thái Nghệ An ngang tầm với các hệ chữ Thái ở các địa phương khác.
Sầm Văn Bình - Yên Luốm, Châu Quang, Quỳ Hợp