Con đường dẫn về làng Hoàng Trù và Làng Sen uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Nắng tháng Năm tãi vàng trên cánh đồng nhấp nhô sóng lượn. Xứ Nghệ quanh năm gió Lào rát bỏng, lũ lụt trắng đồng, tiết trời khắc nghiệt, nhưng, miền quê ấy lại màu mỡ, trù phú kỳ lạ. Du khách về thăm quê Bác đều có chung một cảm nhận, bước chân về Hoàng Trù, Làng Sen mà như đang bước chân về quê mình. Ngay từ con đường vào nhà Bác đã thấy rất quen. Bờ tre, hàng dâm bụt, hoa cau, hoa bưởi thơm nồng, con đường đất nhỏ, và đặc biệt là mái nhà tranh kĩu kịt võng đưa những trưa hè... là những hình ảnh rất đỗi bình dị, thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Tại không gian ấy, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã lớn lên trong điệu ru à ơi của mẹ, trong những câu dân ca phường vải trữ tình, cùng sự vất vả của người dân Làng Sen, làng Hoàng Trù. Những câu ca ấy đã đi theo Người suốt cả cuộc đời, góp phần hoàn thiện nhân cách một nhà văn hoá lớn. "Con ơi mẹ dặn câu này, chăm lo đèn sách cho tày áo cơm. Làm người đói sạch, rách thơm. Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền". Chiêm ngưỡng nhà Bác, còn đó, những kỷ vật: án thư nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc thường dạy học cho các con, khung cửi nơi mẹ Hoàng Thị Loan vẫn ngồi dệt vải, phản gỗ nơi các nhà nho yêu nước thường đến bàn chuyện thời cuộc nước nhà với thân sinh của Bác... Nhìn những đồ vật đã gắn bó với tuổi thơ của Bác và gia đình, nhiều người đã lặng lẽ khóc.
Nhiều thế hệ cán bộ Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên là những người được giao nhiệm vụ "thay mặt" gia đình Bác để tiếp khách.Hàng ngày, họ chăm sóc, bảo quản ngôi nhà cùng những kỷ vật của gia đình Bác, khiến cho đồng bào đều có chung một cảm nhận: Bác và gia đình vẫn hiện hữu ở đó, vẫn tiếp tục đón khách với tấm lòng hiếu đễ của người dân xứ Nghệ. Nguyễn An Vinh, cô thuyết minh viên chất giọng trong trẻo, ngọt ngào, đằm thắm kể cho chúng tôi nghe về tình cảm của khách phương xa: "Hàng ngày chúng tôi đón đồng bào và bạn bè quốc tế đến thăm nhà Bác, ai cũng rất xúc động khi được hiểu thêm về gia đình và một phần tuổi thơ của Bác tại quê nhà. Nhiều người đã vinh dự được gặp, làm việc với Bác, hoặc nghiên cứu về Người đã kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm của họ, và các thuyết minh viên lại có dịp bổ sung thêm tư liệu, phục vụ cho bài giới thiệu của mình hay hơn, súc tích hơn". Ngay trong buổi sáng mà chúng tôi đến, có một vị trong đoàn khách Nhật Bản đã xin phép An Vinh cho được ngồi trên chiếc chõng tre nhà Bác. Ông nói: Hồ Chí Minh là tấm gương của một lãnh tụ hết lòng vì dân vì nước mà từ lâu ông đã cảm phục, yêu quý, nghiên cứu và từng có nhiều bài viết về Người ở báo chí Nhật Bản. Nay có dịp về thăm quê Bác, ông muốn được cảm nhận thật sự không gian đầm ấm của gia đình đã sinh thành và nuôi dưỡng một vĩ nhân.
Tình cảm của ông khách Nhật Bản cũng chính là của tất cả mọi người khi đến thăm Khu di tích.
Để đáp lại tình cảm này của nhân dân cả nước và bạn bè năm châu, một dự án đã được khởi công xây dựng từ năm 2005 và sẽ hoàn tất vào 2010, Dự án Bảo tồn tôn tạo khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch. Từ dự án tổng thể, chủ dự án và các đơn vị thi công đã chia ra thành 3 tiểu dự án: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Làng Sen; bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Hoàng Trù và bảo tồn, tôn tạo Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Ba dự án này đang cố gắng giúp du khách và các nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử tìm hiểu, lý giải những yếu tố góp phần làm nên Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh và hiểu thêm về câu sấm ký đầy chất tiên tri của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cuối thế kỷ XVIII "Chung sơn tâm đỉnh hình vương tự" (ba đỉnh của núi Chung tạo nên chữ Vương). Còn nhớ, khi khởi công xây dựng Đề án này, Bí thư Huyện uỷ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thế Kỷ đã phát biểu: "Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở vùng quê Kim Liên- Nam Đàn là bước đi tất yếu, nhưng giữ cho được những làng quê thanh bình yên ả, ít bị bê tông hoá, có thêm nhiều cây xanh, nhiều khu vườn rộng, nhiều bờ rào bằng tre, bờ cây mạn hảo, râm bụt là điều rất cần thiết và trở nên cấp thiết. Rất cần bảo lưu các ngôi nhà truyền thống làm cách đây trên 100 năm kiểu "tứ trụ, hạ chạn" hay "tiền trụ, hậu chạn" như một số ít ngôi nhà cổ còn sót lại". Đúng tinh thần ấy, sau 3 năm xây dựng, dựa vào sổ địa bạ của xã Kim Liên cuối thế kỷ XIX, dự án đã tiến hành phục dựng một số ngôi nhà hàng xóm cạnh di tích quê Ngoại, tạo cho di tích và các ngôi nhà này mối quan hệ gắn bó, thân thiết "tối lửa tắt đèn có nhau". Đó là các ngôi nhà của các ông Hoàng Trọn, Hoàng Nhiêm, Hoàng Việt.
118 năm sau ngày Đoá Sen đẹp nhất của Làng Sen, làng Trù cất tiếng khóc chào đời, làng quê Kim Liên là nơi mà du khách muôn nơi tìm về, để mỗi cuộc hành hương, mỗi lần khám phá là thêm một lần lưu luyến...
Nguyệt Anh