Tranh thủ giờ giải lao trong buổi tập luyện của Đội Tuyên truyền văn hoá Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi được các anh chị trong đội kể về những kỷ niệm xúc động trong những chuyến lưu diễn vùng cao biên giới. Các anh chị đều nói về niềm vui ấm áp mỗi khi biểu diễn xong một tiết mục được các chiến sĩ và dân bản "thưởng" cho những đoá hoa rừng. Có khi phần thưởng là những quả dưa, quả dứa, rồi sắn, ngô, bầu, bí và cả măng rừng. Anh Phạm Anh Tuấn nhớ mãi lời già làng bản Huồi Sơn nói sau khi anh hát xong ca khúc Người Mèo ơn Đảng: "Bộ đội Tuấn hát hay quá! Hát tiếp đi để lát nữa ta thưởng cho đầu con đại bàng". Còn các cô gái Mông và Thái cứ vây kín lấy anh để mời rượu, để được "hát cùng với bộ đội Tuấn". Cánh chị em phụ nữ được các chiến sĩ và trai bản đặc biệt quan tâm "chăm sóc". Chị Trần Thị Hường nhớ mãi câu nói của một chàng trai người Mông; "Bộ đội nữ đẹp quá! Hát hay quá! Giá như được lấy về làm vợ thì ta sẽ không bắt đi rẫy đâu!". Còn chị Bùi Thị Hương Giang lại nhớ có lần được các chiến sĩ Đồn 557 (Anh Sơn) cõng qua sông Giăng giữa mùa mưa lũ. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc, các anh chị cũng không thể nào quên những cảnh thiếu thốn mà mỗi khi nhớ lại lòng vẫn thấy bùi ngùi. Cô gái trẻ Đặng Thị Thục Khuê trong chuyến lưu diễn đầu tiên lên Đồn 545 (Na Ngoi, Kỳ Sơn) đã bật khóc khi thấy anh em chiến sĩ vừa đi tuần về trong cảnh mưa dầm, gió bấc, áo quần ướt sũng, sắc mặt tím tái...
Tìm đến Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, gặp Đại úy Vũ Tiến Lâm trong giờ luyện thanh. Lau vội những giọt mồ hôi, anh kể cho chúng tôI nghe về kỷ niệm trong lần lưu diễn tại Quần đảo Trường Sa trong dịp tháng 4 vừa rồi: "Trong các lần đi lưu diễn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là sự cuồng nhiệt đầy chất lính ở đảo Đá Tây thuộc Quần đảo Trường Sa. Trong buổi biểu diễn tối hôm đó, các chiến sĩ cũng rất hăng hái tham gia hát giao lưu và điều đáng nói là họ hát rất hay, tuy phần nhạc chưa khớp...Đặc biệt, sau khi mỗi tiết mục kết thúc thì không thể đếm xuể có bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đảo lên tặng "hoa" và quà, cùng những cái ôm hôn với cái bắt tay thật chặt.
Đã mấy năm trôi qua, nghệ sĩ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An vẫn không thể nào quên lần cùng đoàn lưu diễn phục vụ các bà con dân tộc ở vùng biên giới thuộc huyện Tương Dương. Trời mưa, đường trơn, bánh xe cứ trầy ngang khiến cho ai ai cũng thót tim. Một bên là vực sâu, một bên là núi cao, con đường dần càng hiểm trở. Sau đó đoàn chuyển các đạo cụ lên xe u oát, tăng bo từng đoạn, càng vào sâu khó khăn càng nhân lên gấp bội. Lúc này nghệ sĩ An Phúc kiệt sức và dần lịm đi, anh em trong đoàn rất lo lắng và phải nhờ xe của huyện đưa anh ngược ra Bệnh viện Tương Dương. Vào đến bản trời cũng đã về chiều, rất đông bà con dân bản đã chờ sẵn. Mọi sự mệt mỏi, lo âu dường như tan biến, thay vào đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vì được nhân dân chào đón rất thân tình. Cảm động biết bao khi già làng nắm tay và xúc động nói: "Các cháu ơi! Ta đã 70 tuổi rồi nay mới được xem văn công hát, múa, diễn kịch. Các cháu diễn hay lắm! Nhà ta ở cách đây xa lắm nhưng ta vẫn đi bộ đến để được xem đoàn văn công diễn. Các cháu đã đem nhiều niềm vui đến cho bản làng ta". Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc của nghệ sĩ Hồng Lựu cũng như anh em diễn viên trong đoàn Dân ca Nghệ An. Chị tâm sự: "Tình cảm mà nhân dân nơi đây dành cho mình thật chân thành, trìu mến. Mỗi lần nhớ lại ai cũng nhận thấy mình phải luôn nỗ lực để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào".
Nhóm P.V