Một ngày tháng 10 mưa tầm tã, chúng tôi có cuộc  hành hương về với huyền thoại Truông Bồn. Những ngày này, mọi công việc chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 40 năm Truông Bồn chiến thắng và Đón nhận danh hiệu AHLLVTND cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP đại đội 317- đội 65- tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước gần như đã hoàn thành…Sống lại một huyền thoại

 Tháng 10, Về với Truông Bồn... ảnh 1

 Một góc phòng trưng bày hình ảnh, về các chiến sỹ Truông Bồn.

Một trong những điểm “ nhấn”  ấn tượng nhất trong chuỗi hoạt động  hướng về kỉ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn là  triển lãm trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật của TNXP Nghệ An và TNXP Truông Bồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Bảo Tàng Nghệ An phối hợp với UBND huyện Đô Lương tổ chức tại nhà Văn hoá xóm 10 xã Mỹ Sơn.

Mặc dù đến 25 tháng 10 mới chính thức khai trương nhưng những ngày này phòng trưng bày đã thu hút không ít nhân dân trong vùng và cả khách qua đường vào tham quan, nghe, nhìn, cảm nhận, thấu hiểu và soi mình vào quá khứ anh hùng của một dân tộc anh hùng. Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn bó với quá trình lao động, chiến đấu, học tập văn hoá và cuộc sống của những chàng trai, cô gái TNXP phơi phới tuổi thanh xuân với biết bao ước mơ, hoài bão…  đã tái hiện quá khứ hào hùng, bi tráng của  một thời đại, một thế hệ đã qua, nhiều mất mát, hi sinh song cũng vô cùng oanh liệt. Từ  những kỉ vật như:  Bức thư gửi người yêu của Liệt sỹ Nguyễn Thị Phúc- C317 đội 65 TNXP Truông Bồn; Chiếc đài 0rionton Bác Hồ tặng đội viên TNXP 332; bi đông, ba lô, thuốc, sách giáo khoa, bài soạn của của giáo viên TNXP C317 Hồ Khắc Thước; Hồi kí của tổ phó tổ phá bom C317 Hồ Trọng Nho đến những dụng cụ dùng để phá bom, tháo kíp, xe cút kít, quang gánh, rổ, ống nhòm quan sát máy bay, nam châm của Trung đội phá bom nổ chậm Truông Bồn… đều khiến người xem không khỏi xúc động. Đặc biệt những kỉ vật liên quan đến 13 liệt sỹ TNXP hy sinh trong trận bom 31/10/1968 như: Lý lịch đoàn viên của liệt sỹ Trần Thị Doãn; chiếc còi trực ban của liệt sỹ Nguyễn Văn Hạp; giấy báo tử của liệt sỹ Trần Thị Đang…khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Trong số 13 liệt sỹ có tới 11 người là nữ, họ đã chiến đấu với tinh thần “ tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”, “ tất cả vì miền Nam ruột thịt” và ngã xuống với bao ước mơ, dự định còn dang dở. Người ra đi để lại mẹ già không ai chăm sóc, người có anh trai vừa hi sinh ở chiến trường miền nam, hai người yêu nhau chờ ngày cưới, 4 người đã nhận được giấy báo nhập học các trường chuyên nghiệp… xương máu họ đã hào vào hồn thiêng sông núi. Nhìn những bức chân dung của các chị treo trang trọng ở gian giữa phòng trưng bày, những gương mặt  phơi phới thanh xuân, tươi sáng, yêu đời tựa hồ như  cuộc đời các chị chưa bao giờ hứng chịu bom đạn chiến tranh. Những đôi mắt trong veo, hồn nhiên, thanh thản như muốn nói với mọi người rằng hi sinh tuổi xuân cho quê hương đất nước là niềm hạnh phúc, đáng kiêu hãnh và tự hào. Những đôi mắt “ có lửa” ấy cũng gửi gắm biết bao ước mơ, dự định còn dang dở về cuộc sống, tình yêu, tương lai, hạnh phúc  cho thế hệ sau nối tiếp.

 

 Những hiện vật của một thời đạn lửa

Phòng trưng bày chỉ rộng 48m2 được bố cục theo 3 chủ đề  và  mảng khánh tiết: Thanh niên  xung phong Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Truông Bồn- một địa danh lịch sử và huyền thoại; sự tri ân của hậu thế.  Chị Đặng Thị Hoà- Trưởng phòng trưng bày tuyên truyền Bảo tàng Nghệ An cho biết: “Tranh ảnh, tài liệu, hiện vật, kỉ vật được sưu tập từ 3 nguồn: các nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu ở khu vực Truông Bồn; thân nhân các liệt sỹ TNXP và các tổ chức cựu TNXP. Thời gian chuẩn bị gấp rút, anh chị em trong bảo tàng đã phân công nhau đến tận nhà các nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sỹ ở huyện xa, huyện gần để thu thập được hơn 50 hiện vật, 52 tranh, ảnh phục vụ cho việc trưng bày với  ba mục đích. Thứ nhất là tôn vinh những chiến công, tri ân sự hy sinh to lớn của các chiến sỹ TNXP Truông Bồn, lực lượng vũ trang và nhân dân Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thứ hai là thông qua trưng bày khơi dậy lòng tự hào dân tộc, gíáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ. Thứ 3 là tuyên truyền ủng hộ vận động xây dựng khu di tích Truông Bồn với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách từ ngày 25 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11 năm 2008.”

Những hoạt động tri ân….

Mặc dù trời mưa tầm tã nhiều ngày kéo theo đất, đá và lá cây từ trên đồi cao đổ xuống nhưng quãng đường từ xã Mỹ Sơn đến Thị trấn Đô Lương, đặc biệt là xung quanh khu mộ và khu tượng đài các liệt sỹ TNXP vẫn thoáng đãng, sạch sẽ bởi thường xuyên được người dân và lực lượng đoàn viên thanh niên dọn dẹp. Dường như ai cũng muốn được đóng góp sức mình cho sự kiện trọng đại và thiêng liêng sắp diễn ra. Khẩu hiệu, băng rôn, cờ hội, cờ tổ quốc, Pano,áp phích đã bắt đầu được treo lên dọc đường 7, đường 15 A tập trung ở khu vực Tượng đài, khu mộ…

 Hướng về  kỉ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn, cùng với  toàn tỉnh, người  nhân dân huyện Đô Lương đặc biệt là người dân Mỹ Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực  như đẩy mạnh tuyên truyền , giáo dục truyền thống cho nhân dân đặc biệt thế hệ trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng về những chiến công vẻ vang, sự hy sinh to lớn của TNXP Truông Bồn và các chiến sỹ TNXP chống Mỹ; Kêu gọi đóng góp tu bổ, tôn tạo khu di tích Truông Bồn; Giao lưu VHVN Quần Chúng, Thể dục thể thao, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Phân công người thuyết minh, hướng dẫn khách đến tham quan và dâng hương, dâng hoa tại khu di tích Truông Bồn….

 

Ông Trần Minh Hạnh- Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngay từ đầu tháng 10, Sau khi nhận được sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai nhiệm vụ đến từng cấp nghành có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về  đảm bảo an toàn giao thông, y tế, an ninh trật tự.. đặc biệt là dồn sức cho việc giải phóng mặt bằng tại khu tượng đài để chuẩn bị cho lễ kỉ niệm.Mặc dù trời mưa rất to nhưng chúng tôi vẫn phải động viên nhau triển khai các công việc cho kịp tiến độ… Đến nay, mọi việc cơ bản đã được hoàn thành  đảm bảo cho buổi lễ diễn ra trang trọng, linh thiêng, an toàn, tiết kiệm tạo được ấn tượng sâu sắc  trong lòng nhân dân cả nước”.

Lễ kỉ niệm sẽ diễn ra vào tối 26/10 tại chân tượng đài chiến thắng Truông Bồn và được truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình Việt Nam ( VTV1). Phần 1 sẽ mở đầu bằng chương trình văn hoá nghệ thuật “ Huyền thoại Truông Bồn” – do Trường đại học văn hoá nghệ thuật quân đội biểu diễn, kịch bản và đạo diễn, Thiếu tướng- nhạc sỹ An Thuyên. Phần 2 là chương trình chính của Lễ kỉ niệm  40 năm chiến thắng TRuông Bồn và đón nhận danh hiệu Anh Hùng LLVTND cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP đại đôi c317- đội 65 – tổng đội TNXP cứu nước Nghệ An. 

Truông Bồn “ lửa đạn” giờ được bao bọc bởi màu xanh ngút mắt của thông, keo, tràm. Đi trên những con đường liên xã, liên thôn rải nhựa, bê tông hoá qua những ruộng lúa xanh tốt, những cánh đồng ngô mỡ màng.. chúng tôi cảm nhận được sự ấm no trên mảnh đất anh hùng đang ngày càng khởi sắc. Ai đó có thể vô tình nhưng lịch sử rất công bằng. Đất nước, nhân dân mãi mãi khắc ghi công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc.

Giờ đây  không những Truông Bồn  được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia  mà tập thể 14 chiến sỹ TNXP đại đội 317- đội 65 – tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh  cũng đã được Đảng& Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự tri ân và tôn vinh xứng đáng những người đã không tiếc máu xương của mình viết nên một huyền thoại anh hùng nơi quê hương xứ Nghệ..

Khánh Ly-Thanh Phúc