(baonghean.vn) - “Phải học để giữ hồn cồng chiêng cho dân tộc mình ...”, vừa gõ nhẹ dùi lên núm cồng sáng bóng , trong âm hưởng của chiếc cồng nhất vang xa, Trương Văn Khang thủ thỉ...Sinh năm 1993, là học sinh lớp 9 trường THCS Nghĩa Lâm. Trương Văn Khang, cậu con trai út của ông Trương Xuân Tý - trưởng tộc đời thứ 9 dòng họ Trương dân tộc Thổ ở làng Yên Trung (làng Quạ - tên cũ) xã vùng sâu Nghĩa Lâm huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An) - rất đam mê bộ cồng cổ có tuổi gần 300 năm truyền 9 đời của dòng họ mình.
Được bố (người rất am hiểu và thành thạo những kỹ thuật sử dụng cồng chiêng truyền thống dân tộc Thổ) hướng dẫn những kỹ thuật sử dụng cồng chiêng từ những năm học tiểu học, dường như hồn cồng chiêng đã ngấm vào tiềm thức của cậu. Hàng ngày sau khi đi học về, ngoài thời gian chăn trâu giúp bố mẹ, Khang lại nằn nì bố đưa bộ cồng cổ ra để học.
Dân tộc Thổ miền tây Nghệ An có một bề dày vốn văn hoá nghệ thuật truyền thống được lưu giữ từ đời này tiếp đời sau. Đặc biệt trong đó có bốn bài nhạc cồng chiêng đặc trưng với những tiết tấu, kỹ thuật trình diễn đặc sắc được sử dụng tuỳ theo nội dung những dịp lễ hội hàng năm, gồm các bài Cồng chiêng một, Cồng chiêng hai, Cồng chiêng ba và Cồng chiêng tư...
Với những bài cồng chiêng này,Trương Văn Khang đều sử dụng khá thành thạo, đặc biệt cậu sử dụng bài Cồng chiêng tư rất có hồn với những thao tác khá điêu luyện. Với bài Cồng chiêng tư, cậu đã từng vài ba lần biểu diễn cho các bạn xem trong những dịp sinh hoạt, liên hoan ở trường... lần nào cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của mọi người.
“ Phải học để giữ hồn cồng chiêng cho dân tộc mình ...”, vừa gõ nhẹ dùi lên núm cồng sáng bóng , trong âm hưởng của chiếc cồng nhất vang xa, Trương Văn Khang thủ thỉ...
Bài, ảnh: Lê Bá Liễu