Lễ hội đền Chín gian (xã Châu Kim- huyện Quế phong) năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 31/3 đến ngày 2/4/2007 (tức ngày 13, 14 và 15/2 âl). Với đồng bào Thái ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong thì mảnh đất Mường Tôn (Mường Gốc) này luôn là nơi hướng về trong tâm thức nhớ về một thời cha ông, dựng bản, lập mường...
|
Truyền thuyết kể lại rằng, xưa kia Tạo Mường ở Luông - Phả - Bàng (Tức Luông Phra băng bên Lào) sinh được hai người con trai, người anh là Ló - Ỳ, người em là Ló - Ai.
Cả hai đều khôi ngô tuấn tú, có sức vóc hơn người. Ló - Ỳ vừa thông minh vừa đức độ, được Tạo cha chọn để sau này nối ngôi cầm quyền chính. Ló- Ai cũng khôn ngoan không kém anh, song lại là kẻ tham lam và đố kỵ. Căm tức khi thấy cha có ý định nhường ngôi cho anh, Ló Ai đã tìm cách giết chết Ló - Ỳ rồi vứt xác xuống sông Mã. Xác Ló Ỳ cứ theo dòng nước trôi xuống hạ nguồn và dạt vào bờ một khúc sông hẹp. Nhờ một đôi quạ vô tình tiếp cho một liều thuốc tiên. Ló Ỳ sống lại tìm tới một nơi gần đó xin ăn. Vùng này lâu nay không có người cai quản nên dân tình luôn loạn lạc. Thấy Ló-ỳ khoẻ mạnh, thông minh và xuất thân dòng dõi cao quý, dân ở đây đã tôn anh làm Tạo. Từ đó cuộc sống của bản mường trở lại nề nếp và phồn thịnh. Nhớ ơn con quạ đã cứu sống Tạo Ló Ỳ, nhân dân đặt tên cho mường của mình là Mường cả giả (tức Mường quạ cứu) - nay là xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Được ít năm, Ló Ỳ nhớ thương cha mẹ nên trao quyền lại cho người khác và từ biệt dân mường trở về quê cũ. Song không biết đường, Ló Ỳ bị lạc sang một vùng đất khác - nơi đã có dân Thái đến sinh sống nhưng chưa thành mường, thành bản vì chưa có Tạo. Mọi người đề nghị Ló Ỳ ở lại giúp dân lập bản dựng mường và trở thành vị Chúa đất đầu tiên ở đây. Dần dần, mảnh đất do Tạo Ló Ỳ cai quản trở nên chật hẹp, Tạo liền đưa dân đi khai phá, lập thêm mường mới. Từ đó mường được dựng đầu tiên do Tạo Ló Ỳ trực tiếp cai quản được gọi là Mường Tôn, có nghĩa là Mường chủ hay Mường gốc - nay thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong.
Nhờ tài đức của Ló Ỳ, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, nhưng thiên tai lũ lụt vẫn thường xẩy ra. Dân các mường đã xin Tạo cho dựng một ngôi đền (Tến Xớ) ở Mường Tôn, lấy chỗ cúng trâu cho trời, cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nên đền có tên gọi là Tến xớ quái, nghĩa là đền hiến trâu và có thêm một tên gọi khác là Tến cau hong - Đền Chín gian (ngôi đền gồm chín gian). Ngôi đền cũng chính là nơi thờ Tạo Ló Ỳ. Hàng năm, vào ngày 18 tháng 8 âm lịch người dân Thái vùng Phủ Quỳ đều hướng về nơi được coi là cội nguồn của mình, cùng nhau hành hương về nơi đất tổ mở hội tế trời, lễ tổ và cầu phúc cho chín bản mười mường ở Đền chín gian.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những biến cố của thời gian, Đền Chín Gian đã trở thành phế tích và mãi đến năm 2004 bắt đầu mới được khôi phục (bao gồm một ngôi nhà đền 9 gian; một ngôi nhà gồm hai gian thờ, một gian thờ Bác Hồ, một gian thờ phật; một nhà dành cho ban quản lý đền và các công trình phụ trợ khác). Năm 2006, lễ hội Đền Chín Gian đã được tổ chức trở lại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh nhớ về tổ tiên, cội nguồn của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ. Và bắt đầu từ năm 2007 này, lễ hội Đền Chín Gian sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm.
Đến với lễ hội Đền Chín Gian, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét đặc trưng rất riêng. Theo quan niệm của người Thái, đền là nhà của các cụ tổ ở nên lễ rước chỉ rước các sản phẩm để tế lễ gồm trâu, lợn, gà, cá, gạo, khoai, sắn, hoa quả, rượu cần..., trong đó trâu là lễ vật hiến tế chính. Do vậy dân ca có câu: " Quái mướng lớ á tau/ Khau mướng lớ á má"; nghĩa là: " Trâu mường nào đưa đến/ Gạo mường nào đưa đây". Lễ hiến tế được tổ chức trang nghiêm thể hiện rõ sắc thái sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng thần thánh của người Thái. Không gian của lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động văn hoá đặc trưng của phần hội như nhảy sạp, múa vòng, tung còn, đánh cồng chiêng, khắc luống, uống rượu cần, múa lăm vông ; thi bắn nỏ, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền; diễn xướng dân gian; liên hoan nghệ thuật quần chúng và thi người đẹp chín mường đến từ 14 xã, thị trấn trong huyện. Đặc biệt, trong hội trại, ngoài của các cơ quan, đơn vị và trường học, còn có 14 nhà trại của 14 xã, thị trấn được làm thành nhà sàn khá chắc chắn, bên trong được bài trí theo hình thức sinh hoạt của đồng bào cùng với nhiều sản phẩm do đồng bào làm ra được giới thiệu để du khách có thể thưởng thức ngay trong nhà trại. Ông Nguyễn Đình Yên- Chủ tịch UBND huyện, trưởng ban tổ chức lễ hội Đền Chín Gian năm 2007 cho biết: " Lễ hội được tổ chức nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, vừa đáp ứng những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của đồng bào dân tộc Thái. Thông qua các hoạt động của lễ hội, góp phần khơi dậy truyền thống tốt đẹp "uống nước, nhớ nguồn" biết ơn những người có công dựng bản, lập mường, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An. Tổ chức lễ hội Đền Chín Gian là cơ hội để Quế Phong giao lưu văn hoá, nối vòng tay bạn bè với các huyện trong vùng nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trên quê hương Xứ Nghệ. Đồng thời, thông qua việc đến với lễ hội, du khách sẽ được tham quan các di tích danh thắng của Quế Phong, từ đó góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện nhà phát triển".
Mai Hoa, Phú Hương
Ảnh: Sỹ Minh