Lễ hội mùa Xuân: Nét đẹp văn hóa làng ảnh 1
 Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu)

Trong đời sống cộng đồng làng xã Việt Nam, có lẽ không một nơi nào là không có lễ hội (hội làng). Lễ hội là hình ảnh thu nhỏ nét văn hoá làng xã người Việt nói chung và từng làng, từng xóm nói riêng.

 

Tuy hội làng có thể chưa phản ánh đầy đủ mọi mặt trong đời sống của một làng, một địa phương, song ở đây có những nét tiêu biểu đáng chú ý: Hội làng là hiện thân của nền văn hóa đương đại (theo nhiều sử sách để lại thì nó được phát triển mạnh nhất vào thời Lý). Hội làng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân làng. Từ xa xưa, hội làng đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê!

 

Sau một năm làm lụng trên ruộng đồng vất vả, mùa xuân đến, ngày hội làng là dịp để cho mọi người được nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình. Từ những người con được sinh ra ở làng quê thân yêu đã trưởng thành đi công tác trên khắp mọi miền đất nước, đến những người đang sống xa xôi nơi đất khách quê người... ngày hội làng cũng khát khao được về cội nguồn, đứng giữa đình làng, thành kính thắp một nén hương tưởng niệm!

 

Lễ hội mùa xuân của từng làng quê hiện nay thường được mở trong 3 ngày. Ngày đầu là lễ nhập tịch (mở cửa đình), ngày thứ hai (chính hội) gồm các nghi lễ như: Rước ngai kiệu, tế lễ, dâng hương và các trò vui... Ngày thứ ba: Làm lễ tế dã, hoặc rước lại (kết thúc hội). Trong những ngày “đại sự” của làng, nội dung chủ yếu được chia ra làm hai phần rõ rệt: Phần lễ và phần hội.

 

 
 Lễ hội đền Cuông (Diễn Châu)

Trong phần nghi lễ, đoàn rước có tính chất “quy mô và hoành tráng nhất”. Tục lệ rước của các làng đều tương tự giống nhau. Đây có thể gọi là “Cuộc biểu dương lực lượng” của làng! Đoàn rước lớn có thể đông tới ba, bốn trăm người, được phân ra làm nhiều tiểu ban, mỗi tiểu ban đảm nhiệm một trọng trách. Tiểu ban phù giá: Khiêng ngai kiệu, chiêng trống, hương án, long đình... Tiểu ban hộ giá: Đi sau hương án, đồ thờ có cờ hàng báo, cờ ngũ hành và các đồ hộ quốc như trùy đồng, hồng trượng, phủ việt, rồi tiếp theo là tàn lọng uy nghi cùng đội nhạc cổ “lưu thủy” hòa tấu rộn rã.

 

   
 Lễ hội đền Cả (Yên Thành)  Lễ hội đền Vua Mai (Nam Đàn)

Trong tiếng trống hội xuân rộn rã thúc giục, khắp xóm ngõ làng quê bừng lên một niềm vui nhộn nhịp. Người người tấp nập đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung kính. Với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ai đứng trước đình cũng muốn bày tỏ tấm lòng chân thật tôn kính. Mặc dù là đời sống tâm linh tín ngưỡng, song việc “làm lễ” trong ngày hội làng lại có ý nghĩa giáo dục cao! Nó làm cho con người ta gạt bỏ đi hết mọi điều ác mà hướng thiện. Làm tan biến những nỗi ưu tư, phiền muộn, lo lắng, những toan tính trong cuộc sống thường ngày để có được nỗi lòng thanh thản, vô tư, đồng thời cũng nhắc nhở cho bản thân và cũng răn dạy cho con cháu làng mình biết nhớ và tôn kính các vị thánh hiền, tiền nhân đã có công với nước, với dân. Đó cũng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và quê hương làng xóm mình. Tất cả mọi nghi lễ, rước, tế, dâng hương tưởng niệm,... đều nói lên tấm lòng thành kính, biết ơn của dân làng đối với người xưa.

 

Phần lễ ở trong đình (đền, chùa) trang trọng và tôn nghiêm là vậy, ngược lại ở bên ngoài thì phần hội thật là vui nhộn, sôi nổi. Hội làng từ xa xưa vốn đã có rất nhiều trò vui như: Đánh đu, đấu vật, cướp cờ, chọi gà, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng... thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ. Ngoài ra còn có các tiết mục như: Hátđào, hát trống quân, hát đốitrên đình, đền, chùa và dưới thuyền, tối có “chiếu chèo” hoặc giao lưu văn nghệ, thơ ca... Nói chung có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc dân gian truyền thống. Những chàng trai, cô gái làng quê, thường ngày là những thợ cày, thợ cấy khỏe mạnh, đảm đang, đêm hội làng hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa oai phong, lộng lẫy hoặc trở thành những liền anh, liền chị quan họ đã hát hay, múa dẻo, lại rất thạo việc ruộng đồng.

 

Mùa lễ hội, làm sao để dân làng và khách thập phương hiểu rõ ý nghĩa ngày hội làng là ngày kỷ niệm gì, di tích, hoặc đình, đền, chùa địa phương mình thờ phụng những ai, hiểu rõ thân thế và sự nghiệp người đó đã có công thế nào với dân, với nước... Từ đó khi dậy được niềm tự hào của mọi người đối với quê hương mình, tăng thêm sự uy nghiêm trang trọng của ngày lễ hội, đồng thời cũng ý thức cho lớp con cháu hôm nay phi bo vệ, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ ngàn xưa đã để lại.  .  

Bài: Trần Hải; Ảnh: Sỹ Minh - Linh Chiểu