Trò chuyện với nhà “Nghệ học”- PGS Ninh Viết Giao về: Văn hóa dân gian Xứ Nghệ trong “thế giới phẳng” ảnh 1
 Phó giáo sư Ninh Viết Giao

Phó giáo sư Ninh Viết Giao được gọi là nhà “Nghệ học”, bởi toàn bộ cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông đã giành trọn cho văn hóa dân gian (VHDG) Xứ Nghệ. Thế nên, Xứ Nghệ bây giờ có truyền tụng câu ca: “Nực cười cho bác Viết Giao/ Quê hương Thanh Hóa lại vào Nghệ An/ Sưu tầm văn hóa dân gian/ Bàn chân trải khắp trên ngàn dưới sông/ Dạo chơi Nam Bắc Tây Đông/ Bạn bè sum họp, vợ chồng cách xa…” - chính là khái quát những nét chính cuộc đời và sự nghiệp của ông…

 

Mùa xuân Mậu Tý, chúng tôi đến thăm ông, trước khi ông chuẩn bị một chuyến “dạo chơi Nam Bắc Tây Đông”. Có đến mấy cái giấy mời ông tham gia các hội thảo về VHDG được gửi đến cùng lúc khi chúng tôi bước vào căn hộ chung cư C3, Quang Trung, thành phố Vinh, Nghệ An. Căn phòng tràn ngập sách quý. Sách trên tường, trên cửa sổ, cửa thông gió và trên bàn...

 

PV:  Thưa PGS, cơ duyên nào đã đưa ông bước vào con đường nghiên cứu khoa học, nghiên cứu VHDG của một vùng đất không phải là “nơi chôn rau cắt rốn” của mình?

 

PGS Ninh Viết Giao: Khi học cấp 3, tôi học khá các môn tự nhiên hơn. Nhưng đến lúc thi vào đại học, tôi nghĩ đơn giản thế này, trong khoa học tự nhiên, ở Việt Nam mình nếu phát minh ra một định lý, tìm ra một quy luật thì rất khó. Nhưng với khoa học xã hội và nhân văn, nếu nghiên cứu nó ắt sẽ có nhiều điều thú vị. Vậy nên, tôi đã nộp đơn xin thi vào ngành ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội… Tôi cũng là người yêu văn chương, tình yêu đó được mẹ tôi truyền cho qua những bài hát ru con của bà. Một thế giới nhân văn và tốt đẹp hiển hiện qua từng lời ca, điệu hát dân gian, đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi từ thơ bé… Thế nên, khi còn là sinh viên, tôi đã “để ý” đến văn học dân gian và cổ văn. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này, có bài được đăng trên tạp chí “Văn Sử Địa”… Tốt nghiệp, Trường có có ý định giữ tôi lại làm giảng viên, nhưng tôi đã từ chối. Thầy Trương Tửu khuyên rằng: “Nếu ở lại Hà Nội thì anh nên đi vào lĩnh vực nghiên cứu văn học hiện đại, còn về địa phương thì nên vào mảng văn học dân gian. Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khai phá đó là câu đố. Ra dạy cấp III anh nên dành thời gian sưu tầm và tìm hiểu nó”…

 

Mang theo lời dặn của Giáo sư Trương Tửu, năm 1956, chàng trai trẻ Ninh Viết Giao vào Nghệ An, làm thầy giáo dạy văn ở trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng. Xứ Nghệ, vùng đất được nói đến rất nhiều trong sử sách, giờ đây phát lộ trong tâm trí người thầy giáo trẻ quê quán Xứ Thanh với những vỉa tầng văn hóa chưa được khai phá. Câu đố, là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Trong những chuyến điền dã, thầy giáo trẻ Ninh Viết Giao được nghe rất nhiều câu đố dân gian giản dị, dân dã mà rất trí tuệ… Một mình ghi chép không xuể, thầy đề nghị nhà trường phát động phong trào học sinh sưu tầm câu đố. Sau 2 năm, trong tay thầy đã có hàng ngàn câu đố, có thể biên soạn thành một cuốn sách. Và thế là, “Câu đố Việt Nam” – công trình đầu tay của thầy biên soạn đã được xuất bản. Đó là một cuốn sách mỏng, chừng 200 trang, nhưng nó có ý nghĩa mở đầu, dẫn dắt cho ngót năm chục công trình khoa học nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu; có công trình dày 6000 trang – 9 tập như “Kho tàng vè”… Năm 2001 ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT (đợt 1) với cụm công trình: Hát phường vải (1961, 1984), Về VHDG Nghệ Tĩnh (1982), Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu (1988)…

 

PV: Thưa PGS, điều gì đã khiến ông say mê khám phá, giữ gìn kho tàng giá trị văn hóa dân gian Xứ Nghệ? 

 

PGS Ninh Viết Giao: Sau thành công của cuốn sách đầu tiên, tôi hiểu, “sứ mệnh” của đời mình chính là VHDG Xứ Nghệ. Hấp lực của VHDG Xứ Nghệ rất lớn. Ẩn chứa trong từng câu ca, chuyện kể, điển tích và những đặc sắc văn hóa hữu thể, vô thể là quá khứ nhiều thế kỷ con người Xứ Nghệ - vùng biên ải một thưở của nước Việt. “Hát phường vải” được hoàn thành năm 1961, là công trình được dư luận, giới học thuật quan tâm, và tôi cũng rất tâm đắc với công trình này. Nhắc đến VHDG Xứ Nghệ, phải nhắc đến hát phường vải, hát ví dặm với rất nhiều làn điệu phong phú. Ở đó, cái chất giọng đặc trưng của người Nghệ được phô diễn một cách nhuần nhị và hấp dẫn, nội dung lời ca trong hát ví dặm phản ánh cuộc mưu sinh khó nhọc, cuộc đấu tranh bền bỉ với thiên nhiên, giặc giã suốt hàng thế kỷ… Không có điều gì khác là chính vẻ đẹp trong sáng, nguyên sơ của ca dao, tục ngữ, dân ca, truyền thuyết, cổ tích, những phẩm cách đáng quý của đất, người Xứ Nghệ đã cuốn hút, dẫn dụ tôi đi theo, đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu cả cuộc đời… Tôi cho rằng, có những nhận định của tôi về VHDG Xứ Nghệ từ thời tuổi trẻ, từ những năm giữa thập niên 50 thế kỷ XX cho đến bây giờ, vẫn khó có thể thay thế, thậm chí, khó có thể bổ sung thêm gì nhiều… 

 

PV: Và trong “thế giới phẳng”, giữa cơn lốc “toàn cầu hóa” hiện nay, những giá trị văn hóa dân gian Xứ Nghệ mà PGS đã tìm, lưu giữ đó, sẽ tồn tại và phát triển như thế nào? Hay nói cách khác, số phận của nó sẽ ra sao?

 

PGS Ninh Viết Giao: Khi khái niệm về một “thế giới phẳng” do nhà báo Mỹ Thomas L. Friedman đưa ra, với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý…, tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới; quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình… thì trong suy nghĩ của tôi vẫn băn khoăn một điều, tại sao cái từ “Xứ” Nghệ, vốn chỉ xuất hiện và được sử dụng trong hành chính vài chục năm, khoảng giữa thế kỷ XV, so với từ “trấn” Nghệ An được dùng chính thức xuyên suốt nhiều thế kỷ đến đầu thời Nguyễn… nhưng rồi, rốt cuộc, còn lại đến thế kỷ XXI, vẫn là từ “xứ”. Lý giải được điều này, sẽ thấy quy luật vận động, phát triển của các giá trị văn hóa “vô thể”. Từ đó suy ra, toàn cầu hóa với sức mạnh “khủng khiếp” của nó không chắc là sẽ “san phẳng” được tất cả mọi thứ, nhất là trong lĩnh vực văn hóa – tinh thần.

 

PV: Nhưng, nhiều nhà nghiên cứu, học giả khác đã dự báo sẽ có sự lung lay của các giá trị đó…

 

PGS Ninh Viết Giao: Trong "thế giới phẳng”, muốn tồn tại và vươn lên, phải có “sức sống”. Sức sống của VHDG Xứ Nghệ chắc chắn là đã có và sẽ còn. Tôi chỉ xin minh họa bằng những ví dụ trong lĩnh vực gia đình. Xứ Nghệ ta xưa kia là nơi biên trấn, đầu sóng ngọn gió của đất nước. Điều kiện sống, không gian sống rất khắc nghiệt, bởi thế cư dân xứ Nghệ phải liên tục đấu tranh. Những lúc ấy, lấy sức mạnh nào để gìn giữ, bảo vệ gia đình? Môi trường sống như vậy buộc các gia đình và lớn hơn là các dòng họ phải tự tạo lấy cho mình một hàng rào kiên cố nhưng mong manh vô hình - đấy là gia phong. Cứ thế sự giáo dục nghiêm túc, chặt chẽ, thậm chí có lúc khá bảo thủ và hà khắc theo nề nếp của từng nhà, dần dà qua thời gian hình thành truyền thống gia phong xứ Nghệ. Sẽ có sự “lung lay” chứ không phải là “bị san phẳng”, đó là sự lung lay mang tính hai mặt. Nó sẽ làm các giá trị văn hóa, tinh thần thêm vững chắc đồng thời cũng sẽ điều chỉnh, gọt giũa những cái đã tỏ ra lạc hậu, không phù hợp thời đại mới; xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa, tinh thần mới. Ví như, tính gia trưởng, bảo thủ trong nhiều gia đình xứ Nghệ ngày xưa đã làm cho các thành viên gia đình mất đi tính năng động. “Thế giới phẳng” sẽ làm cải biến điều đó, bởi các thế hệ sau này đã có nhận thức khác về vai trò của cá nhân. Ngay bây giờ, chúng ta đã thấy các điều kiện KT-XH đã chuyển sang một “chất”, mới mang tính năng động, sáng tạo và tự chủ, do đó, sự vận hành của nó sẽ “cuốn” theo, chi phối mọi cá thể, mọi thiết chế tự điều chỉnh cho phù hợp…  Nếu vẫn có một vài gia đình, dòng họ cưỡng lại quy luật đó, chắc chắn là sẽ dẫn đến xung đột… Sự “lung lay” do “toàn cầu hóa” tác động đến các giá trị VHDG Xứ Nghệ, có thể được suy ra từ ví dụ nhỏ trên.

 PV: Nhưng chúng ta có bộ máy nhà nước với đầy đủ các thiết chế văn hóa, thưa PGS, chẳng lẽ lại để mọi điều cứ diễn ra một cách tự nhiên?

PGS Ninh Viết Giao: Nhà nước, các thiết chế văn hóa, các cơ quan quản lý lĩnh vực này sẽ phải làm gì trong “thế giới phẳng”, đó là một câu hỏi lớn. Nhưng tôi cho rằng, phải đánh thức lòng tự tôn huyết thống, tự hào về các giá trị VHDG Việt Nam và của từng địa phương, tôn vinh những giá trị đã được bảo tồn qua lịch sử; những nghệ nhân, nhà văn hóa. Quảng bá rộng rãi những nét đẹp trong cư xử, đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa con người với tổ chức. Thời nào cũng vậy thôi, khi đến nhà nào chỉ cần nhìn qua những cách đối đáp, ứng xử, đi đứng của con cái thì biết ngay gia đình ấy có gia phong, nền nếp hay không. Đó là kết quả của một quá trình, là công lao của nhiều người: cha mẹ, thầy cô, bà con láng giềng. Chứng kiến một vụ va chạm, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, sẽ thấy ai là người tốt, ai là người có tầm cao về văn hóa… Tất cả những mặt tốt và chưa tốt đó, đều thuộc về cộng đồng chúng ta, không ai từ chối được trách nhiệm của mình. Làm sao để khi người Nghệ đi đến vùng miền khác, sẽ được kính trọng bởi những phẩm chất văn hóa tốt đẹp truyền thống nhưng cũng dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống nơi bản địa…

          Qua khe cửa sổ, một tia nắng chiều xuân vàng len vào đậu trên mái tóc bạc trắng của PGS Ninh Viết Giao. 75 tuổi, và hơn nửa thế kỷ miệt mài nghiên cứu VHGD xứ Nghệ, sống ở xứ Nghệ, nhưng tôi vẫn nhận ra nơi ông, con người và tính cánh của một kẻ sỹ không màng danh lợi, chỉ biết nói điều thẳng, điều thật và không khuất phục trước trở lực nào… Có lẽ chính nhờ điều đó, mà ông đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình. Tôi nhớ giọng nói xứ Thanh trầm ấm của PGS Ninh Viết Giao, trong một ngày xuân xứ Nghệ.

Trần Hoài - Trần Hải