|
Ảnh: Internet |
Ước tính hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh ta có hơn 1.000.000 lượt người truy cập mạng. Số thuê bao Internet ADSL tốc độ cao đạt mật độ 4,5 thuê bao/100 dân. Mạng Internet phát triển mạnh tạo nên một xã hội ảo với những mảng màu sáng, tối.
Văn hóa mạng - văn hóa của lớp trẻ
Một điều tra xã hội học gần đây cho thấy: 90% số người sử dụng Internet có độ tuổi từ 14 đến 28. Trong đó, học sinh, sinh viên chiếm đa số. Hàng trăm diễn đàn trên mạng đã tạo nên một cộng đồng, một xã hội ảo với những nét văn hóa đa dạng, phong phú. Ở Việt Nam, diễn đàn lớn nhất là Trái tim Việt Nam online/(http://www.ttvnol.com). Đây là một diễn đàn phi chính trị, phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 10 năm 2002 với mong muốn trở thành nơi hội tụ của các bạn trẻ ở khắp nơi trên thế giới, nơi những con người mang trái tim Việt Nam cùng trao đổi, học tập và giúp đỡ lẫn nhau. Trái tim VN online đã trở thành một mạng xã hội ảo với đầy đủ các lĩnh vực của đời sống, từ chuyện gia đình đến chuyện đất nước, từ chuyện công nghệ đến chuyện "buôn dưa lê"... Thực tế, các diễn đàn trên mạng đã quy tụ được lớp trẻ, tạo thành một cộng đồng trẻ, từ đó tạo ra những hiệu quả thiết thực trong xã hội thực... Từ đó, "nền văn hóa mạng" cũng mang đậm văn hóa của lớp trẻ.
Một điều dễ nhận thấy là Internet đã tạo nên một cộng đồng văn hóa có sức thu hút và tập hợp đông đảo mọi thành phần tham gia, tạo nên sức mạnh đoàn kết, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhiều diễn đàn trên mạng đã tạo ra được sân chơi an toàn, bổ ích và hiệu quả cho lớp trẻ. Họ giao lưu, học tập theo quy định của pháp luật, giúp nhau cùng tiến bộ. Nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa người Việt đã được các bạn trẻ khơi dậy như: kêu gọi mọi người đóng góp giúp đỡ gia đình khó khăn, các hoạt động uống nước nhớ nguồn, hoạt động tình nghĩa được nhiều nhóm bạn trẻ tổ chức thường xuyên với tinh thần tự giác, tự nguyện. Nhìn chung, các sự kiện thời sự liên quan đến dân tộc và Tổ quốc đều được cư dân mạng theo dõi sát sao và thể hiện chính kiến của mình. Những đợt thiên tai, bão lũ, tai nạn lao động... đều được các thành viên mạng quan tâm. Qua những đợt như vậy, mọi người xích lại gần nhau hơn, hiệu quả từ xã hội ảo được thể hiện ngay ở thực tế cuộc sống hàng ngày của người dân.
Nhiều tiềm ẩn
Cách đây vài năm, cả thành Vinh phải sững sờ khi xảy ra vụ án mạng do mâu thuẫn từ việc tán gẫu trên mạng. Hai thanh niên ngồi "chat" với nhau, sau một thời gian, phát hiện ra đối phương là nam giới chứ không phải "em gái" như lời giới thiệu làm quen, thế là hàng trăm lời chửi tục tĩu văng ra từ cả hai phía. Sau khi thách thức nhau, một thanh niên đã tới cổng quán "chat" và dùng dao "xử" kẻ "giả gái" kia. Cái chết không đáng có của cậu thanh niên 16 tuổi đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội thông tin. Thế nhưng... đâu lại vào đó.
Theo thống kê, 80% số vụ hiếp dâm xảy ra trong thời gian gần đây đều ít nhiều liên quan đến Internet. Hầu hết các đối tượng phạm tội đều rất trẻ và đã khai nhận là bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh khiêu dâm từ các trang thông tin điện tử. Điển hình như vụ Hồ Hữu Nhã, sinh năm 1990, ở xã Quỳnh Trang huyện Quỳnh Lưu đã giở trò đồi bại với một số em gái đang học THCS.
Hiện nay có khoảng 3000 trang web phản động và đồi trụycó thể truy cập được tại Việt Nam. Mỗi ngày, có khoảng hơn 1 tỉ hình ảnh đồi truỵ, phản động và hàng trăm ngàn bộ phim cùng loại được lưu hành trên mạng. Số người truy cập vào các trang này cũng ngày càng tăng bởi tốc độ Internet ngày càng cao. Một nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất hiện nay là các tổ chức phản động lưu vong nước ngoài dùng thư điện tử để phát tán tài liệu xấu. Thông thường các trang web phản động này rất mạnh, có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ của chúng ta một cách dễ dàng... Đây thật sự là những luồng văn hoá phẩm độc hại, những hiểm hoạ lớn đang ngày đêm được "bơm" vào Việt Nam.
Hơn 80% học sinh ở thành thị (từ bậc THCS) biết sử dụng Internet và tham gia vào xã hội ảo. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trong số đó lên mạng để tìm tài liệu học tập, số còn lại chủ yếu là vui chơi, giải trí... Hiện nay, vào một quán Internet công cộng, chúng ta bắt gặp hình ảnh những thanh niên chụm năm, chụm bảy tán gẫu hoặc chơi những trò chơi bạo lực. Các trò chơi trực tuyến ngày càng phát triển khiến cho lớp trẻ sa vào nghiện ngập, bỏ bê học hành để chơi game trên mạng... Nhiều học sinh bỏ học ngồi hàng giờ đồng hồ để cá cược nhau, "bắn giết" nhau trên màn hình. Đi kèm với đó là những hoạt động như cá độ, điều khiển sự thắng thua bằng tiền bạc, từ đó phát sinh các hiện tượng như lừa dối, trộm cắp vặt, thậm chí mâu thuẫn đánh chém nhau.
"Văn hóa mạng" đang là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Để phát huy những nét đẹp, hạn chế những độc hại, mỗi người phải tự xây dựng cho mình những cách ứng xử đúng đắn bởi xét cho cùng, văn hóa mạng hình thành cũng từ nét văn hóa của mỗi thành viên.
P.T.V