(Công điện số 28/CĐ-UBND ngày 27/12/2011của Chủ tịch UBND tỉnh)
Hiện nay, rét đậm, rét hại, dịch bệnh đang xảy ra trên địa bàn tỉnh ta và theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết đang diễn biến phức tạp, nguy cơ rét đậm, rét hại có thể còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Hiện nay một số địa phương không triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật do ngành NN và PTNT hướng dẫn như: Gieo thẳng lúa, gieo mạ sớm so với thời vụ quy định; thả gia súc, gia cầm vào rừng... Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết và dịch bệnh gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị:
- Thành lập ngay các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo do các đồng chí lãnh đạo UBND và trưởng các phòng, ban liên quan ở huyện, thành, thị làm trưởng các đoàn xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện thời vụ gieo trồng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và rét cho cây trồng, vật nuôi.
- Chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ gieo trồng theo Đề án số 2575/SNN-ĐASX ngày 14/11/2011 của Sở NN và PTNT. Đồng thời lưu ý thực hiện triệt để việc xử lý hạt giống và che phủ cho tất cả diện tích mạ vụ xuân 2012; Cùng với cây lúa, lịch thời vụ gieo lạc phải thực hiện nghiêm túc theo quy định, không được gieo quá sớm.
- Không gieo cấy lúa, gieo lạc vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC.
- Đối với các huyện thuộc các vùng nguyên liệu mía: Tập trung chỉ đạo người trồng mía thực hiện nghiêm túc công tác tiêu hủy những diện tích mía bị bệnh "chồi cỏ" ngay sau khi thu hoạch mía theo đúng hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Sau khi tiêu hủy, nếu chưa đủ điều kiện về giống sạch bệnh và vật tư thâm canh thì chuyển sang luân canh cây trồng khác sang vụ thu 2012 hoặc vụ xuân 2013 mới trồng lại mía.
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trên địa bàn để tăng cường sức khỏe, tăng khả năng chống rét như: Chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô, xanh, như: rơm, rạ, rau chuối kết hợp thức ăn tinh,... tu sửa, che chắn chuồng trại tránh bị gió lùa, thường xuyên có chất độn chuồng; đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, khô ráo; không thả rông gia súc trong rừng. Trong những ngày mưa rét kéo dài, nhiệt độ xuống dưới 15oC, hướng dẫn nông dân không sử dụng trâu bò cày, kéo, không chăn thả gia súc ngoài đồng, ngoài bãi.
- Cùng với việc phòng, chống đói, chống rét phải tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm soát công tác giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm, phát hiện và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xẩy ra trong diện hẹp. Những địa phương đang có dịch lở mồm long móng phải tập trung chỉ đạo xử lý để sớm công bố hết dịch.
- Chủ động sử dụng ngân sách dự phòng cấp huyện để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng cây trồng, vật nuôi, gia súc, gia cầm bị chết nhiều do chủ quan, lơ là, không thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và rét.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và rét cho cây trồng, vật nuôi để các địa phương tổ chức thực hiện.
- Cử các đoàn công tác do lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn của sở xuống các huyện, thành, thị để phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và rét cho cây trồng, vật nuôi.
- Phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu trình UBND tỉnh xử lý kịp thời các chính sách hỗ trợ cho nông dân khi có thiệt hại do dịch bệnh và rét đậm, rét hại xảy ra.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở NN và PTNT tham mưu UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhân dân khi có rét đậm, rét hại xẩy ra.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
ĐINH VIẾT HỒNG