Sau một thời gian “đánh trống tụ nghĩa”, hoạt động của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã nhìn thấy những tín hiệu khả quan. Nhưng bên cạnh đó, không thiếu những nỗi niềm của những người “kề vai sát cánh” với việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.
|
Ca sỹ MỸ Linh - từng gây xôn xao dư luận về việc xâm phạm bản quyền trong album" Chát với Moza |
5 năm được mùa hái quả
Doanh thu trong 5 năm qua được giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) cho biết lên tới 17 tỷ (đạt 19%) và Trung tâm đã làm nhiệm vụ phân phối được gần 14 tỷ cho các tác giả. Điểm đáng mừng là doanh thu năm sau bao giờ cũng cao gấp đôi năm trước. Riêng năm 2007 vừa rồi, Trung tâm thu được gần 9 tỉ, bằng 4 năm trước cộng lại.
Cũng trong năm 2007, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã trở thành thành viên của CISAC (Liên minh Quốc tế các Hiệp hội tác giả và nghệ sĩ) ngày 01/06/07. VCPMC không chỉ đại diện cho 1.200 tác giả trong nước mà còn đại diện cho 2,5 triệu tác giả trên thế giới và nó trở thành tổ chức hợp pháp và độc quyền bảo vệ quyền lợi của tác giả tại Việt Nam.
Trong 3 quý đầu của năm 2007, đã có nhiều nhạc sĩ được giả tiền bản quyền âm nhạc từ mọi hình thức sử dụng. Trong bảng danh sách thống kê của Trung tâm có tới 17/20 nhạc sĩ được trả tiền cao nhất là những tên tuổi trong Nam, đứng đầu là nhạc sĩ Trần Tiến, Hoài An (hơn 33 triệu VND), Quốc Bảo, Phạm Tuyên (hơn 27 triệu VND), Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Thụ (hơn 26 triệu VND)...
Còn đó những nỗi niềm …
Bản quyền đã trở thành cụm từ không mới và cũng chả cũ với những người làm nghề. Không mới nghĩa là 20 năm qua, nó đã được Nhà nước quan tâm tới bằng việc Bộ Văn hoá - Thông tin thành lập Hãng bảo hộ quyền tác giả. Cục bản quyền mới đây trong dịp kỷ niệm 20 năm thành lập của mình cũng phải thừa nhận sự bất lực khi tiến độ hoạt động chính của Cục là bảo vệ bản quyền còn chậm. Hai chữ “bản quyền” vẫn chỉ nằm trên lý thuyết và nó không mang lại một lợi ích thực tế nào cho tới khi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc được thành lập. Nhưng dù thế, nó vẫn là một khái niệm và là một hoạt động không hề mới mà đại đa số công chúng tảng lờ đi như thói quen mọi thứ là “của Chùa” trước đó.
VCPMC đã ra đời được 5 năm với số lượng nhân viên rất mỏng. Chưa kể hết những người gắn bó và tâm huyết với nó thời gian đầu như nhạc sĩ Vũ Tự Lân, Nguyễn Đình Bảng, Nghiêm Bá Hồng, Lương Nguyên... đều lần lượt rời trung tâm. Số lượng khá đông đảo của 5 vị phó giám đốc trung tâm giờ chỉ còn... 2 người.
Lực lượng mỏng, ngoài Bắc khoảng 18 người và trong Nam là 13 người đã không khỏi làm cho những người trong cuộc ngậm ngùi với một “núi” công việc bảo vệ quyền lợi của người khác. Và lại càng ngậm ngùi hơn khi Giám đốc trung tâm - nhạc sĩ Phó Đức Phương so sánh nó với con số 200 nhân viên tại Tokyo (Nhật Bản) và khoảng hơn 1.000 nhân viên làm công tác này tại Đức...
5 năm đủ để Trung tâm có được nhiều bài học kinh nghiệm. Năm nay Trung tâm sẽ tính tới việc giải quyết thấu đáo và nghiêm túc với mảng truyền hình, phát thanh trên cơ sở luật pháp.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương- giám đốc trung tâmtâm sự “Chúng tôi không thể cầu toàn được. Nếu chúng tôi cầu toàn thì cho tới thời điểm này vẫn chưa có Trung tâm bản quyền”. Trong điều kiện còn thiếu hụt các văn bản pháp lý, thiếu hụt nguồn nhân lực có kiến thức thì việc vừa hoạt động, vừa tác động tới cơ quan nghiệp vụ và Nhà nước ra văn bản luật pháp cũng là một kỳ tích với Trung tâm.
Theo VnMedia