(NAO) - Hơn 50 năm đầu gối tay ấp, có với nhau tới 7 mặt con, cháu nội cháu ngoại đông đúc. Vậy mà khi đến tuổi xưa nay hiếm họ đã kéo nhau ra tòa khẩn khoản xin được ly hôn. Sau 2 lần trì hoãn, sáng ngày 21 /03, tòa án nhân dân tỉnh mới đưa vụ ly hôn hy hữu này ra và tại tiếp tục... tạm hoãn vì người chồng lại kháng cáo phần phân chia tài sản.Không được nhận một đồng lương chồng !Trong đơn xin ly hôn bà Cẩm viết: "...tình cảm chúng tôi đã không còn từ lâu, mâu thuẫn xảy ra hàng chục năm nay rồi, vì thế hơn 20 năm nay, chúng tôi đã ly thân. Những khổ đau và trớ trêu bất hạnh trên đời tôi đã phải gánh chịu. Nay con cái đã trưởng thành, để thảnh thơi tuổi già cùng con cháu, tôi làm đơn kính đề nghị Tòa cho tôi được ly hôn với ông Nguyễn Như Cương"...
|
Theo lời kể của bà Trần Thị Cẩm, thì bà sinh ra trong một gia đình nông nghiệp ở Khối Tân Phúc, phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò, mồ côi bố từ nhỏ, một mình mẹ bà là cụ Phan Thị Bưởi làm nghề buôn bán lặt vặt nuôi con ăn học. Lớn lên bà Cẩm đi công nhân ở xí nghiệp 1-5, rồi lấy chồng là ông Nguyễn Như Cương quê ở Nghi Liên, huyện Nghi Lộc, nguyên là công nhân địa chất. Nhà chỉ có 2 mẹ con đàn bà nên ông Cương ở rể từ năm 1957. Năm 1958, bà Cẩm sinh cháu đầu và lần lượt có thêm 6 mặt con. Cảnh con đông, chồng đi xa, mẹ già không người chăm sóc, bà Cẩm đành bỏ việc nhà nước về nhà nuôi con nhỏ, chăm mẹ già.
Thế nhưng, bà Cẩm nghẹn ngào. Từ khóe mắt nhăn nheo trên khuôn mặt đầy khổ tâm, nước mắt cứ thế tuôn trào. "Suốt bao nhiêu nhiêu năm lấy nhau chưa bao giờ ông ấy đưa cho tôi một đồng tiền lương" Bà Cẩm nói. Nhiều lần tôi gặng hỏi: "Sao ông không đưa cho tôi một ít tiền để tôi nuôi con?". Ông ấy bình thản trả lời: " Phụ nữ đảm đang đâu mà đòi tiền chồng". Vì thương con, nên tôi đành cam chịu để cho "trong ấm ngoài êm". Nhưng ông ấy càng ngày càng thậm tệ, nhất là từ khi về hưu, ông ấy sinh ra chứng đánh đập tôi, nhiều hôm, đêm khuya ông ấy còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay cứ thế mà đánh vợ. Tôi đã phải chạy sang gia đình ông Long, ông Thân, láng giếng mà trú ngụ qua đêm. Hàng xóm nhiều người sang can ngăn nhưng ông ấy còn thách đố: "Vợ tau tau dạy. Bay liên quan chi". Ai cũng phẫn nộ nhưng cũng không dám lên tiếng vì sợ chồng tôi. Cách đây hơn 20 năm, vì không chịu được cảnh đòn roi, vũ lực của chồng, tôi đã viết đơn xin ly dị nhưng ông ấy cầm đơn rồi xé trước mặt tôi và đe dọa, hồi đó cũng chưa có các đoàn thể hòa giải góp ý, giải thể như bây giờ nên tôi đành chịu đựng. Bà Cẩm cho biết: "Vì thương tôi cảnh già nhưng vẫn khổ tâm vì chồng nên con cái hiện sống ở Sài gòn đã bàn và đưa tôi vào chăm cháu cũng là để đỡ khổ".
Năm 1983, bà Cẩm vào Sài Gòn chăm sóc cháu nội lẫn cháu ngoại, mỗi năm bà chỉ về quê 4 lần vào ngày tết, rằm và giỗ bố mẹ. Năm 2003, trong lần về quê để làm giỗ cho mẹ, bà Cẩm phát hiện ông Cương đã bán đất vườn cho 2 hộ Anh Dũng và anh Tỵ mà không cần hỏi ý kiến vợ. Sau đó, ông Cương đã làm bìa đất mang tên chủ hộ là ông. Không thể chấp nhận việc làm đó của chồng, bà Cẩm đã đấu tranh, vì thế mâu thuẫn vợ chồng ngày càng trở nên phức tạp.
Vắng vợ, đã có...
Nói về ông Nguyễn Như Cương, sau khi bán đất, ông Cương đã mua một xe máy và xây cất thêm một ngôi nhà bằng trong khuôn viên. Với lý do bà Cẩm xa nhà thường xuyên, không có ai nâng khăn sửa áo, chăm nom, nấu ăn dọn dẹp cho mình nên ông Cương đã thuê một phụ nữ khoảng chừng 40 tuổi, không chồng là bà N-T-H, người ở phường Nghi Hải làm nghề đóng gạch về nấu ăn phụ giúp trong nhà.
Ông Hoàng Đức Long, một người dân ở khối Tân Phúc, phường Nghi Hòa cho biết: Ông Cương thường không hay quan hệ với láng giềng, nên chúng tôi cũng không mấy ai quan tâm chuyện ông ấy có quan hệ như thế nào với bà N-T-H ?. Nhiều khi chúng tôi cũng muốn góp ý với ông ấy nhưng thấy ngại. Chỉ thấy thương bà Cẩm, suốt đời khổ cực nhưng bây giờ về già lại chứng kiến cảnh chồng làm nhà ở riêng và có người đàn bà khác sống với chồng giữa thanh thiên bạch nhật mà không nói được gì?".
Bà Cẩm tâm sự: Năm 2006, khi biết được chuyện, tôi đã quyết định về quê ở hẳn, thế là người phụ nữ đó về nhà cô ta ở nhưng hàng ngày, ông Cương vẫn sang ăn cơm, uống nước và có nhiều hôm ở bên đó tận cuối buổi mới về. Nhiều hôm đi chợ thấy người ta xì xào to nhỏ, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, nhiều đêm trắng nghĩ lại cảnh vợ chồng mấy chục năm trời đầu gối tay ấp có với nhau 7 mặt con vậy mà ông ấy lại đối xử với tôi như vậy, mộ phần của bố mẹ tôi vẫn còn nằm trong khuôn viên vườn tược để cho chút mọn con gái chăm sóc nhưng tại sao ông ta ác tâm ác ý như "con trai Triệu Đà" vừa lấy tình vừa chiếm đất. Nghĩ đến đây, tôi đã không thể chịu đựng thêm được nữa, vì thế tôi đã đi đến quyết định viết đơn ly dị.
Tòa xử, hay... xử tòa (!?)
Chuyện bà Cẩm làm đơn ly dị chồng bung ra, con cái ông bà về can ngăn nhưng không xong. Ban Mặt trận, tổ hòa giải khối Tân Phúc đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng cũng không đem lại kết quả. Ngày 28/ 3/2007, Tòa án nhân dân Thị xã Cửa Lò (TX Cửa Lò) đã giải quyết ly hôn giữa ông Nguyễn Như Cương và bà Trần Thị Cẩm. Thế nhưng bà Cẩm không đồng ý phát xét về phân chia tài sản và đất đai của Tòa án TX Cửa Lò nên đã có đơn kháng cáo.
|
Ngày 10/04/2007, Viện kiểm sát nhân dân TX Cửa Lò đã có quyết định kháng nghị bản án Dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân TX Cửa Lò theo thủ tục phúc thẩm bản án sơ thẩm vì đã vi phạm luật dân sự cả về nội dung và thủ tục tố tụng. Cụ thể về mặt thủ tục tố tụng tại bản án sơ thẩm không áp dụng điều 91 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 qui định "ly hôn theo yêu cầu một bên" mà lại áp dụng điều 89 Luật hôn nhân gia đình năm 2003 tuyên xử cho bà Cẩm được ly hôn với ông Cương là thiếu sót và vi phạm luật hôn nhân gia đình, bởi thực tế không có luật hôn nhân gia đình năm 2003. Ngoài ra đương sự yêu cầu thẩm định tại chỗ, không yêu cầu tòa án định giá tài sản nhưng Tòa vẫn tổ chức định giá tài sản là vi phạm điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự... Với những lý do này, Viện Kiểm sát nhân dân TX Cửa Lò có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm.
Sau 2 lần trì hoãn, sáng ngày 21/3 vừa qua, phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra thế nhưng vẫn chưa thể kết thúc vì ông Nguyễn Như Cương đã không đồng ý với sự phán xét phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
Trao đổi với chúng tôi, ngay sau khi ra khỏi Tòa án, ông Cương vẫn còn bảo thủ với quan điểm của mình: Đất của cha mẹ bà Cẩm để lại, nhưng tôi là người có trách nhiệm nộp thuế đất mấy chục năm qua vì thế Tòa xử chia đôi như vậy là không công bằng. ông Cương nói. "Tôi sẽ làm đơn kháng cáo".
Chúng tôi xin kết thúc bài báo bằng ý kiến của tổ hòa giải, tiểu ban mặt trận khối Tân Phúc, phường Nghi Hòa: "...ông bà tuổi đã cao, sống với nhau đã mấy chục năm trời, từng có với nhau có 7 mặt con, tuy trong cuộc sống nhiều khi có xúc phạm đến nhau nhưng chín bỏ làm mười, mong ông bà bỏ qua chuyện cũ để sống với nhau những ngày cuối đời cho thật thanh thản...".
Bài, ảnh: Hồ Hà