(Baonghean.vn) Từ trên đỉnhĐại Huệ (xã Nam Anh, Nam Đàn), cao 420 mét so với mặt biển, chúng ta có thể nhìn thấy một vùng non nước hữu tình, một vùng đất địa linh, một không gian tâm linh hùng vĩ thiêng liêng.
Với tầm nhìn bao quát về một vùng đất địa linh, vua Mai Hắc Đế sau khi chiến thắng giặc phương Bắc đã cho xây dựng nhiều ngồi chùa khắp cả nước. Năm 627, vua Mai đã lập đàn tế Trời Phật, triều đình và nhân dân khởi công xây dựng chùaĐại Tuệ nằm trên dãy núi Đại Huệ hùng vĩ. ChùaĐại Tuệ là một trong những danh thắng của xứ Nghệ.
Sang thế kỷ 15, Hồ Quý Ly đã trùng tu chùa khang trang để thờ PhậtĐại Tuệ. Chuyện kể rằng: Trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Đồng thời cũng là nơi để tăng ni, phật tử tu tập dâng hương thờ Phật. Năm 1789, sau khi tuyển quân và duyệt binh ở núi Lam Thành, vua Quang Trung ra lệnh cho quân sỹ cấp tốc lên đường tiến quân ra Thăng Long. Để rút ngắn thời gian hành quân, Quang Trung cho quân sỹ vượt qua dãy Đại Huệ, tiến thẳng ra Bắc. Nhà vua đã cho quân sỹ, dừng chân nghỉ tại đỉnh núi, vào chùa Đại Tuệ dâng lễ vật hương hoa lên ban thờ Phật gia hộ cho quân sỹ hành quân thần tốc ra kinh thành đánh tan 30 vạn quân Thanh. Nhà sư trụ trì chùa Đại Tuệ đã dẫn vua Quang Trung lên đỉnh núi cao nhất (nơi có bàn cờ bằng đá) chỉ đường tắt đến Kinh đô, đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước.
Sau khi lên ngôi,Hoàng đếQuang Trung đã đặt tên núi Đại Huệ (Ân Huệ lớn), cấp 20 mẫu ruộng đất mở rộng quy mô chùa.
Điều làm cho mọi người ngạc nhiên là tại chùa Đại Tuệ có những đồ tế khí bằng đá. Đó là mõ đá, chuông đá, khi gõ lên nghe vang xa như âm thanh kết nối trời, đất với con người. Tương truyền rằng vua Quang Trung đã dùng mõ này dóng lên những hồi chuông thúc dục quân sỹ xuống núi hành quân cấp tốc. Trước chùa Đại Tuệ còn có phiến đá rất to tựa như Ngai vàng. Tương truyền các bậc đế vương như Vua Mai Hắc; Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ đã ngồi lên ngai đá thắp hương dâng lễ Phật cầu nguyện có sức mạnh khối đoàn kết triều đình và nhân dân để đánh tan quân xâm lược, nguyện cho quốc thái dân an.
Trên đỉnh núi cạnh chùa Đại Tuệ có ao sen nở sớm và tàn rất muộn, có giếng Ngọc nước trong xanh quanh năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì nguồn nước trên đỉnh núi Đại Huệ là một trong sáu nguồn nước thiêng mà rất nhiều triều đại các bậc vua chúa đều dùng nước giếng Ngọc để dâng lên tế Trời đất trong những lễ cầu quốc thái dân an. Vì thế trong dân gian có lưu truyền bài thơ: "Ngai Thạch vững chãi/ Chuông đá ngân vang/ Mõ đá vọng sang/ Bàn Tiên thượng đỉnh/ Ao sen phảng phất/ Giếng nước Thánh tràn/ Ngôi chùa trên mây/ Người xây, thiên tạo hoá" .
Trên núi Đại Huệ gần chùa Đại Tuệ có một ngôi mộ xây bằng đá. Người dân địa phương cho biết: Khi bị nhà Nguyễn truy sát, Hoàng đế Cảnh Thịnh (Vua Quang Toản - con trai của Quang Trung) đã chạy lên núi Đại Huệ, xuống tóc tu tại chùa Đại Tuệ. Sau khi viên tịch, mộ vua Cảnh Thịnh đã được chôn cất tại đây. Cùng với một số di tích và những câu chuyện lan truyền trong dân gian, hiện nay, chùa Đại Tuệ còn lưu giữ pho tượng Phật Tam Thế, 5 bộ sách Kinh Phật, bia đá, một số bát hương, bát gốm cổ.
Trước những đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ nền độc lập cho dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử, trước sự nhiệt thành của thập phương phật tử gần xa, UBND tỉnh đã có quyết định phục dựng chùa Đại Tuệ và thỉnh sư trụ trì là Thượng toạ Thích Thọ Lạc cùng với nhân dân và phật tử thập phương chung tay góp sức xây dựng chùa Đại Tuệ.
Dự kiến chùa Đại Tuệ được xây dựng thành 4 hạng mục chính: Chùa Trình, chùa Hạ, Chùa Trung và chùa Thượng. Công trình mang nét kiến trúc văn hoá truyền thống dân tộc, hài hoà với không gian thờ tự, thiết thực cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật Pháp của tăng ni, phật tử, đồng thời xứng đáng là công trình văn hoá tâm linh của Nghệ An và cả nước.
Nguyễn Kim Cúc